Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu: 'Sau bão' là... vọng 'Thu Không'

14/08/2020 08:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu vừa cho ra mắt liền một lúc 2 tập thơ là Sau bão (NXB Hội Nhà văn) và Thu Không (NXB Văn học). Cầm trên tay những bài thơ mới của chị, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ngạc nhiên: “Biết Đoàn Ngọc Thu có dễ đã 30 năm. Nhưng tôi vẫn nghĩ Thu vẫn là một thiếu nữ bồi hồi với những câu thơ đầu tiên của ngày ấy. Vậy mà giờ đây trên tay tôi đã xếp chật từng lát cắt ký ức của một thời không bao giờ trở lại…Đó là những lát cắt lấy ra từ các tập thơ Thì thầm sông trăng (1992), Khúc hoang tưởng chiều mưa (1998), Muộn (2001), Quá giang (2005) và Vé một lượt (2013)".

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu đưa thơ vào video art

Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu đưa thơ vào video art

Tối qua (2/3) tại Gallery 39 (Lý Quốc Sư, Hà Nội), lần đầu tiên, bài thơ Bão trong tập Vé một lượt của nhà thơ Đoàn Ngọc Thơ được bày dưới dạng nghệ thuật hình ảnh kết hợp âm thanh và trình diễn.

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu bài viết về 2 tập thơ này.

Sau bão, vẫn là… bão

Thu Không - Đoàn Ngọc Thu, đã từng viết một câu thơ rằng Mở cửa, đón anh vào đi, giông bão ở lại phía sau rồi… Như một tuyên bố khép lại giông gió và đón nhận bình yên.

Tất nhiên Thu mong mỏi bình yên hơn bất cứ điều gì, như hầu hết những người đàn bà từng trải qua không biết bao nhiêu cơn bão trong đời. Từng biết thế nào là đổ vỡ, đau đớn và luôn có xu hướng tự dỗ dành mình khi băng bó những vết thương, sau những lần như thế.

Bão là một từ xuất hiện rất nhiều trong thơ của Thu, thậm chí Thu làm riêng clip thơ có tên là Bão (2015). Bão lẽ ra nên là tên của một tập tất cả thơ Đoàn Ngọc Thu, bởi cái sự đột nhiên dữ dội, bất cẩn tàn phá, rồi dịu dàng thu xếp nhặt nhạnh tâm hồn mình có mặt không riêng ở tập thơ nào. Vào một thời điểm nào đó trong đời, Thu tin rằng mình bình yên. Sau bão là một trạng thái bình yên. Thế nhưng Thu là một người đàn bà thật sự làm thơ, nghĩa là nếu còn viết, tức là bão chẳng bao giờ hết.

Tập thơ vừa mới xong với tên Sau bão, là một minh chứng cho điều ấy.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu

Sau bão là thơ của một người đàn bà ngỡ mình đã trưởng thành và có quyền sống trong yêu thương không cần âu lo. Có lẽ thế, nếu người đàn bà làm thơ ấy không quá mong manh, không quá nhạy cảm, để một cơn gió nhẹ cũng làm gãy đổ một điều gì đó, làm tan nát những mơ hồ. Một trận mưa cũng đủ viết những lời cay đắng.

Mưa nấc từng cơn như những bão qua cuộc tình/ Đêm thẳm tối trầm sâu đáy nước/ Chốn nông sâu, men nhạt-nồng dốc tuột (Bến mưa).

Thơ của Thu lúc nào cũng giản dị, viết ra như một nhu cầu nảy sinh nội tại. Như lúc gõ lên phím một từ nào đấy, là tự nói với mình một điều gì đấy, không cần rào trước đón sau. Những độc thoại như những lời tự thú.

Sao em không nhớ/ Cơn đau ngày mình yêu/ Tình giờ nơi nao/ Thu đã cuối…/ Sao chợt buồn/ Bởi bóng ai đi ngang/ Tay vờ ngoan nằm trên tay/ Trăng hạ huyền ngã nhào vào heo may (Vọng).

Chú thích ảnh
Tập thơ “Sau bão”...

Những câu thơ như thế ngập đầy trong tập thơ. Tuy mỗi lần viết ra, là một sắc thái. Có một tình yêu, luôn là thế, duy nhất cho một người cụ thể. Những lần nhớ, những lần đau, đều bởi những điều cụ thể.

Sao em nhớ anh?/ Nhớ cháy bỏng thịt da.../ Nhớ đi ngang không gian mênh mang/ Nhớ thủng ngày xuyên đêm.../ Hà Nội, sớm nay, Thu chớm nắng vàng/ Nỗi nhớ miên man gió gày nắng mỏng... (Giấc mơ).

Rồi vì cụ thể quá, mà cứ luôn làm người ta nhói lòng vì những cam chịu có lẽ không cần. Thu làm thơ là để cho mình đọc trước hết. Hồ nghi, thương tổn, rồi tự dỗ mình rằng mình đã đủ lớn khôn và bình tĩnh, sẽ qua được trạng thái bất an gây ra bởi một câu chuyện nào đó.

Cầm lòng vậy, nước chảy chân cầu/ Xé ký ức nát nhàu may khăn choàng mới/ Châm thêm lửa đun lại ấm trà nguội… (Mưa nắng ngây ngô).

Có những lúc viết như tỉnh táo. Thật ra với một tình yêu cho một người nặng trĩu cả tập thơ như thế, sự tỉnh táo ấy chẳng làm được gì. Dằn vặt một chút, cũng chẳng làm gì.

Sông xanh còn đó khúc quanh/ Dùng dằng bến cũ, lại đành buông tay/ Hoàng hôn nửa tỉnh nửa say/ Nửa chìm trong nước, nửa quay giữa dòng/ Xu tung cả nắm vào sông/ Chỉ là để nhớ... nào mong khứ hồi? (Sông có khúc).

Đúng là Thu chẳng làm thơ gì khác, ngoài thơ cho một người. Yêu nhiều đến mức lo lắng, lo nhỡ mình không yêu nữa, vào một ngày nào đấy.

Tim em ơi, đập đi, những nhịp rối loạn/ Đừng bình yên đến ơ thờ/ Đừng khẳng định cho em nỗi mơ hồ/ Rằng, em đã hết yêu anh! (Tự vấn).

Thơ là đời sống riêng của Thu, là cách Thu chia sẻ với mình tình yêu của mình. Giờ có nhẽ ít nhà thơ còn làm điều ấy, còn giữ cách viết chân thành giản dị không chút màu mè nào ấy. Những lời thơ đẹp bởi nó đến từ tâm hồn, không cần ra vẻ hiện đại hiện sinh hay bất cứ một uốn éo ngôn từ nào. Và nó đơn giản là hay.

Lại một mùa Thu sắp qua/ Chẳng có ngọn gió nào từ chốn cũ/ Những lá vàng của thời gian mới/ Rồi cũng lại rơi, vào hư vô chia biệt kiếp người. (Nhớ).

Với Sau bão, có thể Thu thấy mình lớn hơn trong nhiều biến cố mới. Nhìn về phía trước bình thản như sẽ không có chuyện gì to tát.

Có một ngày đường xa chân mỏi/ Những hẹn hò thả theo sóng xa đưa/ Có một ngày nợ duyên khép lại/ Từng ngón buông như chưa nắm bao giờ. (Khúc điếu cho trái tim phiền muộn).

Nhưng rốt cuộc thì chẳng thay đổi gì. Một giai đoạn khác của cuộc sống, với tình yêu ấy, âu lo ấy và trái tim ấy. Mừng vì nó vẫn thế, không bị khô cằn, không bị phôi phai. Mừng vì tập thơ này và chắc vì những tập thơ của Thu sau nữa. Sau bão, vẫn là bão thôi.

Chú thích ảnh
...và “Thu Không” của Đoàn Ngọc Thu

Vọng “Thu Không”

Phàm người thơ nếu trừ ra những số phận yểu mệnh phải để cho người đời gom lại thơ mình, ai cũng muốn tự mình làm cái công việc tinh tuyển sau một thời gian dài công bố những tập thơ trước công chúng. Tinh tuyển tức là tìm lại những lối ngoặt quanh co của hành trình thơ mà người thơ đã trải qua những khúc đầy ấn tượng. Con đường thơ đã hiện lên riêng biệt của giọng thơ, của cá tính thơ mà người thơ đã tự chọn cho mình.

Thơ Đoàn Ngọc Thu không có mấy reo ca. Có nhiều tiếng thở dài của một đa đoan đầy trắc ẩn, thất lỡ. Tình yêu đã mang đến cho số phận một chút ấm nồng nhưng đầy rẫy khổ đau. Một chút vẹn toàn nhưng bao cô đơn buốt giá. Những cung bậc ấy được Thu trải nghiệm, cảm nhận theo cách riêng của con tim mình. Nó ngân nga trầm buồn như tiếng chuông chùa vọng đã ám vào để Đoàn Ngọc Thu trở thành “Thu Không”.

Đọc thơ Đoàn Ngọc Thu giống như ngồi uống rượu với Thu. Thành thật và bất cần. Chỉ có người thơ như thế mời hồn nhiên mời ma uống rượu. “Ma cũng như người” mà. Và nhờ thế mới tìm được “mùa Thu không” cho mình: “Mình cùng xóa Xuân - Hạ - Thu - Đông/ Khai lập - Mùa Thu không”.

Cũng đã tới “ngũ thập tri thiên mệnh”. Còn gì mà thay đổi. Thay đổi mà làm gì. Cứ sống, cứ thơ tới cùng. Không tức là buông. Là trên hết. Là tất cả.

Phạm Hà- Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm