Nghệ sĩ Bạch Long: Mảnh đời nhiều thăng trầm từ 2 gia tộc nghệ thuật lẫy lừng

20/09/2021 19:22 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bạch Long là hậu duệ của 2 gia tộc nghệ thuật lừng danh xứ Nam kỳ. Ông sơ (cha của ông cố) là Nguyễn Văn Sĩ, phụ trách nhạc lễ trong triều đình nhà Nguyễn. Ông từ quan về quê vùng Mang Thít (Vĩnh Long), dạy dân cung cách hát bội để trình diễn trong các lễ Kỳ yên, hoặc tế lễ. Bạch Long và em trai là NSƯT Thành Lộc giống nhau ở lòng yêu nghề, hy sinh cho sân khấu, nhưng hơi khác nhau về danh phận.

Ở tuổi 63, nghệ sĩ Bạch Long không muốn là gánh nặng của em trai Thành Lộc

Ở tuổi 63, nghệ sĩ Bạch Long không muốn là gánh nặng của em trai Thành Lộc

Hơn 60 tuổi, vẫn kiếp nhà thuê, hai bữa ăn đều là cơm hàng cháo chợ nhưng nghệ sĩ Bạch Long bằng lòng và thoải mái với cuộc sống và đam mê. Anh không muốn trở thành gánh nặng của em trai, là NSƯT Thành Lộc.

Ông cố của Bạch Long là Nguyễn Văn Luông, thành lập đoàn hát bội Phước Long Ban nổi tiếng khắp miền lục tỉnh. Ông nội là kép Hai Nở (Nguyễn Văn Nở) nổi tiếng từ những năm đầu thế kỷ 20. Cha là NSND Thành Tôn, một ngôi sao sáng của hát bội thập từ niên 1940, về sau ông trở thành một tượng đài của nghệ thuật cải lương.

Ông bà cố bên ngoại của Bạch Long là 2 nghệ sĩ Vĩnh - Xuân. Ông ngoại anh là bầu Thắng đầy quyền lực của gánh hát Vĩnh Xuân. Mẹ ruột anh là nghệ sĩ Huỳnh Mai nổi danh một thời. Câu ruột là nghệ sĩ tài danh Minh Tơ, người về sau thành lập đại bang cải lương tuồng cổ Minh Tơ nổi tiếng khắp Việt Nam. Chị ruột là nghệ sĩ Bạch Lê, một ngôi sao cải lương hàng đầu của thập niên 1970 - 1980. Các chị còn lại là Bạch Lựu, Bạch Lý đều là những nghệ sĩ có tiếng.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Bạch Long

Số khó từ khi mới chào đời

Bạch Long có tên đầy đủ là Nguyễn Thành Tùng. Ngay khi mới lọt lòng anh thường đau bệnh, vặt vẹo, nên cha mẹ sợ chết non, nhờ một người bà con nuôi hộ. Anh phải gọi cha và mẹ là anh chị, như một cách đánh lạc hướng… thần chết. Lạ thay, kể từ đó, anh khỏe mạnh. Dẫu không nhận con, nhưng Thành Tôn và Huỳnh Mai rất quan tâm, nuôi dạy chu đáo. Họ mong anh và các con còn lại tập trung học văn hóa, không muốn cho ai theo nghề hát, bởi vì cuộc đời nghệ thuật mà họ trải qua quá nhiêu khê và nhọc nhằn.

Thế nhưng, vì được sống trong không gian nghệ thuật nên Thành Tùng vẫn bị hút vào các buổi tập hát, buổi diễn của các nghệ sĩ trong gia đình. Anh thuộc lòng nhiều vai, được cho lên sân khấu từ hồi mới 5-6 tuổi.

Chú thích ảnh
Bạch Long luôn đau đáu với cải lương tuồng cổ

Sau năm 1975, Thành Tùng hát cho đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Trong một suất diễn, có một khán giả râu tóc dài bạc phơ, gặp anh sau hậu trường. Vị khán giả này nói với anh rằng anh hát hay, nhưng cái tên nghe không ấn tượng, hãy đổi nghệ danh đi. Anh xin người đó đặt cho anh tên mới nhưng người đó nói, anh hãy tự đặt cho mình. Anh bèn lấy chữ Bạch của các chị kết hợp với chữ Long của thần tượng Lý Tiểu Long. Từ đó, nghệ danh Bạch Long ra đời.

Lạ thay, sau đó, từ khoảng năm 1982, anh vụt sáng với các vai Phù Đổng trong tuồng Phù Đổng thiên vương, Kim Đồng trong tuồng Kim Đồng, tướng Phạm Cự Chích trong tuồng Bão táp nguyên phong… Lúc Bạch Long nổi tiếng, em trai Thành Lộc vẫn còn trẻ quá, chưa có cơ hội tỏa sáng.

Thời gian qua đi, một sự kiện đã khiến cuộc đời nghệ thuật của Bạch Long rẽ hướng. Trong đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ thời ấy có Hề Xấu rất duyên dáng. Ông bị bệnh nên ông bầu kiêm cậu ruột Minh Tơ yêu cầu Bạch Long thế vai lính nhứt trong tuồng Thanh gươm và nữ tướng, nói về khí phách của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Anh suy nghĩ cách diễn làm sao khác với Hề Xấu, vậy là ra chiêu hài nói lặp vần. Vai diễn của anh thành công xuất sắc. Về sau, Hề Xấu được đoàn khác mời với mức lương cao hơn, Bạch Long đảm nhiệm vai hề thế chỗ cho đến sau này. Lối diễn với ngoại hình quái kiệt và lối nói lặp vần của anh đã trở thành một phong cách đặc thù.

Vào thập niên 1990, khi cải lương video ăn khách từ trong nước tới hải ngoại, Bạch Long kiếm được nhiều tiền và tên tuổi càng tỏa sáng. Rồi có lần, một biên tập viên của Đài Truyền hình TP.HCM mời anh dựng vở kịch thiếu nhi Cóc kiện trời nhân dịp nghỉ Hè, phục vụ thiếu nhi. Anh xin vị biên tập ấy chuyển thể sang cải lương và gom hết các con em nghệ sĩ như Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Bình Tinh… cùng nhiều diễn viên nhí khác tập luyện. Vở cải lương thiếu nhi Cóc kiện trời do Bạch Long đạo diễn thành công rực rỡ. Thế là nhà đài yêu cầu anh dựng hàng loạt vở kế tiếp, tiếp tục làm khán giả say mê.

Chú thích ảnh

Vô ưu với các thăng trầm

Chủ rạp hát Đại Đồng thấy chương trình cải lương thiếu nhi của Bạch Long quá thành công, đã mời anh mang ra hát tại sân khấu. Kể từ đó, Đoàn cải lương Đồng Ấu Bạch Long ra đời. Anh dùng hết tiền dành dụm được để nuôi đoàn hát. Đến năm 1996, cải lương đuối sức, ông bầu Bạch Long hết vốn, đoàn ngưng hoạt động. May thay, những học trò của anh như Vũ Luân, Tú Sương, Quế Trân, Bình Tinh… ngày càng trưởng thành. Họ trở thành những ngôi sao thế hệ mới và trong đó nhiều người đã được phong danh hiệu NSƯT. Tất cả học trò đều ghi ơn và cư xử với anh một lòng tôn trọng. Đó là niềm an ủi lớn nhất đời anh.

Cải lương kiệt sức, Bạch Long rơi vào cảnh thất nghiệp. Có lúc anh không còn tiền ăn, phải bán từng món đồ trang sức. Thậm chí có những tháng không còn đồ giá trị để bán, anh chấp nhận nằm co ro trong phòng trọ chịu đói. Trong lúc anh chấp chới giữa dòng đời, NSƯT Thành Lộc - đang là giám đốc nghệ thuật sân khấu IDECAF, vẫn không đánh tiếng mời anh về cộng tác. Lý do, mỗi người trong gia đình đều đã trưởng thành, có danh tiếng, có cái tôi và hướng đi riêng.

Bản thân Thành Lộc, có lẽ, không muốn mang tiếng là ưu ái cưu mang người nhà. Thế nhưng, đạo diễn Hùng Lâm khi dựng vở kịch Ba chàng ngự lâm cho IDECAF, thì đã mời. Vì trong đó có nhân vật phù hợp với lối diễn và ngoại hình Bạch Long, nên diễn rất thành công. Kể từ đó, Bạch Long tạo dấu ấn đậm nét tại sân khấu IDECAF qua tính cách hài, được sự yêu thương sâu sắc của khán giả nhí qua chương trình Ngày xửa ngày xưa.

Giờ đây, Bạch Long đã ngoài 60, nhưng vẫn ở nhà thuê, không có tài sản và tiền bạc, độc thân, không con cái. Nhiều khán giả thân thương bày tỏ sự lo ngại cho anh, nhưng anh vẫn bình tâm, vì anh quan niệm đời là cõi tạm, tất cả chỉ là phù du. Chết là hết, mà ai cũng sẽ chết, không níu giữ và mang theo được gì. Dù trong tận cùng khó khăn, anh vẫn hy vọng có một cơ hội để góp sức, làm cho cải lương, đặc biệt cải lương tuồng cổ có dịp hồi sinh.

Dịch bệnh bùng phát, sân khấu đóng cửa, anh càng khó khăn hơn. Lúc này, các học trò của anh và các nghệ sĩ như Đại Nghĩa, Nguyễn Quang Dũng, Lê Minh, Ngọc Linh… thường xuyên hỗ trợ nhu yếu phẩm. Sự quan tâm đó khiến anh cảm động. Vậy mà đến ngày giỗ tổ 12/8 Âm lịch 2021, có được chút tiền, anh liền đặt mua một con heo quay, bày mâm cúng trang trọng. Bởi vì với anh, tổ nghiệp sân khấu là thiêng liêng nhất.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm