Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: 'Làm xong sách, tôi cũng không thấy vui'

09/02/2014 08:08 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong vòng nửa thế kỷ qua, tranh tượng, cổ vật quý hiếm chạy dần ra nước ngoài để lại một khoảng trống mênh mông buồn, và tất nhiên là sự trống rỗng về văn hóa, cái đó đã bị trả giá bằng một đời sống văn hóa đang xuống cấp, đầy rẫy những tệ nạn xã hội”.

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng chia sẻ băn khoăn sau khi biên soạn xong cuốn sách về danh họa Tô Ngọc Vân.


* Lần đầu ông tiếp xúc với bộ tranh ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân trong hoàn cảnh nào?

- Cuối năm 2011, ông Tira Vanictheeranont có tiếp xúc với ông Tô Ngọc Thành, con trai họa sĩ Tô Ngọc Vân để hỏi mua bộ sưu tập ký họa từ gia đình, sau đó ông có nhờ tôi đến xem một lượt. Tôi đã từng xem các tranh và ký họa khác nhau của Tô Ngọc Vân, nhưng đây là lần đầu tiên nhìn thấy một hệ thống đầy đủ như vậy, kể cả giấy tờ, thư từ, nhật ký của cố họa sĩ.

* Khi ấy ông có cảm nghĩ gì?

- Tôi nhận thấy một bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 qua bộ ký họa của Tô Ngọc Vân, và nghĩ có thể làm một cuốn sách xứng đáng với họa sĩ, cũng như cho thấy hình ảnh có hệ thống về xã hội Việt Nam thông qua cái nhìn của Tô Ngọc Vân.

* Nhiều bộ tranh quý của các họa sĩ tên tuổi Việt Nam nằm trong tay các nhà sưu tập nước ngoài, ông nghĩ sao về điều này?

- Thật đáng buồn, ngay cả khi tôi hoàn thành xong cuốn sách tôi cũng không thấy vui gì. Danh họa được gọi là hàng đầu của đất nước mà để người khác sưu tập và đứng ra làm sách. Tất nhiên không phải mình Tô Ngọc Vân mà còn nhiều nghệ sĩ khác cũng chung số phận như vậy. Tôi cảm thấy người ta chỉ nói suông, mà thiếu những việc làm cụ thể với sự phát triển của văn hóa đất nước và di sản.

* Ông có thể nói gì với các nhà sưu tầm Việt Nam và làm thế nào để tránh được sự “chảy máu” nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài?

- Khi văn hóa không là thói quen đời sống hàng ngày, người ta mua mua ô tô, xe máy, đồ vật nói chung thấy có giá trị hơn mua bức tranh. Cái đó biểu hiện ở những xã hội phát triển thấp. Trong vòng nửa thế kỷ qua, tranh tượng, cổ vật quý hiếm chạy dần ra nước ngoài để lại một khoảng trống mênh mông buồn, và tất nhiên là sự trống rỗng về văn hóa, cái đó đã bị trả giá bằng một đời sống văn hóa đang xuống cấp, đầy rẫy những tệ nạn xã hội.

Tôi chỉ có thể nhận định, làm sách về những bộ sưu tập, chứ không có khả năng gì ngăn chặn sự "chảy máu nghệ thuật". Chỉ hy vọng những nhà sưu tập có thái độ văn hóa như ông Tira luôn muốn giới thiệu cái gì mình sưu tập cho đất nước sinh ra chúng

* Xin cảm ơn câu chuyện cùng những đóng góp quý báu của ông.

QUỲNH TRANG
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm