Nghệ sỹ Thành Lộc: Tôi đã làm cho bác Khê khóc hai lần

26/06/2015 19:36 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nghe tin bác Khê qua đời thì tôi chỉ nghĩ một điều là tôi mừng cho bác được an nghỉ. Cả một cuộc đời cống hiến của bác với nền âm nhạc nước nhà như vậy là khó có ai có thể theo kịp. Khó có một người nào có sự am tường một cách sắc sắc và cặn kẽ về âm nhạc dân tộc như bác.

Những vở diễn của tôi được vinh dự có bác đi xem thì bác cũng đều cho chúng tôi những ý kiến rất quý báu về âm nhạc. Đó là một vinh dự rất lớn đối với tôi trong cuộc đời làm nghệ thuật. Lần nào mà tôi được gặp bác, bác cũng đều hỏi là “thằng Thành Lộc phải không con?”. Điều đó có nghĩa là bác luôn luôn nhớ đến những thế hệ nhỏ tuổi, bác không quên.


NSƯT Thành Lộc trong lễ viếng GS-TS Trần Văn Khê

Tôi nhớ bác thường chỉ vào mặt tôi và nói “Trong cuộc đời của bác chỉ có 2 đứa làm cho bác khóc thôi. Một là cô Kim Cương trong vở Lá sầu riêng, hai là con trong vở Dạ cổ hoài lang”. Tôi nói thật, với cuộc đời nghe thuật của mình mà được nghe bác Trần Văn Khê nói như vậy thì với tôi vậy là quá đủ. Bác còn nói rằng tôi đã làm cho bác khóc hai lần, ngoài vở Dạ cổ hoài lang thì tiếp đến là vở Bí mật vườn Lệ Chi mà tôi làm đạo diễn. Bác nói rằng đã khóc rất nhiều, khóc cho cuộc đời của cụ Nguyễn Trãi.

Đối với bất cứ một ai mà làm công việc liên quan đến âm nhạc dân tộc thì đều được bác ủng hộ và cho nhiều ý kiến.

Như tôi đã nói khi nãy. Khi bác ra đi thì tôi lại mừng cho bác vì bác được yên nghỉ vì bác đã đến độ tuổi cần phải được an nghỉ rồi. Tôi cầu mong bác được an lạc. Cái điều mà tôi tiếc thương ở đây là sẽ không có một người thứ hai nào có sự am hiểu tường tận và một lòng yêu mến thật sự của mình đối với nền âm nhạc dân tộc Việt. Tôi muốn nhấn mạnh chữ “thật sự” vì dường như chỉ có mỗi giáo sư Trần Văn Khê là thật sự dành trọn trái tim mình cho nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Tôi nghĩ sẽ vẫn có những người tiếp nối con đường của bác Khê nhưng mà khó có được sự sâu sắc và cặn kẽ như bác.

Bác Khê với ba tôi (NSND Thành Tôn, nghệ sỹ hát bội nổi tiếng của Việt Nam) là cùng một thế hệ. Bác ít tuổi hơn ba tôi. Tôi nhớ lúc ba tôi còn sống thì chúng tôi hay gọi bác là chú Khê nhưng bề dày văn hóa của bác quá lớn, lớn đến mức mà bọn tôi phải kêu bằng bác chữ không kêu bằng chú được.

Chị em chúng tôi có một kỉ niệm với bác là khi chúng tôi còn nhỏ, hình như quãng cuối 1969, đầu 1970, lúc ấy 10 ngày liên tiếp bác Trần Văn Khê cứ đến nhà tôi để học ba tôi hát bội mặc dù khi ấy bác đã là một giáo sư nổi tiếng. Nhưng bác vẫn đến và nhờ ba tôi dạy những câu hát khách, hát nam. Ba tôi khi đó có một thói quen là mỗi khi hát bội là phải có minh họa bằng múa. Thế là bác Khê cũng học múa luôn, múa theo động tác như thế nào, tay đưa ra sao. Bác học rất kỹ, kỹ đến nỗi mà mỗi khi bác đến là chị em chúng tôi rất thích, thích vì được xem bác học mà lúc ấy tên của bác còn lớn hơn cả tên của ba tôi nữa.

Cho nên tôi thấy bác Khê thật sự là một người có công. Theo quan điểm của tôi thì rất nhiều người đạt được bằng cấp tiến sĩ rồi thì họ cứ thế mà giảng dạy những gì mà họ đã biết trước đó còn sau này thì chưa chắc họ đã tiếp tục. Trong khi đó, bác Khê đã là một nhân vật lừng lẫy ở tầm quốc tế rồi nhưng tôi thấy năm nào bác cũng đi cập nhật, trau dồi kiến thức. Một người làm được như vậy tôi nghĩ không nhiều đâu và tôi thật sự nể phục bác.

N.M (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm