Nhà thơ Lữ Mai: 'Không thể thiếu lời ru của mẹ' trong trường ca về người lính

27/07/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ra mắt trường ca Chư Tan Kra Mây trắng (NXB Hội Nhà văn), tác giả Lữ Mai coi tác phẩm của mình là “cuốn sách nhỏ mang thông điệp tri ân” những người lính Trung đoàn 209 cả trong thời chiến lẫn thời bình với hành trình nghĩa tình đi tìm đồng đội.

Đọc trường ca của Lữ Mai: Tượng đài bất tử bằng thơ về Chư Tan Kra

Đọc trường ca của Lữ Mai: Tượng đài bất tử bằng thơ về Chư Tan Kra

Trường ca khiến tôi vừa cảm động vừa ngạc nhiên. Cảm động vì câu chuyện được kể bằng một giọng điệu trường ca vừa chân thực vừa lôi cuốn, vừa rất riêng.

Khi nhắc đến Chư Tan Kra và “trung đoàn mũ sắt”, nhiều người vẫn nhớ giải Bùi Xuân Phái lần thứ 6, năm 2013 đã trao giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội cho các hoạt động tìm kiếm các bằng chứng lịch sử, tổ chức vinh danh các liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại Chư Tan Kra (Kon Tum) của nhóm các cựu chiến binh trong Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209.

Còn tác giả Lữ Mai nhìn về câu chuyện ấy bằng ngòi bút của mình. Chị kể: “Từ nhiều năm về trước, tôi đã biết đến hành trình trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội của các Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 209, còn có tên gọi quen thuộc là Trung đoàn mũ sắt. Tôi cũng có những người bạn thân, đồng nghiệp là phóng viên, biên tập viên chương trình Đi tìm đồng đội của Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam - những người luôn truyền cảm hứng cũng như dữ liệu cụ thể cho tôi về hành trình của các CCB.

Nghĩ ngợi, nung nấu từ khá lâu, nhưng vào đợt dịch 5/2021 vừa qua, tôi mới có thời gian và khoảng lặng để tập trung viết tác phẩm. Trong các thể loại từng chinh phục, tôi ý thức rõ trường ca cần sự liền mạch, tập trung cao độ để không bị đứt gãy, hụt hơi về mạch cảm xúc và nội dung tác phẩm”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Lữ Mai

* Tại sao chị lại chọn cái tên “Chư Tan Kra mây trắng”?

- Chư Tan Kra trước hết là một địa danh đặc biệt, nơi đó diễn ra trận giao tranh ác liệt giữa những người lính Trung đoàn 209 và quân đội Mỹ. Đêm 25, rạng ngày 26/3/1968, hơn 200 người lính đã chiến đấu quả cảm, anh dũng hy sinh tại điểm cao 995. Các anh hầu hết là người Hà Nội, hy sinh ngay trận đánh đầu đời. Nhiều chiến sĩ khi ngã xuống đã bị quân địch thu gom, đốt, vùi lấp dưới mộ chôn tập thể, nên khi các CCB tìm lại được thì đó trở thành vùng đất đen quyện chặt vào nhau giữa lòng đất đỏ. Tôi nhiều lần rơi nước mắt khi nghĩ tới câu chuyện này.

Ở những thước phim tài liệu, phóng sự… ta có thể rung cảm trước hình ảnh những đôi chân mỏi mòn của những người lính năm xưa đi giữa vùng cỏ lau trắng xoá; hình ảnh mắt người sâu thẳm dõi xuống lòng đất sâu… Máu xương, mồ hôi, nước mắt… đều thấm vào đất đai, cây cỏ.

Với thơ ca, tôi chọn hình ảnh mây trắng như một khúc vĩ thanh vút lên, xoa dịu nỗi đau thương chiến trận, sự mất mát, ám ảnh còn đọng lại tới tận ngày hòa bình. Mây trắng trong trường ca mang biểu tượng bao dung, bay bổng với những hình hài của từng dáng người, rừng cây, ngọn núi đã hòa trong nhau, cùng tỏa vào xanh thẳm.

* Được biết trường ca không khai thác tư liệu lịch sử về trận đánh ác liệt trên đỉnh Chư Tan Kra thay vào đó chị chọn cách xoáy sâu vào những tâm tư, tình cảm, câu chuyện của những CCB Trung đoàn mũ sắt trên hành trình đi tìm đồng đội. Lý do nào khiến chị chọn cách triển khai này?

- Tôi là thế hệ sinh ra trong hòa bình, không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến nên việc khai thác sử liệu chắc chắn không phải thế mạnh. Bản thân tôi cũng không muốn tập trung vào nội dung mà mình không nắm rõ. Ngược lại, tâm tư, tình cảm và câu chuyện của các CCB tôi đã có nhiều cơ hội tiếp cận và rung cảm nên tôi chọn điều gần gũi, chân thực với mình nhất.

Trong gia đình tôi, cha tôi cũng là người lính trở về từ chiến trường. Dòng họ nhà tôi có nhiều liệt sĩ, có cả những ngôi mộ thất lạc do chiến tranh… Trước khi gặp gỡ các CCB Trung đoàn 209, từ chính câu chuyện gia đình, quê hương mình, tôi đã sống và trưởng thành cùng với nhiều tâm tư, trăn trở.

Chú thích ảnh
Trường ca "Chư Tan Kra mây trắng"

Chạm vào “vùng cảm xúc thiêng liêng”

*Viết trường ca ngoài cảm xúc đặt để trong câu chữ, giọng điệu thì chắc chắn cần phải có những tư liệu xác thực. Bằng cách nào chị có được những tư liệu phục vụ quá trình sáng tác?

- Các CCB luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi tìm hiểu, khai thác dữ liệu. Tôi coi các bác như bậc cha chú trong gia đình và các CCB cũng dành cho tôi tình cảm đầy bao dung, chia sẻ. Tất nhiên, khi tìm đến các CCB, tôi đã có sẵn bản thảo của trường ca, và sau đó qua quá trình tìm hiểu tư liệu, tôi trải qua nhiều lần sửa chữa bản thảo.

Điều khó khăn nhất với tôi, đó là các CCB có thể chia sẻ nhiều về lịch sử, đồng đội, hậu phương… nhưng mọi nỗi đau, tâm tư trĩu nặng trong lòng mỗi người lính may mắn được trở về thì luôn nén chặt bằng sự im lặng. Trường ca thì buộc phải khai thác các chi tiết này, nên tôi cảm thấy chính mình phải đủ sự tin cậy, chân thành, phải biết đau một phần nỗi đau của người nằm xuống và người trở về thì mới có thể chạm được vào vùng cảm xúc đặc biệt thiêng liêng ấy.

* Được tiếp xúc và trực tiếp lắng nghe chia sẻ của các CCB suốt hành trình hơn 10 năm đi tìm đồng đội, đâu là câu chuyện khiến chị nhớ mãi và xúc động nhất?

- Trở lại cuộc sống hòa bình đã hơn 50 năm, nhưng tôi nhiều lần chứng kiến các CCB hễ nhận được bất cứ điều gì tốt đẹp ở cuộc sống này, dù nhỏ như một tách trà, một khóm hoa, một món ăn đậm hương Hà Nội… thì các bác đều cay mắt nhớ về đồng đội.

Trong quá trình đọc và góp ý bản thảo cho tôi, CCB Hồ Đại Đồng từng nhắc: “Cháu nên đưa một lời hát ru vào trường ca, không thể thiếu lời ru của mẹ!”. Tôi tìm hiểu và biết rằng ông sớm mồ côi mẹ, nhưng ở chiến trường, khi bị thương, khi đau đớn nhất tâm tưởng đều vang lên tiếng gọi “mẹ ơi!”.

Trận đánh tại điểm cao 995 ở Chư Tan Kra quá ác liệt, đến mức nhiều người lính ngã xuống không kịp thốt lên 2 tiếng ấy, càng không thể nhắm mắt và tưởng tượng mình được nghe lời ru dịu dàng của mẹ ngày xưa. Vốn là những người lính can trường, dũng cảm, quyết liệt, song các CCB luôn rơm rớm nước mắt khi nghĩ đến chi tiết này. Đó cũng là lý do tôi đặt tên chương cuối trường ca là Mẹ và kết thúc bằng hai tiếng “Mẹ ơi!”.

* Cảm xúc nào chi phối mạnh mẽ nhất đến chị trong suốt quá trình sáng tác Chư Tan Kra mây trắng từ khi có ý tưởng, trong quá trình viết và đến khi hoàn thành tác phẩm?

- Tôi đã cố gắng đặt mình vào từng nhân vật. Khi là các CCB, khi là những phóng viên, biên tập viên chương trình Đi tìm đồng đội. Tôi cũng làm nghề báo, cũng hiểu phần nào nỗi nhọc nhằn, nhưng trước những nguyên mẫu, tôi thấy mình vô cùng nhỏ bé. Tôi có những người bạn là phóng viên chương trình Đi tìm đồng đội, sau khi chuyển công tác, họ vẫn ôm theo cả chồng hồ sơ về các liệt sĩ để tiếp tục hành trình tìm được nơi các anh đã yên nằm. Như vậy có nghĩa là sự hy sinh xương máu của thế hệ cha ông luôn thường trực trong trái tim mọi người như một nỗi đau, một tình yêu lớn lao, sâu nặng chứ không đơn thuần chỉ là công việc.

*Vậy còn cảm xúc của những CCB Trung đoàn mũ sắt khi đọc trường ca của chị thì sao?

- Các CCB rất xúc động đón nhận trường ca, nhưng bằng tinh thần của những người lính từng vào sinh ra tử, các bác luôn mong rằng đó sẽ không chỉ là cảm xúc của người trong cuộc, mà sẽ lan tỏa sâu rộng hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Chú thích ảnh
Những cựu chiến binh “Trung đoàn mũ sắt”

Tôn vinh vẻ đẹp người “lính mũ sắt” Hà Nội

* Hầu hết những người lính của Trung đoàn mũ sắt đều là những người con Thủ đô. Chị viết cuốn trường ca này liệu có phải như một cách để tôn vinh vẻ đẹp của người lính Hà Nội?

- Người lính Hà Nội nói riêng và tất cả những người lính nói chung đều lên đường chiến đấu, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc lúc mười tám, đôi mươi. Tuổi trẻ đã mang một vẻ đẹp đầy nhiệt huyết, sáng trong, khỏe khoắn và lãng mạn. Riêng những người lính Hà Nội, sinh ra cạnh Bờ Hồ phẳng lặng nên thơ, làng lụa Hà Đông mềm mại, phố Phùng Hưng da diết tiếng còi tàu, đê Yên Phụ có hàng cây cơm nguội vàng hiu hắt… thì ngoài vẻ đẹp chung sẽ có những nét riêng qua từng dáng vẻ, lời nói, phong cách. Tinh thần nghĩa khí đất Thăng Long còn mang dấu ấn vào cả hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của các CCB.

Hơn 10 năm qua, họ đã lặng lẽ vào Chư Tan Kra hơn 30 chuyến; tự tích góp tiền tiết kiệm, lương hưu, chế độ thương binh… mà không nhận bất cứ nguồn kinh phí tài trợ nào. Sau này, các CCB còn mở rộng phạm vi tìm kiếm các liệt sĩ hy sinh ở nhiều chiến trường khác trên dải đất hình chữ S với tinh thần lặng lẽ, khiêm nhường, bao nhọc nhằn đau đớn đều gửi vào mây trắng.

* Rõ ràng câu chuyện về hành trình hơn 10 năm với hơn 30 cuộc tìm kiếm đồng đội của những người CCB Trung đoàn mũ sắt là một câu chuyện thật đẹp, thật xúc động về tình nghĩa đồng đội, là tinh thần hào hoa và hành động trượng nghĩa của những người lính gốc Hà Nội. Những vẻ đẹp này được chị nhấn mạnh hay thể hiện như thế nào trong trường ca của mình?

- Tôi đã khai thác những chi tiết chân thật nhất mà mình tiếp cận được. Từng chi tiết, câu chuyện riêng sẽ gợi cho người đọc sự cảm nhận khác nhau mà không cần người viết phải định hướng hay giải thích. Có những chi tiết thật xúc động mà cũng rất đau lòng, như khi các CCB tìm thấy đồng đội thì không còn hài cốt mà chỉ một vùng đất đen quyện chặt vào nhau, thậm chí có nơi đất đen đã “hoàn thổ”, trở thành màu gần như đất đỏ thông thường.

Một nguyên mẫu trong trường ca khiến tôi rung động là “người cháu gọi tên các chú”. Đó là anh Trương Đức Bình, có ba người chú chiến đấu tại Chư Tan Kra, chỉ một người trở về, là thương binh. Anh đã đồng hành với các CCB hơn 10 năm. Ban đầu anh mong mỏi tìm được hai người chú là liệt sĩ, tới giờ vẫn chưa tìm được, nhưng hành trình đủ mọi cung bậc nghĩa tình khiến anh cảm nhận được rằng tất cả các liệt sĩ đều như ruột thịt, anh không tìm được chú của mình thì cũng hạnh phúc đến nghẹn ngào khi gia đình khác tìm được thân nhân.

* Được tiếp xúc với những người CCB Trung đoàn mũ sắt, trong cảm nhận của chị, họ là những người như thế nào?

- Tôi cảm nhận đó là những người lính thực thụ, ngay cả khi họ đã trở về đời sống thường nhật đến nửa thế kỷ sau chiến tranh. Các CCB vẫn khí chất, hào sảng, trượng nghĩa và bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng ba lô lên đường vì đồng đội. Mỗi CCB một hoàn cảnh, số phận, không phải ai cũng có đời sống đủ dư dả hoặc sức khỏe dẻo dai, nhưng một khi đã lên đường thì bát cơm, miếng nước cũng chia đều.

“Cuốn sách nhỏ mang thông điệp tri ân”

* Sau cùng chị mong muốn điều gì với Chư Tan Kra mây trắng?

- Chư Tan Kra thực tế mới chỉ được nhắc đến nhiều hơn trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhất là sau các phóng sự trong chương trình Đi tìm đồng đội và bộ phim tài liệu “Chư Tan Kra” của đạo diễn Vũ Minh Phương.

Thông qua một cuốn sách nhỏ mang thông điệp tri ân, tôi muốn nhiều người biết thêm Chư Tan Kra và những địa danh khác trên khắp đất nước, tất cả nơi nào có những người lính đã ngã xuống với bao niềm hy sinh xương máu. Tôi cũng muốn hậu phương người lính trong đó có các gia đình liệt sĩ, các CCB được quan tâm nhiều hơn về đời sống tinh thần. Các chế độ chính sách đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng chia sẻ về nỗi đau chiến tranh, vết thương chiến trận sẽ không bao giờ là đủ.

* Trước đó, chị đã có nhiều tác phẩm viết về người lính như: “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi” hay “Ngang qua bình minh”,… Liệu mảng sáng tác về đề tài người lính sẽ được chị theo đuổi chính trong sự nghiệp cầm bút của mình?

- Tôi được sinh ra, lớn lên và trưởng thành chính nhờ sự hy sinh lớn lao của nhiều lớp người, ngay cả trong hoà bình cũng vậy. Ở bối cảnh hiện nay, tôi vô cùng biết ơn những “người lính” theo nghĩa lớn ở khắp các ngành nghề, lĩnh vực đang nỗ lực mang đến sự an toàn, an tâm cho mọi người trong bối cảnh dịch bệnh. Đó chắc chắn là đề tài tôi luôn trăn trở và sẽ dành tâm huyết sáng tác ở những thời điểm phù hợp.

* Dự định sáng tác tiếp theo trong tương lai của chị?

- Tôi mong muốn có những tác phẩm viết về đề tài người lính hôm nay. Người lính - không chỉ được hiểu là người trong quân ngũ mà mở rộng hơn đó là những con người mang tinh thần, khí chất của người lính trong cuộc chiến đấu không chỉ với đạn bom, quân địch mà với nhiều thử thách lớn ở thời bình để mang lại cho nhân dân đời sống an toàn, ấm no và vững vàng hơn.

* Xin cảm ơn chị!

Công Bắc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm