Nhà thơ Bằng Việt: Từ 'Bếp lửa' đến 'Biến tấu ngày tận thế'

01/08/2018 10:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả bài thơ Bếp lửa - nhà thơ Bằng Việt vừa có thêm "đứa con tinh thần" mới mang tên Hoa tường vi (NXB Hội Nhà văn 7/2018).

Gọi là mới nhưng thực ra Hoa tường vi là một tuyển tập gồm 45 bài cả mới và cũ được tác giả "trộn" với nhau với 5 chủ đề khác nhau, mỗi chủ đề gồm 9 bài. Bài cũ nhất chính là Bếp lửa viết những năm 1962 - 1963 và đã được đưa vào SGK giảng dạy trong nhà trường.

Từ dấu ấn cá nhân đến nỗi "lăn tăn" về thế sự

"Hoa tường vi đánh dấu một dịp rất đặc biệt và thiết thực đối với cá nhân tôi. Đó là ấn phẩm kỷ niệm 50 năm tôi ra tập thơ đầu tiên Hương cây - Bếp lửa (1968) với Lưu Quang Vũ" - nhà thơ Bằng Việt chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

* Ông có thể giải thích về chủ ý của mình trong việc chia tập thơ thành 5 chủ đề và vì sao mỗi chủ đề chỉ chọn 9 bài?

- Tuyển tập này được chia thành 5 chủ đề khác nhau: thơ về tình yêu, thơ về chiến tranh thời chống Pháp, chống Mỹ, thơ về thế sự, thơ nói về thân phận con người, cuối cùng là thơ chính luận, triết lý về cuộc sống,...

Mỗi chủ đề tôi chọn đúng 9 bài, không phải hay nhất nhưng tôi cảm thấy đưa những bài ấy vào lúc này là phù hợp nhất, thích thú nhất. Mỗi sự lựa chọn đều có cái ý của mình nhưng tựu chung là, sau 50 năm làm văn học, tôi muốn chọn một tuyển tập những bài thơ mình thích. Những bài đó chưa chắc độc giả hay những nhà tuyển chọn khác thích nhưng tôi vẫn đưa vào vì nó có kỷ niệm riêng của mình, gắn bó với đời cầm bút của mình cũng như là những từng trải, chiêm nghiệm trong cuộc đời.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Bằng Việt

* "Bếp lửa" có phải là sáng tác cho đến nay ông vẫn thấy "ưng cái bụng" nhất?

- Tôi có đưa bài Bếp lửa vào Hoa tường vi bởi vì đây là một trong những bài để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời sáng tác của tôi. Khi tôi đi nói chuyện thơ với học sinh, sinh viên, bao giờ người ta cũng yêu cầu nói lại về xuất xứ, những kỷ niệm xung quanh bài thơ đó.

Năm 1963 là năm thứ hai tôi sang Liên Xô học. Cũng năm đó, tôi tìm được một cái ảnh của bà nội mình - nhân vật chính của bài thơ Bếp lửa và đã in vào phần cuối tập thơ Hoa tường vi. Đây là hành động thể hiện sự tri ân với nhiều đối tượng độc giả yêu mến bài thơ, đồng thời gợi lại hình ảnh của bà nội - người đã có những tác động rất lớn trong cuộc sống, trong suy nghĩ của bản thân tôi từ lúc ấu thơ đến bây giờ.

* Còn với những bài thơ mới, chủ yếu đề tài ông "nhắm tới" là gì, thưa ông?

- Trong Hoa tường vi, như tôi đã nói, những bài cuối cùng là những bài tôi mới viết cách đây 1 - 2 năm. Nó hướng vào những vấn đề của thế sự, thể hiện những suy nghĩ về nhân tình thế thái ngày hôm nay. Trong đó, có bài Biến tấu ngày tận thế viết năm 2016 tôi cũng thấy... thích. Là bởi, tôi đã xem rất nhiều tác phẩm, đọc thông tin trên báo chí nói về ngày tận thế, người ta cứ dự báo ngày tận thế là thế này, thế kia, cuối cùng tôi mới nảy ra ý là viết một bài giải thích ngày tận thế theo cách khác. Trong đó tôi có nói cứ làm phim viễn tưởng, cứ theo những hiện tượng trong thiên nhiên, trong vũ trụ mà dự đoán ngày tận thế, thật ra lại không phải.

Thực chất, tận thế chính là khi con người để cái ác lộng hành, khi con người mất hết vẻ đẹp chân - thiện - mỹ, không còn nhân tính. Theo tôi, khi con người không còn là con người nữa, trở về kiếp thú, trở về thời hồng hoang, chính là tận thế.

Chú thích ảnh
Bìa tập thơ “Hoa tường vi”

Thơ cũng như đời, phải đi theo đường zic-zac

* Tổng kết lại nửa thế kỷ lao động văn chương, ông được gì và mất gì?

- Tôi thấy sau 50 năm, có rất nhiều điều mình mong ước từ tuổi thanh niên mà mình chưa đạt được. Ngoài ra, nhân loại đang phát triển theo con đường zic-zac chứ không theo cung đường tiến hóa từ dưới lên trên, không phải những ngày sau thì sẽ tốt hơn ngày trước, hay càng về sau người ta càng sống hay hơn, đối với nhau tử tế hơn... và thơ cũng phải phần nào thể hiện tất cả những điều đó thì mới "đi" được.

Ngày còn trẻ, tôi nhiều khi nghĩ về đời nó cũng đơn giản, nhưng càng sống thì càng thấy cuộc đời không phải như thế. Tất cả những bài thơ tôi chọn cũng thể hiện điều ấy. Đó là sự phá ra, vỡ ra sau 50 năm cầm bút, thấy rằng ta không thể khuôn ngòi bút của mình về một hướng, chỉ ca ngợi cái đẹp, chỉ ca ngợi niềm tin về cuộc sống mà nó còn có cả những giây phút chùng lại, lắng xuống, có những nỗi buồn, sự chua cay. Như trước kia, tôi hay thích vun vén vào để thơ chỉ ca ngợi cái đẹp, cái tốt hoặc là hướng thiện một cách đơn thuần. Đến tập thơ này, tôi có cả một số bài thơ thể hiện những khía cạnh khác của cuộc sống.

Rõ ràng, sau nửa thế kỷ, tất cả những gì ta nghĩ lúc ban đầu đối với xã hội này cũng đã đổi khác. Và nếu thơ nhìn thấy tất cả những điều đó mà dám nói ra thì nó mới có giá trị hiện thực, đi đúng tâm lý và tình cảm của con người, chứ nếu vẫn cứ né tránh, hời hợt, che giấu những bi kịch lớn hơn thì thật là không nên.

Nói hết về đời, gửi hết cho đời

* Ông đã muốn dừng lại nghỉ ngơi chưa hay còn viết nữa, viết mãi?

- Chắc chắn tôi sẽ không dừng lại. Vào tuổi này, mình lại thấy dư rất nhiều sức lực mà trước đây mình phải dành thì giờ để làm hành chính, sự vụ.

Ngẫm cho cùng, khi đi hết cuộc đời sáng tác, như cái nghiệp ở trong đời, anh song song vừa đi tìm, vừa nhận thức lại vừa chia sẻ cho mọi người nhận thức của mình. Chia sẻ đến đâu cảm thấy nhẹ người tới đó, nếu không sẽ luôn có cảm giác mắc nợ cuộc đời, mắc nợ những người xung quanh, mắc nợ thế hệ sau.

Chính vì thế, tôi không có ý định dừng lại và sắp tới còn có một loạt những dự định mới nữa trong sáng tác.

* Ông có thể chia sẻ những dự định đó?

- Thứ nhất là, tôi đang dự định làm lại một tập thơ dịch khoảng 800 trang, cả cổ điển, cả hiện đại. Hai là, tôi muốn làm một tập suy nghĩ về thơ gồm những bài tiểu luận ngắn, mỗi bài làm sáng rõ một ý gì đó để giúp người đọc biết thế nào thơ hay, thế nào là thơ dở hay khi đọc có đủ độ tinh để biết thơ nào là thơ thứ thiệt từ gan ruột, thơ nào là thơ "làm hàng", lạm dụng kỹ thuật.

Ngoài ra, một trong những ý đồ chủ đạo sắp tới của mình là làm một tập tản văn, không ra hồi ký, không ra tự truyện, rất tự do, rất thoải mái, rất phóng túng với tất cả những gì mình suy nghĩ về con người, những kinh nghiệm sống mà mình rút ra qua từng chặng đường đời. Mình sẽ để ở đầu trang hai chữ "nói hết". Nói hết những gì mà mình trải nghiệm đến tuổi này, không nên né tránh, mà nói hết ra tất cả mọi thứ.

* Cảm ơn nhà thơ Bằng Việt!

Nhà thơ Bằng Việt: Giữa Hà Nội vẫn có... người Hà Nội

Nhà thơ Bằng Việt: Giữa Hà Nội vẫn có... người Hà Nội

Chứng kiến sự bát nháo xô bồ của một Hà Nội hơn chục năm qua, chúng ta vẫn hay phản ứng bằng cách đưa ra những so sánh về 'văn hóa Hà Nội','nếp sống, nếp nhà Hà Nội' hoặc 'người Hà Nội cũ'.

Huy Thông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm