Người Hà Nội xếp hàng dài đợi ngắm chân dung Đại tướng

28/04/2014 07:01 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Phòng triển lãm khoảng 20m2 song trong đó là cả chục loại hình nghệ thuật từ mỹ thuật hàn lâm tới mỹ thuật ứng dụng. Và hơn tất cả, nó chất chứa bao tấm lòng ngưỡng vọng của cả những nghệ sĩ và công chúng Thủ đô hướng về Đại tướng nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Triển lãm "Điện Biên Phủ- Đại Tướng- Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệ thuật” do hội Quán Di Sản và Circle Group tổ chức dưới sự chỉ đạo và phối hợp của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Liên hiệp UNESCO, khai mạc vào sáng qua (27/4) và kéo dài tới 10/5 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Những hàng dài nhẫn nại...

Cơn mưa như trút đêm hôm trước Hà Nội ngập mọi ngả đường. Cho tới buổi sáng, lúc khai mạc triển lãm, trời vẫn lất phất mưa. Song đoàn người đổ về bảo tàng Lịch sử Quân sự mỗi lúc một đông.

Sau buổi tọa đàm nhỏ, lúc triển lãm khai mạc, BTC buộc lòng phải yêu cầu đồng bào xếp thành hai hàng để vào triển lãm. Đây là một sự kiện chưa từng có trong đời sống nghệ thuật Thủ đô trong những năm gần đây.


Ông Võ Hồng Nam (áo đen ở giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng các tác giả tại triển lãm, bên chân dung cha mình

Đặc biệt hơn, dưới sự hướng dẫn của BTC, đoàn người nghiêm chỉnh xếp hàng ngay ngắn. Các phóng viên tác nghiệp cũng không ngoại lệ, tất cả cùng nhẫn lại trong hai hàng dài đợi chờ tham gia một cuộc...triển lãm.

Ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch Hội quán Di sản, lý giải với Thể thao & Văn hóa: Kinh phí tổ chức triển lãm do chúng tôi- những họa sĩ trẻ- tự túc hoàn toàn nên chúng tôi không thể gắng gượng tìm được phòng triển lãm lớn hơn.

Khi được hỏi lý do chọn Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mà không phải địa điểm khác có kinh phí “mềm” hơn, ông Tùng nói: Chúng tôi mở triển lãm này với tất cả lòng thành kính tới Đại tướng. Nên chúng tôi muốn những bức hình Người được đặt tại đây, dưới chân cột cờ Hà Nội, sát Hoàng thành Thăng Long oai linh này. Và chúng tôi cũng chủ động kéo dài thời gian mở cửa triển lãm đủ để tất cả những đồng bào muốn thưởng ngoạn những tác phẩm về Đại tướng và chiến dịch Điện Biên Phủ có thể ghé thăm.


Người Hà Nội lặng lẽ xếp hàng dài chờ vào triển lãm nghệ thuật về Đại tướng

"Nếu không có chiến tranh..."

Bước chân vào không gian triển lãm, hình Đại tướng cùng câu nói bất hủ: "Nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo" xuất hiện khắp mọi nơi: từ những tấm áo vật phẩm của BTC tới những bức tranh cổ động bằng bột màu mới vẽ đặt trên lối vào phòng triển lãm của của họa sĩ Hà Huy Lê.

"Đó là thông điệp xuyên suốt buổi triển lãm của chúng tôi"- họa sĩ Hà Huy Lê nói- "Và nó còn là thông điệp của tất cả người dân Việt tới toàn thế giới. Đại tướng muốn là một thầy giáo kể những câu chuyện cha ông cho các em học sinh của mình. Song lịch sử đã đặt lên vai Đại tướng một sứ mệnh hoàn toàn khác. Đó là trở thành một người hùng."


Bức tranh cổ động hình Đại tướng và câu nói bất hủ của họa sĩ Hà Huy Lê

Trong phòng triển lãm chừng 20 m2, hình ảnh Đại tướng bằng tượng sáp, bằng sơn dầu, bằng đồng, bằng ảnh, bằng...diêm... choán mọi góc phòng khiến nhiều khán giả cảm thấy bị ngợp vì quá nhiều loại hình nghệ thuật trong không gian hẹp. Lý giải cho điều này, ông Tùng nói: "Chúng tôi là những nghệ sĩ chuyên nghiệp nên chúng tôi nhận thức được điều này. Song mục tiêu của chúng tôi là hướng tới cộng đồng ở mọi tầng lớp. Nên chúng tôi chọn những thể tài, chất liệu đa dạng để bất cứ ai tới triển lãm cũng có thể thấy Đại tướng như vẫn còn ở đây, dưới chân cột cờ Hà Nội này."

Là tác giả của bức hình chụp Đại tướng nhân dịp Người về thăm Điện Biên Phủ lần cuối (năm 2004) treo trong triển lãm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán rưng rưng kể: “Lúc ấy, trong buổi gặp mặt quân và dân Điện Biên, Đại Tướng vẫn khỏe, giọng nói Người vẫn hào sảng trước hàng ngàn đồng bào. Do lo ngại Đại tướng tuổi cao, sức yếu, bộ đội đã chuẩn bị sẵn võng để đón Đại tướng. Nhưng Đại tướng đã gạt đi và bảo Người vẫn đi được”.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cũng cho biết: Đằng sau mỗi tác phẩm là một tấm lòng về Đại tướng. Và trong phòng triển lãm ních người này, còn nhiều lắm những câu chuyện quanh vị anh hùng vĩ đại của dân tộc…

Bài và ảnh: Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm