Người mẹ giết con và bi kịch 'Beloved' của người Mỹ da màu

14/08/2016 08:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nước Mỹ những ngày này đang sôi sục trong các cuộc biểu tình thuộc phong trào Black Lives Matter (Sinh mệnh người da đen cũng quý). Phong trào đó khiến ta nhớ đến tác phẩm Beloved (Bản dịch: Người yêu dấu) của Toni Morrison - nữ văn sĩ da màu đầu tiên giành giải Nobel Văn chương (năm 1993).

1. Cách đây hơn nửa thế kỷ, cũng vào một ngày tháng Tám, mục sư Martin Luther King đã làm lung lay tới tận gốc rễ nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ qua bài diễn văn lịch sử Tôi có một giấc mơ. Tiếc rằng, cái rễ đó đã bén quá sâu vào định kiến của nhiều người.

Nước Mỹ những ngày này đang sôi sục trong các cuộc biểu tình thuộc phong trào Black Lives Matter (Sinh mệnh người da đen cũng quý). Phong trào này đã có từ năm 2012 nay lại bùng phát một lẫn nữa và mạnh mẽ hơn bởi chỉ trong nửa đầu năm 2016, cảnh sát Mỹ đã bắn hạ hơn 500 người, chủ yếu là người da màu; đỉnh điểm là vụ xả súng vô tội vạ vào người bán hàng rong da màu Alton Sterling tại Louisiana.


Nữ văn sĩ da màu đầu tiên giành giải Nobel Toni Morrison

Trong giai đoạn đáng buồn này của lịch sử, thế giới lại nhớ về một câu chuyện vô cùng đau thương khác, kéo dài từ Alabama - nằm cùng Louisiana bên bờ biển phía đông nam nước Mỹ -  tới bang Ohio.

Tại đó, trong căn nhà số 124 nằm biệt lập với láng giềng, một con ma nhỏ đầy nọc độc đang gieo rắc không khí hận thù cho cả gia đình sống tại đó. Nhưng cơn giận dữ tột cùng của kẻ từ thế giới bên kia cũng không mạnh bằng bằng tình yêu của Sethe – mẹ con ma, dành cho đứa con gái mới biết bò mà chính cô xuống tay lấy đi mạng sống.

Không chỉ thế, Sethe còn đâm nốt hai cậu con trai lớn (may mắn vẫn sống sót và đều đã bỏ nhà ra đi sau đó) còn đứa út vừa sinh phải vú sữa mẹ hòa lẫn máu chị gái và lớn lên với nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Đây là một câu chuyện đáng kinh tởm? Không, đó là một bản thánh ca dâng tặng tình yêu, tình mẫu tử. Sethe là một mụ điên? Không, đó là người phụ nữ yêu thương con mình hơn tất thảy.

Có lẽ nào một người mẹ vĩ đại như vậy lại nỡ giết những đứa con mình dứt ruột đẻ ra? Thế mà có. Sethe thà phải một mình chịu nỗi đau tột cùng này còn hơn phải để các con mình phải sống cảnh nô lệ.

Đó là đoạn giữa trong tác phẩm Beloved (Bản dịch: Người yêu dấu) của Toni Morrison – nữ văn sĩ da màu đầu tiên giành giải Nobel Văn chương.


Một bản dịch cuốn Beloved tại Việt Nam

Bắt đầu từ khoảng thời gian giữa, Toni đi về quá khứ, nơi tận cùng đau thương và nhục nhã đè lên nàng Sethe xinh đẹp và tiến tới tương lai, khi con ma nhỏ đầu thai vào một thiếu nữ xinh đẹp, về than khóc đòi tình yêu của mẹ.

Nếu ai cho rằng đây là một thuyết hư cấu quá lời thì không, đó dựa trên câu chuyện có thật về Margaret Garner – một nữ nô lệ thời trước nội chiến Mỹ, người thà giết con gái ruột còn hơn để con lớn trong "kiếp trâu chó".

Và hơn cả, Người yêu dấu là bức tranh chân thực về những chấn thương tinh thần vẫn đeo bám cộng đồng người Mỹ gốc Phi tới tận nay dù chế độ nô lệ và nạn phân biệt chủng tộc khắc nghiệt tại xứ cờ hoa đã chấm dứt từ năm 1863 qua bản Tuyên ngôn giải phóng nô lệ của cựu tổng thống Mỹ Abraham Lincoln.

Ngay cả Toni Morrison – người đứng trên bậc cao tôn vinh, cũng không quên được nỗi đau thương này. Con đường đẫm máu trong Người yêu dấu - cũng chính hành trình trốn chạy của ông bà ngoại tác giả - đã in sâu vào tiềm thức bà.

2. Người yêu dấu của Toni Morrison là một tiểu thuyết không dễ đọc. Đầu tiên là bởi nội dung quá khắc nghiệt và sau đó, bởi lối viết thuộc hàng “văn sĩ thượng thặng” của Toni Morrison, như trong bài công bố giải thưởng Nobel năm 1993 của Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Toni là người suy ngẫm đến vài năm cho một câu văn. Tiểu thuyết của bà không chỉ là một câu chuyện, đó là một ngọn núi về nghệ thuật với lối viết đan xen chồng chéo, ken vào giữa là tầng tầng lớp lớp sử thi, huyền thoại cùng chất thơ, khả năng nhìn xa trông rộng và đem đến một cái nhìn thực tế về đời sống. Trên hết, Người yêu dấu là khúc trường ca về tình người.

Đây là cuốn tiểu thuyết đáng được đọc và đọc lại nhiều lần.

Tại Việt nam, có thể đọc cuốn sách qua hai bản dịch Người yêu dấu (NXB Văn học 2007, dịch giả Nguyễn Hải Hà và Nguyễn Thanh Tâm) và Thương (NXB Phụ nữ 2008, dịch giả Hồ Như).

Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm