Nhà thơ Hữu Thỉnh - Từ 'Sang Thu' đến 'Để lại cho em'

28/07/2021 19:20 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bài Sang Thu của nhà thơ Hũu Thỉnh đã vào sách giáo khoa hơn 20 năm nay, nhưng bây giờ vẫn còn chuyện học thuật từ bài thơ để bàn. Năm học mới 2021 - 2022 sắp đến, lại một bài thơ của ông được đưa vào sách giáo khoa. Đó là bài Để lại cho em ở trang 128 sách Tiếng Việt 2 (tập 1) bộ Cánh diều (NXB ĐH Sư phạm TP.HCM).

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn học nghệ thuật là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Văn học nghệ thuật là nòng cốt xây dựng nền văn hóa mới

Hội Văn nghệ Việt Nam đã trải qua 8 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc với 3 lần đổi tên qua các thời kỳ: Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 – 1957), Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1957 – 1995) và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (từ 1995 đến nay).

Bài Để lại cho em như sau: “Chị lên tám tuổi/ Để lại cho em/ Dép đỏ, mũ len/ Xinh xinh đôi tất// Áo chị, mẹ mua/ Bây giờ em mặc/ Hai bên hàng cúc/ Có đôi thỏ đùa// Những ngày chị qua/ Bây giờ em tới/ Cơn ho, cơn sởi/ Những ngày lên năm// Để lại cái ngoan/ Trên tay sạch sẽ/ Quàng qua cổ mẹ/ Thơm thơm thơm thơm// Em học ngày ngày/ Cái ngoan của chị/ Những ngày chị bé/ Như em bây giờ”.

Hai bài thơ với rất nhiều tầng nghĩa

Từ khóa của bài thơ Để lại cho em đặt ở khổ thơ thứ 4 - “cái ngoan”. Chữ này hút vào nó sự hàm ơn, trước sự chăm lo chu đáo, nhường nhịn đủ đầy, từ đôi tất tới cái mũ; sự vượt khó trước những thử thách xuất hiện trong đời sống tự nhiên theo từng bước trưởng thành của một cơ thể con người, từ “ho” tới “sởi”.

Đặt được “cái ngoan” lên tay nhân vật thơ ca, thì cái ngoan, một khái niệm đạo đức đã như hữu hình, đã được nhìn thấy. Tác giả, trong cách cấu tứ mang tính tự sự, đã thủ thỉ trò chuyện để hình ảnh thơ, từ chi tiết cụ thể đi tới được tính ẩn dụ trong hình ảnh, khơi gợi tưởng tượng của người đọc - đứa em thay chị vòng tay ôm cổ mẹ như quàng tràng hoa thơm hương đạo đức. Thơm ngát, nhưng giản dị, nhờ chuỗi 4 điệp từ “thơm thơm thơm thơm”. Cho tới khổ kết vĩ thanh, chữ “ngoan” được nhắc lại, để vang ngân “ngày ngày”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh

Thầy cô giáo khi dạy bài này cũng nên biết, trong nguyên bản của tác giả Hữu Thỉnh (có thể đọc ở sách Văn học cho thiếu nhi, NXB Văn học 1995 - tr.957-958) bài thơ có 8 khổ, các nhà biên soạn sách giáo khoa chọn 5 khổ cho vừa sức đọc của trẻ lớp 2, lại chỉ yêu cầu các em thuộc 2 khổ tự chọn, mình thích. Dù đã biên tập như thế, bài thơ vẫn nhất khí và rõ chủ đề. Chỉ xin lưu ý, ở khổ thơ thứ 8 đã bị cắt, chữ “ngoan” lại xuất hiện một lần nữa trong chuỗi 4 điệp từ này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh còn xuất hiện trong sách Ngữ văn 9, tập 2, tr.70, bài Sang Thu:

“Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như Thu đã về// Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/ Có đám mây mùa Hạ/ Vắt nửa mình sang Thu// Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi”.

Đây là bài thơ khó với học sinh lớp 9. Cách chuyển ý, liên kết hình tượng đã kín mạch, lại liên tục thay đổi. Bài thơ bắt đầu bằng hình tượng khứu giác, ở dòng 1 dòng 2 nhưng tới dòng 3, chữ “chùng chình” rất tượng hình, đã vẽ ra bước sương Thu bằng cảm nhận thị giác. Những cảm giác thoáng qua kia, lại còn được ngụy trang bằng một mệnh đề suy lý, từ “bỗng” sững sờ, ngạc nhiên, tới “hình như” phân vân, nửa tin nửa ngờ, khiến cả khổ thơ mờ, tỏ, lung linh hương sắc.

Kết nối khổ thứ nhất với khổ thứ 2 lại bằng một cách khác - đăng đối từ ngữ. Sương “chùng chình” điệp phụ âm đầu ch - ch, kéo theo, cũng cách điệp ấy, sông “dềnh dàng” dưới đất, chim “vội vã” trên trời, để hình tượng toàn khổ thứ 2, đang từ chuyện động không gian đất trời, hóa thành chuyển động thời gian; đám mây thơ, nửa này đang Hạ, nửa kia đã Thu.

Biến đổi lại tiếp tục khi bài tả cảnh bất ngờ chuyển sang tả tình. Biến đổi kín tới mức người đọc chỉ biết thơ tả tình, thơ tôn vinh nhịp sống thứ thái của con người trước sấm động của thời cuộc khi đọc tới chữ cuối cùng - “đứng tuổi” trong “hàng cây đứng tuổi”. Chữ ấy như là so sánh ngầm, như là nhân hóa. Bảo chữ ấy chỉ thuộc về lý lịch hành cây, tức là khen tác giả tu từ mà không để dấu vết tu từ.

Xin được nhắc lại, đây là bài khó với học sinh lớp 9. Khó cũng đừng dạy học sinh diễn nôm bài thơ, cũng đừng thay việc phân tích bài thơ bằng việc kể chuyện tác giả.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Để lại cho em” của Hữu Thỉnh trong sách “Tiếng Việt 2” (tập 1) bộ “Cánh diều”

Một cây bút sắc trong đời và trên trang viết

Hữu Thỉnh từng đi dự tuyển văn công và trúng tuyển. Ông kể: “Mùa Hè năm 1964 thị xã Vĩnh Yên náo động về một sự kiến lớn. Một đoàn cán bộ của Văn công Quân khu Tây Bắc về tuyển diễn viên. Đôi mắt đẹp mà tôi đang theo đuổi nhắn, ra thử sức xem sao…”.

Anh tân binh Hữu Thỉnh, giấu đơn vị, dự tuyển. Vào vai đóng kịch, rồi đọc thơ. “Bài thơ hay quá, lại do một anh lính trẻ đọc khiến cả phòng im phăng phắc. Tôi không còn nhớ ban giám khảo. Tôi đọc cho một người. Nàng đang hồi hộp đợi tôi ngoài hành làng. Kiểm tra xong, tôi gặp đôi mắt em ngấn nước”.

Và ông trúng tuyển, có giấy gọi làm diễn viên nhưng bị đơn vị giữ lại làm… báo tường cho Trung đoàn thiết giáp 202.

Không thành diễn viên chuyên nghiệp nhưng Hữu Thỉnh có thể trình diễn thơ, bình thơ hấp dẫn như một “thuyết thoại nhân” kể chuyện chương hồi, từ đơn vị này tới đơn vị khác. “Vào đầu thì cũng thường thôi, nhưng dần dần cả người đọc và người nghe cứ lịm đi… Không chỉ đám lính trẻ khoái mà cả các bậc sĩ quan nữa nhé. Hết buổi, tôi còn được kéo về các tiểu đội, để đọc thơ cho họ chép vào sổ tay”.

Hữu Thỉnh diễn thuyết có nghề. Đây, ông nói về công việc của người làm báo với các tổng biên tập, đến từ hội văn nghệ các tỉnh thành: “Tổng biên tập chỉ làm có một chữ “hay”. Loài người mấy trăm triệu năm giải quyết một chữ “thiện” chưa xong. Giải quyết một chữ “no” chưa xong. Giải quyết một chữ “hạnh phúc” chưa xong. Giải quyết một chữ “công bằng” chưa xong. Giải quyết một chữ “dân chủ” chưa xong. Không chỉ một nhiệm kỳ này, mà nhiệm kỳ sau cũng phải giải quyết chữ “hay”.

Có những việc, tài không chưa đủ, cần có tình nữa mới thành công. Đó là việc soạn thảo hỏa tốc những “cái quan luận định” trong lúc “tang gia bối rối”, những điếu văn vĩnh biệt các tài năng văn chương, những người thầy, người bạn của mình. Có tài để đưa ra những nhận định khoa học khi nhà văn vừa nằm xuống, có tình để trân trọng những cá nhân nghệ sĩ trên tinh thần văn nhân tương thân.

Ông nói trên báo Thanh niên ngày 21/4/2010 việc làm này “vừa như một kỷ niệm, lại như một lời tri ân về những đóng góp của các nhà văn đã quá cố cho sự nghiệp văn học Việt Nam”.

Hữu Thỉnh đã viết lời vĩnh biệt với Phan Tứ, Võ Huy Tâm, Nguyễn Văn Bổng, Trinh Đường, Thu Bồn, Bảo Định Giang, Anh Thơ, Khương Hữu Dụng, Đào Vũ, Chính Hữu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khải, Lê Đạt, Nguyễn Bùi Vợi, Ngô Quân Miện, Hữu Loan, Bùi Hiển, Tế Hanh, Hà Ân, Vũ Đình Minh, Hoàng Ngọc Hiến, Đào Thái Tôn… Xin dẫn câu ông đọc trong lễ tang người góp “màu tím hoa sim” vào văn học hiện đại Việt Nam, viết mà như khắc tạc, trên khối đá người ấy từng vác trên vai: “Hình ảnh thi nhân chở đá xây đời từ sự thật đầm đìa mồ hôi đã thành biểu tượng cao lộng của nhà thơ gắn bó trọn đời với những người dân lam lũ và nhân hậu của quê nhà”.

Mâm cơm thời chiến

Đắng đót là mâm cơm người chị “chinh phụ”, Hữu Thỉnh đã vẽ chân dung, trong trường ca Đường tới thành phố bằng những nét chữ tối giản, để có thể bày cả cuộc chiến tranh vào cái khung tranh tròn có treo trong tất cả các gia đình Việt Nam ngày ấy:

“Chị đợi chờ quay mặt vào đêm/ Hai mươi năm mong trời chóng tối/ Hai mươi năm cơm phần để nguội/ Thôi Tết đừng về nữa chị tôi buồn…// Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền…”.

Trong ca dao xưa, người đàn bà Việt đã hờn trách “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”, người đàn bà “3 đảm đang” của Hữu Thỉnh, không hờn trách, chỉ chịu đựng sức tàn phá của cả một cuộc chiến, và âm thầm “an táng” quyền đàn bà trên chỉ một hõm duyên má hồng!

Còn đây, mâm cơm ngọt lành dù là mâm dã chiến bày trong Dinh Độc lập ngày 30/4/1975, một mâm tiệc thân thiện với thiên nhiên: “Mâm xanh - sân cỏ xanh mải miết/ Quây quần đồng đội đến vui chung/ Hàng cây so đũa cùng ta đó/ Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng”. Không chỉ xanh mâm, xanh đũa như thế, món chính của bữa tiệc, món ruột của những người chiến thắng, cũng xanh: “Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/ Rau muống xanh như hái tự ao nhà/ Trời còn đầy ắp hoa và pháo/ Nhìn nhau chưa vội mở vung ra”. Và xanh nhất là tình người, ta nhìn thấy trong khẩu phần dành cho kẻ chiến bại: “Tăng vẫn dàn đội hình chiến đấu/ Xích còn vương đất đỏ Phan Rang/ Vừa mới vào mâm anh nuôi bận/ Chia thêm tổng - thống - ngụy - đầu - hàng”.

Đặc tả cận cảnh cuộc chiến 20 năm qua 2 mâm cơm. Đóng góp như thế vào văn học, kể cũng là nhiều!

Vài nét về nhà thơ Hữu Thỉnh

Nhà thơ Hữu Thỉnh tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh sinh 1942. Ông từng là bộ đội xe tăng, từng học Trường Viết văn Nguyễn Du và Viện Văn học Gorki (Liên Xô cũ), từng giữ các cương vị Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là tác giả 16 tác phẩm văn học gồm thơ và lý luận phê bình. Ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012. Hiện ông cư ngụ tại Hà Nội.

(Còn tiếp)

Lê Thanh Trầm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm