NGND Lê Đăng Thực qua đời đúng ngày được Cánh diều vinh danh

20/04/2016 23:38 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Người thầy của nhiều đạo diễn, diễn viên nổi tiếng tại Việt Nam đã không thể có mặt tại Lễ trao giải Cánh diều 2015 vào tối 20/4/2016, bởi ông đã ra đi vào đúng ngày này.


Chân dung nhà giáo Lê Đăng Thực năm 1955

Trong buổi lễ, BTC Giải Cánh diều đã tôn vinh 2 tên tuổi gạo cội của điện ảnh Cách mạng Việt Nam là nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (biên kịch đầu tiên ở Việt Nam đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh) và Nhà giáo Nhân dân Lê Đăng Thực, Nhà giáo Nhân dân (NGND) đầu tiên trong ngành điện ảnh. Tuy nhiên, chỉ có nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ lên sân khấu. Trước thời điểm đó 1 tiếng, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, học trò của NGND Lê Đăng Thực cho phóng viên Thể thao & Văn hóa biết, ông vừa hay tin thầy của mình qua đời.

Cuối tháng 11/2015, học trò của NGND Lê Đăng Thực đã quyết định tổ chức lễ mừng thọ cho ông. Khoảng 250 nghệ sĩ điện ảnh từ khắp nơi trên đất nước về dự lễ mừng thọ thầy tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội). Nhiều nghệ sĩ cho biết, sau khi GS-TS-NSND Đình Quang, Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Sân khấu & Điện ảnh qua đời, có lẽ chỉ còn thầy Lê Đăng Thực được nhiều học trò về thăm như thế này.

Có lẽ dự cảm được sức khỏe của mình không còn được bao lâu, nên thầy Lê Đăng Thực đã muốn tổ chức một “cuộc chia tay sớm” với học trò của mình. Ông dự định sau cuộc gặp gỡ này, sẽ sang Đức thăm con trai và điều trị bệnh ung thư tại đây. Tuy nhiên do không đủ sức khỏe ông đã ở lại Việt Nam.

Buổi lễ mừng thọ rất xúc động, khi học trò của thầy Thực nay đầu đã bạc đều tề tựu bên thầy, đặc biệt còn có thế hệ thứ ba, tức là những học trò trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh có ông bà, cha mẹ học tại ngôi trường này tới chúc thọ thầy Thực. Nhiều học trò của ông đã không kìm được nước mắt. NSND Minh Châu cho biết “thầy Thực không chỉ là thầy mà còn là cha”.


Ông Lê Đăng Thực cùng đoàn làm phim Ba Lan tại sông Đà

Ông Lê Đăng Thực quê gốc ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (trước đây thuộc tỉnh Phúc Yên) nhưng Lê Đăng Thực lại được sinh ra ở thị xã Yên Bái, ngày 25/3/1931 và sống ở đó cho đến năm 1945, sau khi đã học xong tiểu học. Năm 1946, ông theo gia đình chuyển lên thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Ở đó, Lê Đăng Thực tham gia hoạt động thiếu nhi và được cử làm đội trưởng Đội thiếu nhi toàn thị trấn, để rồi từ đó, thoát ly gia đình, tham gia Đội tuyên truyền xung phong tỉnh Lào Cai, hoạt động văn nghệ tuyên truyền kháng chiến, sau chuyển về Tiểu đoàn biên phòng (bộ đội địa phương) tỉnh, làm văn thư, liên lạc của tiểu đoàn bộ.

Ông  là một trong số những đạo diễn đầu tiên được đào tạo tại Liên Xô. Dù không thành công ở lĩnh vực đạo diễn, sau này ông gắn bó với công tác nghiên cứu lý luận điện ảnh, dịch thuật và đặc biệt là công tác giảng dạy. Nhà giáo Lê Đăng Thực là một trong những người đầu tiên của thời kỳ sáng lập Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh, là vị hiệu trưởng đáng kính, người thầy được các thế hệ sinh viên trường rất kính trọng, yêu mến.

Lễ tang Nhà giáo Nhân dân Lê Đăng Thực sẽ diễn ra vào hồi 13h30 ngày 22/4/2016 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Ngọc Diệp


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm