Nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thị Thắm: Phim là hành trình ý nghĩa nhất của cuộc đời tôi

21/06/2014 18:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được chiếu trong Liên hoan phim (LHP) Tài liệu Việt Nam - châu Âu đã nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt của khán giả. Đó là hành trình 5 năm của nhà làm phim tài liệu trẻ Nguyễn Thị Thắm, với tất cả niềm vui, niềm hạnh phúc khi làm phim, và cả nỗi đau thấm thía khi va đập với hiện thực cuộc sống.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng từng dự LHP Cinema Du Reel (LHP hiện thực lớn nhất thế giới), tranh giải ở hạng mục Phim đầu tay quốc tế xuất sắc nhất. Tại LHP Tài liệu Đông Nam Á Chop Shots 2014, phim đoạt giải Chú ý đặc biệt (Mention Special).

Bộ phim kể về một đoàn hội chợ của một nhóm người đồng tính, do chị Phụng đứng đầu chuyên đi biểu diễn múa hát và tổ chức trò chơi trúng thưởng ở khắp các tỉnh miền Nam. Qua bộ phim khán giả có thể thấy một cộng đồng những người đồng tính lao động, làm ăn chân chính, cũng có khát khao được sống như bao người dị tính (vốn được coi là bình thường). Thế giới thứ ba dưới con mắt của nhà làm phim tài liệu có rất nhiều ẩn ức, nhiều xúc cảm dồn nén....

* Chị biết tới đoàn của chị Phụng từ bao giờ, và dự án phim bắt đầu như thế nào?

- Năm 2009, trong quá trình dựng phim cho người khác, tôi nghĩ mình đã 25 tuổi, phải có một bộ phim cho riêng mình. Rồi chợt nhớ ra hồi ở rừng đã từng được xem các đoàn hội chợ biểu diễn. Như một cái duyên, tôi gặp đoàn chị Phụng ở Nha Trang. Khi tôi đề đạt yêu cầu chị Phụng chấp nhận ngay vì chị cũng muốn mọi người biết về cuộc sống của những người thuộc giới tính thứ ba. Sau đó tôi vác ba lô đến sống với đoàn. Cứ ở đó nửa tháng lại về Sài Gòn nửa tháng. Có lúc ở 1 tháng. Giai đoạn cuối ở liền 3 tháng cho đến khi làm xong phim.

* Chị nói chị từng sống ở rừng?

- Cha mẹ tôi là công nhân thủy điện. Tuổi thơ của anh em tôi là rong ruổi theo cha mẹ đi khắp các công trình thủy điện như Hòa Bình, Ialy, Sê San, Vĩnh Sơn... Các công trình thủy điện chủ yếu gần rừng, thác nước, sông suối. Những đứa nhỏ chúng tôi suốt ngày đá bóng, đu cây, dựng trại trong rừng. Hè năm lớp 11, vào một ngày đẹp trời tôi mua 1 thùng mì gói, thuốc bổ, và viết lá thư dài “Bố mẹ ơi con đi đây”. Tôi quyết định dùng 400 ngàn bố mẹ cho tiền học hè vào Sài Gòn khảo sát trước cho tương lai. Anh tôi ra đón, và cho tôi ở đây 10 ngày nhưng không cho đi làm thêm như tôi dự định. Có lần anh cho đi nhà sách, trong lúc anh chọn sách thì tôi nhảy lên xích lô bảo bác muốn đưa cháu đi đâu cũng được. Ông xích lô nhìn thấy một con bé như ở rừng ra mà liều quá thể, nên đe tôi, nhưng không hiểu sao tôi luôn có niềm tin rất lớn với con người, không bao giờ thấy ai nguy hiểm với mình.

* Chị đã sống với đoàn hội chợ của chị Phụng thế nào?

- Khi bắt đầu đi theo đoàn không nghĩ nhiều, chỉ đơn giản tôi là người thích phiêu lưu, cái tính ưa dịch chuyển nó ngấm vào máu rồi. Tham gia vào đoàn sống nay đây mai đó, đến những nơi không có chỗ vệ sinh, chỗ tắm, có hôm chỉ ăn cơm với rau muống chấm tương... tôi chịu được hết vì đã từng trải qua hết rồi. Mọi người nhìn từ ngoài vào thấy một đoàn lếch thếch lều trại giữa đồng, trông có vẻ giang hồ, nhưng ở trong đoàn tôi thấy mọi người sống tình cảm và chơi rất đẹp. Tôi quý họ, vì họ là những con người chấp nhận vị trí của mình trong xã hội, sống với hiện tại và luôn tìm cách sống thoải mái. Tôi sống với họ rất vui, như gia đình, đến nỗi mỗi khi về Sài Gòn tôi lại thấy bối rối. Tôi nhớ hương vị khi di chuyển gió táp vào người, nhớ những bữa cơm thiếu thốn, nhớ tiếng nhạc cứ 6h chiều lại nổi lên. Tôi thích cuộc sống “bầy đàn”, về Sài Gòn thấy lẻ loi lắm.


Nhân vật chính trong phim, chị Phụng (bìa trái) - cảnh trong phim

* Cái sự cô đơn của người làm phim tài liệu nó như thế nào?

- Về nghề có những lúc cảm thấy cô đơn không thể chia sẻ với ai, rất khó vượt qua. Xung quanh là nhân vật của mình, mình vẫn phải giữ khoảng cách nhất định với họ. Có những điều về phim ảnh, về cảm nhận mình không thể chia sẻ. Trong quá trình đi, mình cũng gặp những bất cập trong xã hội nên thấy nhiều bức xúc. Nhiều hôm tỉnh dậy tôi thấy như có tảng đá đè trên ngực.

* Giai đoạn nào chị cảm thấy khó khăn nhất?

- Giai đoạn khó khăn là khi làm xong phim. Tôi cảm thấy trống rỗng, tôi thấy họ vẫn ở bên mình, vẫn yêu mình, nhưng mình lại là người bỏ đi. Giai đoạn khó khăn nhất là khi tôi đang ở Pháp nghe tin chị Phụng qua đời vì HIV và ung thư, tôi lập tức trở về Vĩnh Long để viếng. Tôi thăm chị Hạnh lúc đó cũng bị HIV giai đoạn cuối, sau đó ít lâu chị ấy mất. Đó là giai đoạn khó khăn nhất, là lần đầu tiên tôi có cảm giác đau đớn khi mất đi người thân của mình.

Tôi đã bước vào cuộc sống của họ, tôi có nghĩa vụ bảo vệ họ, và phải hoàn thành bộ phim về họ, chuyển tải một cách chân thực nhất cuộc sống của họ. Các chị ấy mất mà ngày nào tôi cũng phải ngồi dựng phim, nhìn thấy hình ảnh các chị ấy. Tháng 5/2011 là tháng kinh khủng nhất cuộc đời tôi. Tối đến tôi lang thang trên đường như con điên, đêm ngủ bị bóng đè, ngày nào tôi cũng chỉ muốn đập đầu vào tường vì quá căng thẳng. Khi các chị ấy mất đi, tôi cảm thấy mất cả niềm tin, thấy hoàn thành bộ phim sao quá khó khăn.

* Giờ chị đã cảm thấy thoải mái hơn và bình tĩnh hơn để chuẩn bị đối mặt với những hiện thực khác chưa?

- Khi có kinh nghiệm rồi thì mình sẽ biết cách đối mặt, trấn an bản thân hơn, nhưng tôi không dám nói trước, vì hiện thực rất khác nhau. Hiện tại tôi sẽ cố gắng làm tốt khâu quảng bá bộ phim. Đó là cách tốt nhất mình thể hiện sự trân trọng với công việc của mình và công sức của tất cả mọi người. Tiếc là ở Việt Nam không có nhà sản xuất để phát triển dự án, đồng hành, bảo vệ mình. Không có quỹ dành cho các nhà làm phim độc lập như tôi. Sau phim này tôi vẫn muốn tiếp tục làm phim. Tôi sẽ làm phim ngắn thôi và một phim mà tôi sẽ kết thúc nó trong khả năng của mình.

Bao giờ con lấy chồng?

“Cứ mỗi lần về nghe mẹ hỏi: “Thắm! Có biết vì sao tóc mẹ bạc không?”, “Mày không lấy chồng người ta nhìn gia đình mình mẹ thấy xấu hổ” là tôi lại muốn lao ra đường lấy quách một người nào đó cho xong. Năm ngoái tôi đã vào làm cho một công ty thuần nhà nước với ý nghĩ cả đời mình chưa làm gì được cho bố mẹ vui, nhưng rốt cuộc tôi không chịu nổi công việc ngồi một chỗ. Tôi bỏ vì nghĩ rủi mình stress quá tự tử lại mắc tội bất hiếu với cha mẹ”.

Thắm nói dù rất cứng cỏi nhưng đôi lúc không tránh khỏi cảm giác tủi thân vì cha mẹ không biết cô đang làm gì. Kể từ sau khi hoàn thành bộ phim Thắm không muốn tiếp xúc nhiều với đám đông, cô không còn muốn nhận lời làm phó đạo diễn, trợ lý cho các bộ phim truyền hình. Cô chỉ nhận viết kịch bản, những công việc cô có thể ngồi yên tĩnh. “Thực ra nhu cầu của tôi đơn giản lắm, nhà cửa không có, một tháng mấy triệu tôi vẫn sống được. Điều khiến tôi thấy sung sướng nhất là khi đi làm phim, thấy vạn vật thiên nhiên va đập vào mình, thấy những con người hiện lên trên những khuôn hình, vô cùng phấn khích”, Thắm nói.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm