Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm: Khó nhất là viết về ngày Tết, chợ Tết

07/02/2019 21:00 GMT+7 | Văn hoá

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Đã gần 100 tuổi, ai cũng ngỡ nhà giáo Nguyễn Bá Đạm đã lui về ở ẩn. Nhưng không. Chủ nhân Giải thưởng Lớn của Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2018 vẫn miệt mài làm việc, nhất là vào dịp Tết đến, Xuân về.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm – 'Giải thưởng Lớn': Một tình yêu Hà Nội lặng thầm

Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm – 'Giải thưởng Lớn': Một tình yêu Hà Nội lặng thầm

Ở Làng Mọc (Giáp Nhất, Hà Nội), ai cũng biết cụ Nguyễn Bá Đạm, nhất là với những người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Đến thăm nhà giáo Nguyễn Bá Đạm ở làng Mọc, Giáp Nhất (Hà Nội) những ngày này, mới thấy sức lao động của cụ thật... đáng nể.

Làm việc và làm việc không ngừng

Sáng, cụ thức dậy lúc 5 giờ, tập thể dục, ăn sáng. Đến 6 giờ, cụ ngồi vào bàn viết, đến 7 giờ thì đáo ra vườn, trước là “thưởng hoa”, sau là thăm quả. Vườn nhà cụ trồng nhiều nhất là bưởi Diễn, vào dịp Tết này, trái trĩu cành, sà ngang bụng nên cụ không phải leo trèo như nhiều năm trước. Nhiều người biết bưởi nhà cụ đẹp, đáo qua ngỏ lời mua để chơi Tết, thậm chí xin cụ cho “thầu” lại, nhưng cụ đều từ chối.

Cụ bảo: “Tuy mình “lấp ló miệng lỗ”, cũng có dăm ba bệnh vặt, nhưng vẫn có thể kiếm tiền được bằng nghề viết. Ngoài tiền thưởng giải Bùi Xuân Phái, tôi vừa nhận được tiền nhuận bút hơn chục triệu đồng cho cuốn sách mới, chắc sau Tết này sẽ phát hành, hiện đang in. Mấy cây bưởi, tôi trồng chủ yếu là để mỗi dịp ngày rằm, ngày lễ, Tết con cháu có cái thắp hương, làm quà Xuân cho bạn bè thân thích”.

Chú thích ảnh
Cụ Nguyễn Bá Đạm và bức chân dung của mình do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ cách đây hơn 50 năm

Cụ nói thêm: “Tết nhất giờ nhàn rồi. Trước kia, cách Tết khoảng một tháng thì bận hơn nhiều. Nhà giàu thì mua tuýp ve màu về hãm với vôi quét lại nhà cửa cho sáng đẹp. Nhà nghèo thì cũng gắng đi xin cục vôi về tô, pha với nước để quét nhà. Con cái chờ đợi bố mẹ dẫn đi đo quần áo, chợ búa tập nập, tràn ngập không khí Tết... Bây giờ thời buổi kinh tế, đời sống cao hơn thì “Tết đến sau lưng” lo vẫn kịp, miễn là có tiền...”

Chính vì đời sống được nâng cao, con cháu cháu chắt cũng không đến nỗi nào về kinh tế nên cụ Nguyễn Bá Đạm không còn phải chạy đôn chạy đáo lo Tết như trước đây nữa mà chỉ lo... viết. Càng gần Tết, càng nhiều báo đặt bài viết về phong tục, văn hóa ngày Xuân của Thủ đô nên cụ viết không xuể.

“Viết khó nhất là viết về ngày Tết và những phiên chợ Tết”, cụ Nguyễn Bá Đạm nói. “Tôi chơi với Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân... các ông ấy cũng đều thừa nhận như vậy nên hầu hết đều né, dù ngồi nói chuyện với nhau về ngày Tết nghe có vẻ rất hay. Nhưng khi đụng bút, như Nguyên Tuân nói để người khác phải rung cảm, phải thấm được cái đẹp, cái chất văn hóa của ngày Tết thì vô cùng khó. Tôi cũng thế. Viết cái gì về Tết thì viết được, nhưng về không khí hay những phiên chợ ngày Xuân thì rất mất thời gian mà vẫn không ưng bụng”.

Những cái Tết với Bùi Xuân Phái

Cụ Đạm kể, trước vào những ngày Tết, cụ thường phó mặc việc nhà cho vợ con để du Xuân đây đó với bạn bè, nhiều nhất là với danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân...

“Cứ mùng 1 hoặc mùng 2 Tết, thể nào ông Phái cũng đến nhà tôi hoặc tôi đến nhà ông ấy. Anh em gặp nhau thường nói chuyện về văn hóa, văn nghệ hoặc cụ Phái lại khai bút đầu năm bằng cách ký họa chân dung cho tôi. Xong rồi anh em đi chơi Xuân đâu mới đi...”, cụ Đạm kể.

“Trong suốt thời gian thân tình với cụ Phái, tôi được cụ ấy vẽ tặng hơn 200 bức ký họa chân dung, nhưng cho đến nay, tôi chỉ còn một bức gốc, treo ngay gần cửa phòng khách. Số còn lại, hoặc tôi tặng cho bạn bè, hoặc ai thích mà ngỏ lời xin thì cũng biếu luôn. Ngoài ra, thời còn trẻ, cái thú lớn nhất của tôi là sưu tầm cổ vật, đặc biệt là tiền cổ nên hễ thích một viên gạch, viên ngói, một cái bát, cái đĩa cổ, tôi sẵn sàng đổi ký họa chân dung hoặc tranh của Bùi Xuân Phái để lấy cổ vật. Nhiều khi nghĩ lại tôi mới thấy tiếc và hối hận”.

Chú thích ảnh
Cố họa sĩ Bùi Xuân Phái (trái) và Nguyễn Bá Đạm

Chùng xuống giây lát, bỗng cụ Đạm khoe, mới đây, một nhà sưu tập người Thái Lan vừa đến gặp cụ và cho cụ xem lại bộ sưu tập gồm 60 bức ký họa về cụ của cố danh họa Bùi Xuân Phái mà nhà sưu tập này đã có được từ nhiều nguồn khác nhau.

“Nhà sưu tập người Thái Lan đến trước là xin gặp tôi, xem mặt mũi nhân vật của danh họa nổi tiếng của Việt Nam thế nào, cuộc đời ra sao và xin tôi ký tên lên 60 bức ký họa”, cụ Đạm kể. “Nghe ông ấy nói thì sắp tới bộ sưu tập có chữ ký xác nhận của tôi sẽ được triển lãm ở một số nơi”.

Người viết nói với cụ: “Cụ ký xác nhận lên những bức ký họa càng tăng thêm giá trị cho tác phẩm. Cụ không sợ gián tiếp làm giàu cho họ nếu tác phẩm được mang ra đấu giá?”. Cụ Đạm thong thả: “Triển lãm hay bán đấu giá đều tốt. Người ta xem hay mua là xem, mua giá cái giá trị của tác phẩm là chính. Mà giá trị tác phẩm của họa sĩ Bùi Xuân Phái càng được giá cao, càng được đông đảo mọi người khắp nơi trên thế giới biết mới xứng đáng. Chữ ký của tôi thì giá trị gì!”

Dành tiền giải thưởng Bùi Xuân Phái để in sách

Nói về dự định sắp tới, cụ Nguyễn Bá Đạm nhắc lại lời phát biểu của mình tại Lễ trao giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội hồi tháng 9 rằng ngoài mong cho sức khỏe được dồi dào, cụ sẽ xuất bản cuốn Những chuyện chưa kể về các danh họa Hà Nội trong đó tập trung bút lực cho bộ tứ huyền thoại Nghiêm, Liên, Sáng, Phái...

“Nếu không có NXB nào in cuốn này thì tôi cũng đã chuẩn bị tiền in rồi”, cụ Đạm cười. “Tiền giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội. Chắc là đủ! Và với tôi, in được cuốn đấy cũng là đủ lắm rồi!

Phạm Huy
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm