Nguyễn Tư Nghiêm: 'Phóng dật thượng thừa' với bột màu giấy dó

28/06/2016 12:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, tôi có dẫn một vị giám đốc bảo tàng nghệ thuật Hàn Quốc đến thăm một nhà sưu tập nổi tiếng ở TP.HCM. Khi tới gian nhà sưu tập này trưng bày tác phẩm của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, tôi vẫn nhớ vị giám đốc bảo tàng này, người trước đây chưa bao giờ biết đến nghệ thuật Việt Nam, đã rúng động đến mức như đờ ra.

1. Ổng ngẩn người ngắm nghía từ bức nhỏ bằng bột màu đến bức lớn bằng sơn mài. Ông chạy đi chạy lại hưng phấn khắp gian phòng. Ông thụp xuống kéo bức này ra, đứng lên với tay nhấc bức kia xuống để xem thật kỹ. Sau hết ông toát mồ hôi gật gù nói với nhà sưu tập, “I think he is the best one in here” (tôi cho rằng hoạ sĩ này tốt nhất ở đây).

Dĩ nhiên, ai chẳng biết “gu” xem tranh mỗi người mỗi khác (tôi cũng biết có người không chịu nổi Nghiêm), song với một vị giám đốc bảo tàng, người từng học nghệ thuật tại Pháp, khi xem các tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm, mà phải rúng động đến thế, thì chắc chắn, tác phẩm của bậc thầy này đã có một sức mạnh đáng nể. Cần lưu ý rằng các tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm hầu hết đều là bột màu giấy dó.

2. Trong hội họa, sơn dầu là chất liệu tốt thượng ở chỗ nó có đủ cả hai tính chất, 1/ đủ sức mô tả đến chân tơ kẽ tóc các chất liệu khác nhau từ da thịt đến sắt thép (sau này, nó phải cạnh tranh với acrylic, song đây là câu chuyện khác), và 2/ nó duy trì được độ bền vững hàng trăm năm.

Chính hai tính chất này làm nó trở nên một công cụ tuyệt vời cho hoạ sĩ từ Tây đến ta.  


Tranh "Con giáp" của Nguyễn Tư Nghiêm

Tuy thế, dù là một đệ tử chân truyền sơn dầu (tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), theo thời gian, Nguyễn Tư Nghiêm lại tìm ra chỗ đứng của mình trong các chất liệu khác, giấy dó và sơn mài. Ở đây tôi muốn đặc biệt bàn tới giấy dó.

Các đặc tính nhất thời của bột màu như  khô nhanh, khó làm chủ (nhòe loang theo độ ẩm của giấy hay của dầu cọ), không nhất quán (khó có thể đặt chính xác hai màu cạnh nhau, bởi chúng phải tương tác với giấy ẩm, độ nhuyễn hay độ khô của bột màu, cũng như các chấm cọ quệt bất chợt của màu này loang sang màu khác), khi tương tác với giấy dó, và đặc biệt dưới khả năng siêu phàm của Nguyễn Tư Nghiêm, chợt trở nên điều gì đó vô cùng đắc địa.

Với Nghiêm, nghệ thuật, cùng giấy dó và bột màu đã dần hết trở thành khu vực của hoành tráng, của chính xác, của phép viễn cận của tả thực, tức của các tính  chất cốt tử trong nghệ thuật phương Tây, để trở thành một trò chơi con trẻ, ngẫu nhiên, nguệch ngoạc. Ở đây, Nghiêm như thể một bậc thầy võ “vô chiêu loạng choạng” như say như tỉnh mà đường nét nào ra đường nét đó làm kinh sợ “quần hùng”.

Điều kinh hãi nhất ở Nguyễn Tư Nghiêm là, dẫu sử dung chiêu thức đầy biến ảo như vụng về như tinh xác cùng lúc, song (hãy tin tôi, tôi biết và chịu hoàn toàn trách nhiệm điều tôi nói) - mọi tác phẩm của ông đều tuân theo tất cả các quy luật khắc kỷ nhất về bố cục phương Tây, hay các nguyên tắc cao nhất của hội họa phương Đông, từ Lục pháp luận của Tạ Hách đến Sadanga của Ấn Độ.  

3. Theo tôi cần phải nhìn nhận không gian bột màu giấy dó của Nguyễn Tư Nghiêm như một “hệ sinh thái” mà ông cố tình kiến tạo ra. Chính trong hệ sinh thái này, Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ còn là một họa sĩ giỏi, một nghệ sĩ bậc thầy.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Sống để vẽ và yêu

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Sống để vẽ và yêu

Nguyễn Tư Nghiêm, người duy nhất đang còn sống trong bộ tứ 'Nghiêm - Liên - Sáng - Phái'. Ông sinh năm Bính Ngọ 1918, năm Giáp Ngọ 2014 này, hoạ sĩ tuổi 96. Vẫn vẽ hàng ngày, đấy không phải là điều bất ngờ độc nhất của ông.


Hơn thế, ở đây, ông đã thoát thai trở thành một bậc đạo sĩ. Một người hiền minh. Có nghĩa là, trong không gian này, ông đã trở thành được chính nguồn cội  Á Đông của mình theo cách sáng tạo nhất. Nói khác đi, trong hệ sinh thái bột màu giấy dó này, ông đã có thể diễn giải chính nguồn cội của mình vào hiện tại của mình  

Các tác phẩm bột màu giấy dó của Nguyễn Tư Nghiêm, theo đó, cũng vượt thoát khói thân phận hữu hạn về vật chất (ít tính bền vững như sơn dầu), thân phận thứ yếu về vật liệu tạo hình (không sở hữu khả năng tả thực như sơn dầu), để trở nên một chất liệu “phóng dật thượng thừa” đặc biệt, mà chỉ Nghiêm mới có thể sử dụng theo cách viên mãn nhất, tức làm nó nhập một với tư duy tình cảm nguồn mạch của ông để rồi không chỉ kể các câu chuyện về thế giới, mà còn đã trở nên chính một thế giới: thế giới Nguyễn Tư Nghiêm.

Theo tôi, đây chính là nguyên nhân làm cho vị giám đốc bảo tàng kia rúng động khi xem tranh Nghiêm. Dù với các bậc thầy Việt Nam khác ông cũng ngả mũ kính nể, song chỉ riêng với Nghiêm ông mới toát mồ hôi khó thở - một phản ứng sinh lý bình thường của con người khi đối diện với điều gì vượt quá sức cảm và hiểu của mình, ở đây là một thế giới hoàn toàn mới mẻ với ông. 

Có thể nói, với tôi, hội họa Việt Nam, nếu Nguyễn Phan Chánh có lụa, Nguyễn Gia Trí có sơn mài, thì Nguyễn Tư Nghiêm có bột màu giấy dó.

Nguyễn Như Huy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm