Nguyễn Hoàng Sơn & chất hài trong văn học thiếu nhi

16/09/2020 11:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm học mới 2020-2021 đã được hơn 2 tuần, vậy là giáo khoa cũ Tiếng Việt 1 của nhóm soạn giả Đặng Thị Lanh, Hoàng Cao Chương, Trần Thị Minh Phương, dùng hơn 20 năm nay đã “hết đát”. Nhưng bài Lời chào đi trước (tr. 69 tập 2) ở sách này của tác giả Nguyễn Hoàng Sơn không “về hưu” như nhiều tác phẩm khác, mà vẫn tiếp tục phục vụ bạn đọc tuổi lên 6 ở những 3 sách mới khác: Tiếng Việt 1 (tập 2) của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực (tr.20), ở Tiếng Việt 1 (tập 2) bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (tr.68), ở Tiếng Việt 1 (tập 2) bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (tr. 69)…

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 22): Nhà thơ Thạch Quỳ - 'Quạt cho bà ngủ'

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 22): Nhà thơ Thạch Quỳ - 'Quạt cho bà ngủ'

Thạch là đá, Quỳ là tên một ngọn núi ở vùng Nghệ Tĩnh, Thạch Quỳ là bút danh của một “ông đồ” Nghệ gàn nổi tiếng, gàn thứ thiệt nhưng dễ thương, chứ không gàn diễn. Ông đồ Thạch Quỳ người nhỏ thó, xù xì, góc cạnh như đá núi, nhưng thơ trong sách giáo khoa thì lại đẹp, mềm mại, rực rỡ.

1. Lời chào đi trước là bài thơ tứ lớn nhưng dễ hiểu, nhờ diễn đạt tự nhiên, thủ thỉ như kể với bạn đọc nhỏ tuổi một câu chuyện:

Đi đến nơi nào/ Lời chào đi trước/ Lời chào dẫn bước/ Chẳng sợ lạc nhà// Lời chào kết bạn/ Con đường bớt xa/ Lời chào là hoa/ Nở từ lòng tốt// Là cơn gió mát/ Buổi sáng đầu ngày/ Như một bàn tay/ Chân thành cởi mở// Ai ai cũng có/ Chẳng nặng là bao/ Bạn ơi đi đâu/ Nhớ mang đi nhé.

Trong bài thơ, “lòng tốt”, một khái niệm đạo đức được hình tượng hóa thành người dẫn đường tên là “lời chào” với một loạt hình ảnh đẹp. Nó là hoa, là cơn gió mát, là bàn tay mở “chân thành” và lịch thiệp… Nếu cứ thuận vần mà đọc cho nhanh, cho xong thì “lòng tốt” ở bên trong bài thơ, dễ bị che lấp bởi nước sơn điệp từ “lời chào” rất bắt mắt, rất dễ nhìn phía ngoài bài thơ.

Và nếu thế thì, rất có thể, người dạy chỉ hướng người học của mình tới những cố gắng thực hành ngoại giao quy chuẩn, phải đạo như thế, mà quên nhắc các em giữ lấy cái gốc của những quan hệ quy chuẩn và phải đạo kia, nằm ở lòng người, giữ lấy “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Phải như thế “lời chào…” mới “… cao hơn mâm cỗ”, như lời dạy của người xưa!

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn

Chính tác giả đã nói về điều dễ bị quên này: “Lời chào luôn gắn với con người, nó không chỉ là một biểu hiện của xã giao mà hơn thế, là sự cởi mở, là những tấm chân tình. Ấy vậy mà nhiều khi người ta quên. Và tôi làm bài thơ như để nhắc, nhắc chính con tôi và cả những ai trót “đi đến nơi nào” mà “bỏ quên lời chào!” (https://phebinhvanhoc.com.vn/nha-tho-nguyen-hoang-son-loi-chao-di-truoc/).

Cũng bàn về phép xã giao trên đường đời, về niềm tin “không sợ lạc nhà” như Nguyễn Hoàng Sơn, nhà thơ Thi Hoàng từng viết, nghiêm khắc nhưng hài hước rằng, trên đường đời kia: “Những tư tưởng nửa vời/ Dừng lại ngoài khuôn cửa/ Chơi với con chó nhỏ/ Học cách mà vẫy đuôi”. Những nhà biên soạn sách Tiếng Việt tiểu học bộ cũ, (nhưng các sách Tiếng Việt từ lớp 2 tới lớp 5 vẫn còn được dùng trong năm học này) có dành trang cho “con chó nhỏ” kia. Đó là trang 81 , sách Tiếng Việt 2 (tập 2), bài Con Vện của Nguyễn Hoàng Sơn: Mỗi khi nó chạy/ Cái đuôi cong lên/ Đuôi như bánh lái/ Định hướng cho thuyền// Rời nhà xa ngõ/ Đuôi quắp dọc đường/ Đuôi buông ủ rũ/ Là khi nó buồn// Nhưng mà ngộ nhất/ Là lúc nó vui/ Chẳng hề nhếch mép/ Nó cười bằng… đuôi.

Cái đuôi của nhân vật đồng thoại 4 chân - con vện, được nhà thơ dùng như dùng đạo cụ trong một vở múa rối, một màn xiếc mà mình đạo diễn. Nó như cái quạt trong vai đào lệch trên một chiếu chèo, như cái roi ngựa xung trận của ông tướng tuồng khi hát cúng đình. Cái đuôi ấy mọc ra không phải ở chỗ của râu tóc, nhưng lạ thay, khi nó xuất hiện thì bài thơ đã “đằng sau quay” để mặt tiền nằm ở phía hậu, thơ phát sáng ở phía ấy! Ở nơi tận cùng ấy, vĩ ngữ bỗng hóa thành nhãn tự. Chót đuôi hóa thành đầu mày lúc đang cười tít mắt.

Tạo được nụ cười cho con vật trung thành, bạn của loài người, đó là thành công của bài thơ!

Chú thích ảnh
Bài thơ “Lời chào” của Nguyễn Hoàng Sơn trong sách “Tiếng Việt 1” (tập 2), bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”

2. Cái cười, chất hài là thứ rất cần có trong văn học thiếu nhi và vì thế, không thể thiếu trong các sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học. Thọc lét, cù kì, chọc cười bạn đọc nhí, trong các cây bút viết cho thiếu nhi, việc này giỏi nhất là Nguyễn Hoàng Sơn. Các em cười khi thấy trong chảo nóng, giữa dầu sôi lửa bỏng Hành và Mỡ cãi nhau, Mỡ: “Mùi thơm là của tao/ Không! Của tao - Hành hét”. Để: Củi cháy nổ lép bép/ Chúng chẳng nghe thấy gì/ Lát sau hành đen sì/ Mỡ bay mùi khét lẹt/ Cuộc cãi nhau cũng hết!

Các em cười khi “chú Sơn” (Nguyễn Hoàng Sơn) để còng gió khua càng giảng giải một cách khoác lác cho chị cá sông biết về biển cả, về sự “tiến hóa” của loài cá nhà chị:

Biển chỉ là cái chảo/ Suốt đêm ngày sục sôi/ Nước biển là nước mắm/ Tất nhiên mặn ra trò/ Chị mà về dưới ấy/ Lập tức thành cá kho!

Các em cười khi chú Sơn kể bằng thơ, con rùa muốn thoát kiếp “chậm như…” nó, nên quyết bay lên bằng cách, cắn vào một cành cây, để 2 con ngỗng trời gánh cái cảnh ấy:“Cả ba ta cùng bay/ Mà chỉ cần bốn cánh”. Nhưng rồi từ trên trời, rùa nghe trẻ con dưới đất: “Ồ kìa trên trời cao/ Ngỗng tha con rùa chết” thì “ấm ức”, nghe “Rùa nào rùa biết bay/ Đến bò còn chẳng nổi” thì “Rùa nghe càng tức tối/ Há mồm toan quát to” và “Thương hại thay cho rùa/ Khi mồm vừa mới há/ Rơi như chiếc lá khô/ Không, như một hòn đá”. Tác giả tán dóc, làm thơ như bác Ba Phi kể chuyện cười mà vẫn làm mặt nghiêm ở đoạn kết để câu chuyện thật như… cổ tích, càng tức cười hơn: Cái mai già vỡ nát/ Vết nứt còn đến nay/ Làm chứng lời tôi kể/ Chuyện bác rùa biết bay.

Sinh thời, khi viết về Nguyễn Hoàng Sơn, nhà phê bình Chu Văn Sơn cho rằng, hóm hỉnh, hài hước, là “bảo bối” của tác giả. Theo Chu Văn Sơn, có được bảo bối ấy là nhờ Nguyễn Hoàng Sơn “lém lỉnh và tài hoa”, một mình làm được cả “vườn bách thú”, thông thạo nhiều “ngoại ngữ”: từ tiếng nước… trâu đến tiếng nước… hành mỡ, từ “thổ ngữ” ầm ầm của tiếng thác đến “sinh ngữ” ngọt ngào của loài kẹo…”. Với “bảo bối” này, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi viết cho thiếu nhi, tác giả Nguyễn Hoàng Sơn: “… không cố tình lên gân lên cốt nhằm giáo dục trẻ con một cách lộ liễu như rất nhiều cây bút viết cho thiếu nhi khác. Anh đến với con trẻ rất tự nhiên. Các em sẽ thấy thú vị vì lối dẫn chuyện thông minh, hóm hỉnh, có không ít những phát hiện độc đáo bất ngờ” (Sức khỏe & Đời sống, 29/7/2019).

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn (bìa phải) cùng một số nhà văn viết cho thiếu nhi: Tô Hoài,Trần Đăng Khoa, Trần Quốc Toàn

3. Nguyễn Hoàng Sơn mang cái hóm hỉnh kia vào trong các bài tân văn, phê bình, luận chiến của mình, cùng với những “bốp chát” đáo để, nhưng không thiếu khúc chiết!

Trong tác phẩm Văn đàn thời sự & bình luận (NXB Văn học 2003) dày hơn 500 trang, ông kể ở trang 325: “… cuốn Truyện ngắn Nữ - 95 do NXB Phụ Nữ in với sự trợ giúp của “chương trình hỗ trợ tài năng văn học nghệ thuật”… ở trang 27 có in truyện ngắn Mùa săn của “nữ sĩ” Hồ Thị Huệ Dài. Truyện này được giải Ba cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ và chính nhà văn Nguyễn Khắc Trường, thành viên ban chung khảo cho tôi biết, đó là tác phẩm của cây bút đàn ông 100% - nhà văn Quý Thể…” và ông hóm hỉnh: Bắc thang lên hỏi ông trời/ Giải trao cho “gái” có đòi được không!

Ở đoạn khác, ông không ngại nêu tên và phản đối người “… vừa là sự hoang mang đố kị, vừa là thể hiện một tư duy cũ kỹ, không phù hợp với đời sống văn học hiện nay” khi người ấy cho rằng “Phê bình văn học nghệ thuật ngày nay linh tinh hết sức, ai mạnh miệng kẻ đó lấn át (tr.63 sách đã dẫn). Ông dám tức giận khi “Ở đâu nảy nòi ra một kẻ ngang nhiên phỉ báng dân tộc mình…” (tr 16 sách đã dẫn).

Nhưng, nói như Nguyễn Đình Chiểu: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” những trang yêu thương trong cuốn sách đang dẫn vẫn nhiều hơn. Nguyễn Hoàng Sơn thương yêu “Trần Dần trên từng mi-li-mét thơ” thương yêu “Phùng Quán càng đọc càng có vị” thương yêu “Bế Kiến Quốc - sự tinh tế bẩm sinh” thương yêu khi “Thử tìm bí quyết của nhà ảo thuật Nguyễn Nhật Ánh”…

Tính đến ngày về hưu, văn nghiệp của Nguyễn Hoàng Sơn khá là đồ sộ, với 2 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, 14 đầu sách và có thơ được nhiều sách giáo khoa tuyển chọn. Trong Ngôi nhà xưa (NXB Kim Đồng, 2016) tác phẩm mới nhất của ông, nhân vật chính vẫn là những đứa bé, loại nhân vật mà các nhà biên soạn sách giáo khoa để tâm tìm kiếm.

Vài nét về Nguyễn Hoàng Sơn

Nguyễn Hoàng Sơn sinh 1949 tại Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân 1970. Từ 1976 tới 2009 là phóng viên báo Tiền phong. Các tác phẩm chính: Sự tích rước đèn Trung thu (tập truyện thơ - giải thưởng Hội Nhà văn VN 1990), Dắt mùa Thu vào phố (tập thơ - giải thưởng Hội Nhà văn VN 1993), Bài hát trăng tròn (tập thơ), Ông khách Giao thừa (tập truyện thơ), Đợi mắt nhìn mới nở (tập thơ), Ngôi nhà xưa (tập hồi ký và truyện), Tranh luận văn học (phê bình văn học), Văn đàn thời sự và bình luận (phê bình văn học)…

Trần Lê Vân Đình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm