Nghệ sĩ bán vé cải lương: Không van xin lòng thương hại

12/05/2022 19:35 GMT+7 | Văn hoá

Đoàn cải lương Huỳnh Long, sau 2 năm đầy biến cố, dưới sự dẫn dắt của Bình Tinh, hậu duệ cuối cùng còn sót lại, đã có những dấu hiệu tích cực sau nhiều đêm diễn khán giả đầy rạp.

Quanh quẩn 'cơn khát' kịch bản cải lương

Quanh quẩn 'cơn khát' kịch bản cải lương

Ngày 2/4 vừa qua, đoàn cải lương xã hội hóa của ông bầu NSƯT Vũ Luân đã có vở diễn hoàn toàn mới với tên "Tống Nhân Tông hoàng đế" tại rạp Hưng Đạo.

Gánh hát này là một tập thể trẻ đoàn kết và rất ý thức trách nhiệm. Gần đây, các diễn viên còn thay phiên nhau livesteam trên facebook để bán vé. Hoạt động này khiến nhiều người cảm động và chợt nhớ lại cách mà cải lương đang tiếp tục được sáng đèn, dù hết năm này qua năm khác từng bị dự báo là... sẽ chết.

Nỗ lực và hy vọng!

NSƯT Hữu Quốc được đoàn Huỳnh Long mời về giúp sức trong vai trò chính là đạo diễn. Là một người đã hát cho nhiều đoàn khác nhau, anh nhìn thấy một khát vọng lớn từ tập thể trẻ đang kế thừa danh tiếng hơn 70 năm do tiền nhân để lại.

Hữu Quốc kể: “Tuy đoàn không có nhiều ngôi sao, nhưng rất đoàn kết, anh chị em trên dưới một lòng. Giờ tập, dù có đến lượt hay chưa, toàn bộ ekip phải có mặt để xem bạn diễn để hiểu đường dây tâm lý, để học nghề. Bình Tinh yêu cầu như thế. Do chỉ tiêu của đoàn là suất diễn nào cũng phải đầy khán giả, nên tập dượt xong, các bạn thay nhau livestream bán vé sôi nổi, chứ không chỉ trông chờ khán giả đến rạp mua”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Bình Tinh thường xuyên livestream bán vé cho cải lương

“Hành động này truyền cảm hứng rất lớn đến những khán giả không biết thông tin hoạt động của đoàn, hoặc những khán giả còn do dự. Thêm nhiều yếu tố khác cộng lại, tính từ suất diễn đầu tiên đến giờ, đêm diễn nào cũng đông kín khán giả” - anh nói thêm.

Nhớ lại thời hoàng kim của cải lương từ 1980 ngược về 1950, nghệ sĩ chỉ lo hát. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, cải lương đi xuống, việc nghệ sĩ cải lương đích thân bán vé cho khán giả đã bắt đầu diễn ra. Có điều, đó là cách bán theo lối thủ công chứ không hiện đại, tận dụng công nghệ 4.0 như đoàn Huỳnh Long. Trong mỗi suất hát, kép chánh và đào chánh sẽ được các vị khán giả thân hữu đặt trước những hàng ghế tốt nhất, đắt tiền nhất. Đào và kép chánh có thể bán trực tiếp rồi gửi tiền lại cho bầu, hoặc là gọi điện cho phòng vé giao vé. Khán giả mua vé kiểu này đa phần là những người hâm mộ thần tượng, vừa ghiền xem hát, vừa muốn ủng hộ đoàn. Phần vé cho các số ghế còn lại, các nghệ sĩ nào có dùng mạng xã hội cũng lên tiếng rao bán giùm.

Cũng đã có ý kiến cho rằng, nghệ sĩ mà phải đi bán vé như vậy là điều không tốt, bởi nó giống như ép buộc mua vì cả nể, thậm chí là van xin lòng thương hại của công chúng. Từ đó, nghệ thuật không còn giá trị lung linh như nó vốn có.

Thực tế, hãy hiểu rằng nghệ sĩ mà phải làm thay công việc của người bán vé là hành động có vẻ “hạ mình”, nhưng trong tình cảnh cải lương đang bị quá nhiều loại hình giải trí miễn phí bao vây, họ bắt buộc phải vận động.

Thế nhưng, theo ông Trần Hào, giám đốc điều hành đoàn cải lương Chí Linh - Vân Hà, nếu khán giả nào lên tiếng hoặc tỏ thái độ mua vé để giúp đỡ đoàn mà không xem, đoàn cũng không sẵn sàng bán. Trường hợp các nghệ sĩ bán vé bằng hình thức livestream đã nói rõ vở diễn hấp dẫn như thế nào, khán giả mua vì hiểu và thôi thúc muốn xem, chứ không phải vì tội nghiệp nghệ sĩ mà mua vì lòng thương hại. Suy cho cùng, trong thời đại này, bán hàng gì cũng cần có chút quảng bá thông tin và kỹ năng bán hàng một cách chủ động.

Chú thích ảnh
Vở cải lương kinh điển "Tiếng trống Mê Linh” đã được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tái dựng với phục trang hoàn toàn mới và được các nghệ sĩ quảng bá, bán vé giúp nên diễn 3 suất đầy khán giả

Hãy để chất lượng quyết định

Trong điện ảnh Việt Nam, thông thường những suất chiếu đầu tiên sẽ quyết định số phận của bộ phim. Nếu phim thật sự hay, khán giả sẽ truyền miệng nhau và khuyên bạn bè nên xem. Trong trường hợp này, phim sẽ có nhiều cơ hội thành công - mà hiện tại Đêm tối rực rỡ là một ví dụ. Dù là phim độc lập, kinh phí thấp, nhưng đến ngày chiếu thứ tư đã có 80.000 lượt vé được bán.

Cải lương thì khác, không thể phục vụ cùng lúc trên nhiều rạp khác nhau, và một vở diễn thường sẽ được tái diễn tối thiểu 5 suất (khán giả đầy rạp) mới hy vọng hoàn vốn. Nếu tuồng hay có thể diễn vượt qua 5, 6 suất nhưng nếu tuồng dở có khi hát 1, 2 suất thì xếp kho. Đương nhiên, bầu gánh lỗ chỏng gọng.

Thời gian gần đây, các vở diễn của đoàn Huỳnh Long đã tái diễn nhiều suất và luôn đầy rạp. Điều này không phải do yếu tố nghệ sĩ năng động bán vé quyết định mà nhờ vào chất lượng vở diễn. Ý thức được việc không có nhiều ngôi sao hàng đầu, nên đạo diễn chịu khó tìm tòi sáng tạo những mảng miếng hay, diễn viên tập tuồng đến nhuần nhuyễn. Theo NSƯT Hữu Quốc, có những hôm trở về nhà sau các buổi tập công phu, anh bị khản giọng đến mức tắt tiếng, nhưng rất vui vì khi ra diễn, toàn bộ ê-kíp đã cống hiến hết mình, vai nào diễn ra vai nấy, nên khán giả bị chinh phục mua vé lần đầu sẵn sàng quay lại xem tiếp chính vở đó ở suất diễn kế tiếp, hoặc trông đợi đoàn hát tuồng mới.

Suy cho cùng, việc mong muốn khán giả đến rạp cũng bắt nguồn từ việc muốn khán giả vốn trung thành cải lương sẽ không quay lưng, còn thế hệ mới sẽ quan tâm hơn đến nghệ thuật truyền thống. Vì lẽ đó, gần đây các đoàn đã bắt đầu chú ý đến việc đầu tư tuồng mới như trường hợp của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã trình làng 2, 3 vở mới tính từ đầu năm 2022. Đoàn tư nhân như Đại Việt, Chí Linh – Vân Hà, Vũ Luân đang nỗ lực làm cho cải lương ngày càng một lung linh và hấp dẫn qua kịch bản kịch tính, trang phục lộng lẫy, bài bản hát và vũ đạo lôi cuốn. Nếu sức sống này tiếp tục duy trì, cải lương sẽ còn hy vọng.

Theo chia sẻ của người trong cuộc, thông thường, tuồng nào có nghệ sĩ ngôi sao sở hữu lượng người hâm mộ hùng hậu, nhanh chóng bán hết vé, còn tuồng có ít ngôi sao tỷ lệ vé bán ra cũng không nhiều như mong muốn.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm