Nhà thơ, GS-TS Bruce Weigl: Trở về ngôi nhà Việt & đọc thơ cùng nông dân

27/03/2015 13:36 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Gặp người Việt nào Bruce Weigl cũng mào đầu: “Gọi anh thôi, gọi ông già lắm”. Ông luôn mang theo mình tấm ảnh chụp cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đây 24 năm và nói rằng bức ảnh này là tấm “hộ chiếu văn hóa” quan trọng nhất của mình khi đến Việt Nam.

Cách đây 30 năm, Bruce Weigl lần đầu đến Việt Nam. Ông đã nhận nuôi bé gái Nguyễn Thị Hạnh, lúc đó 8 tuổi. Khi nhận bé Hạnh từ Trung tâm Trẻ mồ côi huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, Bruce Weigl nói rằng: Tôi nhận từ các bạn một cô gái Việt Nam, và tôi sẽ trao lại cho các bạn một cô gái Việt Nam. Dịch giả Hạnh Nguyễn Weigl chính là cô bé Nguyễn Thị Hạnh trước kia. Được bố mẹ nuôi khuyến khích, Hạnh vẫn tiếp tục học tiếng Việt và giữ nếp văn hóa Việt. Năm 2010, tác phẩm Vòng tròn của Hạnh do Bruce Weigl viết ra mắt bản tiếng Việt do chính Hạnh dịch.

Lập quỹ học bổng cho trẻ em nghèo

Bruce Weigl là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ, người đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương uy tín trên thế giới. Ông luôn hạnh phúc và vinh dự vì điều đó, nhưng vẫn đôi chút ngậm ngùi xen lẫn nuối tiếc, khi giải thưởng Pulitzer danh giá mà ông nhiều năm vào chung kết nhưng luôn bị hụt, đơn giản vì ông cần… tiền của giải thưởng.


Nhà thơ, GS-TS Bruce Weigl

Cá nhân ông luôn khao khát đến cháy bỏng đoạt các giải thưởng văn chương hoặc báo chí, “bởi vì tôi cần tiền, càng nhiều càng tốt. Và số tiền đó tôi sẽ dành tặng cho những trẻ em nghèo khó ở Việt Nam”. Được biết, nhiều năm nay, nhà thơ Bruce Weigl đã để dành được những số tiền từ công việc giảng dạy, hội thảo, thuyết trình trong trường đại học, nhưng cần nhiều tiền hơn nữa để đóng góp vào quỹ học bổng dành cho trẻ em nghèo ở một trường tiểu học tại tỉnh Hòa Bình.

Nhà thơ Bruce Weigl từng đoạt giải thưởng văn chương Lannan (Mỹ), có giá trị 150.000 USD, một giải thưởng quan trọng hàng năm và Thời báo New York đã dành trọn vẹn hai trang để nói về giải thưởng này, đẩy vị trí của tác giả đoạt giải thưởng lên một vị trí quan trọng trên văn đàn. Lannan là giải do những cá nhân có kinh tế, có nhiều tiền lập ra, họ yêu văn chương một cách bí mật và thầm lặng. Cuốn sách của ông viết về bóng dáng cuộc chiến, viết về “thân phận văn hóa” và sự hòa giải văn hóa giữa các quốc gia, về những vấn đề mà xã hội đang đương đầu, về tình yêu và khát vọng, khi nó luôn hiện hữu, trương nở và ám ảnh trong cuộc sống của chúng ta.


Nhà thơ, GS-TS Bruce Weigl (thứ ba, trái sang) và những người bạn khi trở về ngôi nhà Việt

Nhà thơ hài hước cho biết: Một số tiền đủ để hàng năm ông mua vé máy bay sang Việt Nam ở hàng tháng trời nhằm trò chuyện, giao lưu văn hóa, đến “hết cơm, hết gạo”, “mòn bát, mòn đũa” của bạn bè và nhớ bạn bè đến mức hạ cánh trên đất Mỹ rồi mà vẫn còn thòm thèm không khí Việt.

Nhà văn là người gieo hạt văn hóa

Cách đây chưa lâu Hội Nhà văn và Đại học Văn hóa cũng đã tổ chức một đêm thơ Bruce Weigl mang tên Trở về ngôi nhà Việt và ra mắt tập sách Sau mưa thôi nã đạn. Điều đó làm ông cảm động, “giao lưu văn hóa không cần phải hô to và trưng biển hiệu, để hiểu và xuyên thấm vào nhau, các nhà văn giữa hai nước Việt - Mỹ phải nâng niu, kết nối lại từ việc nhỏ để có thể cùng nhau đón nhận những chùm hoa quả ngọt từ sự cần mẫn gieo hạt văn hóa trước đó”.


Nhà thơ, GS-TS Bruce Weigl trò chuyện với những người phụ nữ Việt Nam

Thích dưa cà, khế chua, “gà đen” nướng, ăn bằng đũa và rất hay gắp thức ăn cho những người bạn Việt của mình, dường như ông đang muốn mình trở thành một người Việt Nam. Nhà thơ Bruce Weigl hy vọng đến một ngày nào đó có một ngôi nhà ở Việt Nam. Dịp Tết cổ truyền vừa qua, ông đã đón năm mới cùng với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Lương Tử Đức, Nguyễn Quang Hưng, nghệ sĩ rối nước Chu Lượng, họa sĩ Lê Thiết Cương ở làng Chùa - ngôi làng thi ca của Việt Nam, bên dòng sông Đáy thơ mộng, tất cả sum vầy để cùng đọc thơ, hát thơ với những người nông dân chân lấm tay bùn trong tiết trời ấm áp của mùa Xuân xứ Bắc.

“Tôi sẽ sống ở đấy trong mùa Xuân, khi đã nghỉ hưu, không còn làm việc nữa trong trường đại học, khi mà con gái tôi là Nguyễn Thị Hạnh, sẽ trở về. Tôi hoàn toàn không muốn, sau khi tôi chết rồi, mối quan hệ giữa các con tôi với những người Việt Nam sẽ bị cắt đứt. Những đứa con của tôi, những đứa con của những người bạn Việt Nam của tôi phải tiếp tục mối quan hệ đẹp đẽ này. Điều đó sẽ làm tôi hạnh phúc. Tôi muốn mối quan hệ kỳ diệu đó sẽ tiếp tục sống mãi”, nhà thơ Bruce Weigl chia sẻ.

Đất nước thống nhất không chỉ là sự thống nhất về địa lý, mà quan trọng hơn, là thống nhất lòng người

“Tôi đến bởi vì tôi nhớ Việt Nam, yêu Việt Nam, rất nhiều những người bạn thân thiết mà tôi không thể rời xa được, những người đã cùng tôi sống, viết và cùng quan tâm đến văn học” - phát biểu của Bruce Weigl.

Nhà thơ hiện đang cùng các nghệ sĩ Việt Nam soạn một bản giao hưởng dựng lại lịch sử của hai nước Việt - Mỹ từ năm 1944 đến nay, trong đó Bruce đóng vai trò viết lời. Ông cũng sẽ phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam dịch 100 bài thơ viết về chiến tranh vệ quốc của người Việt ra tiếng Anh, Nhật.

Nhà thơ, GS-TS Bruce Weigl sinh năm 1949, người được xem là “đại sứ” văn học giữa hai nước Việt - Mỹ. Với 20 lần trở về ngôi nhà Việt, dấu chân của ông đã in dấu khắp các vùng miền đất nước hình chữ S. Gặp nhà văn Mỹ mang tâm hồn Việt, khi ông tham gia Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam, Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương và Ngày Thơ Việt Nam tại Hà Nội, Bruce Weigl cười lớn và khoe sắp tới ông sẽ là hội viên danh dự của Hội Nhà văn Việt Nam.

Là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ, Bruce Weigl đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương uy tín như: Giải thưởng Nhà thơ xuất sắc của Viện Thi ca Mỹ, giải thưởng thơ Patterson, giải thưởng của Quỹ Phát triển nghệ thuật quốc gia và Quỹ Yaddo, giải thưởng Pushcart và giải thưởng văn học Lannan.

Năm 2010, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao tặng Bruce Weigl Huy chương Hòa bình.

Lãng Ma
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm