Một trong những thành phố đẹp nhất Đông Nam Á

08/07/2010 06:31 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Tròn ba năm Mr. Cesare Bieller, Bí thư thứ nhất, Trưởng Phòng Văn hóa, Chính trị - Đại sứ quán Italia, sống tại Hà Nội. Có mặt tại Việt Nam từ tháng 6/2007, cũng là lần đầu đặt chân đến châu Á, Cesare Bieller lãnh chức vụ ngoại giao lần đầu tiên trong đời. “Đó là cả một niềm cảm xúc lớn lao” - anh tâm sự.

* Cùng với cảm xúc đó, anh có kịp tìm hiểu gì về thành phố này trước khi đến không?

- Trước đó tôi không biết nhiều về Hà Nội, nhưng những người bạn tôi từng đến Việt Nam đã kể cho tôi những điều rất thú vị về thành phố này, điều ấy đã thúc đẩy tôi tới nơi đây. Đặc biệt là họ nói với tôi về bản sắc rất mạnh cũng như tính năng động của đời sống văn hóa của Hà Nội. Họ bảo tôi: “Ở Hà Nội nhất định anh sẽ thích lắm đấy".


Cesare Bieller và chiếc Vespa trên đường phố Hà Nội
* Thế anh có thấy điểm chung gì giữa thủ đô của chúng tôi và thủ đô Rome của anh không?

- Điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất, cả hai thành phố đều đã có hơn 1.000 năm tuổi!

* Gần 1.100 ngày sống và làm việc tại Hà Nội, những điều gì đã ở lại trong anh?

Cesare Bieller đã tham gia tổ chức nhiều sự kiện văn hóa của Đại sứ quán Ý tại Hà Nội như các chương trình: Mùa Thu nước Ý; Hòa nhạc piano của nghệ sĩ Gabriele Carcano tại Hà Nội; Múa đương đại vở I Bislacchi. Omaggio a Fellini; Hòa nhạc piano của nghệ sĩ Gabriele Carcano tại TP.HCM và Hà Nội; Giới thiệu cuốn Nỗi cô đơn của các số nguyên tố và giao lưu cùng tác giả Paolo Giordano và Giới thiệu bản dịch tiếng Việt cuốn Nữ công tước Marianna Ucria của tác giả Dacia Maraini cùng phối hợp với Nhã Nam xuất bản, Múa đương đại do đoàn OPLAS Danza biểu diễn… Và gần đây nhất là buổi Hòa nhạc của nghệ sĩ cello Giovanni Sollima và nhạc sĩ, nghệ sĩ piano Vũ Nhật Tân (13/6)…

- Tôi sống ở Hà Nội từ ba năm nay và tôi cũng đã đi lại rất nhiều nơi tại Việt Nam trong những năm ấy. Tôi thấy Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất của cả vùng Đông Nam Á. Theo tôi, thành phố Hà Nội cần phát triển nhưng không được lãng quên bản sắc riêng của mình, cái đó mới là di sản thực thụ cần được bảo vệ, thế nhưng thật đáng tiếc là điều này thường xuyên không được làm tốt, nhất là trong quãng thời gian này, khi ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đang tiến đến gần.


Tôi rất yêu quý Hà Nội: những đường phố nhỏ ở khu phố cổ, các màu sắc, những người phụ nữ bán trái cây, các loại kiến trúc kỳ lạ nhưng chắc chắn là đã tạo ra được những địa điểm gây choáng váng, rất đáng kinh ngạc.

Phần lớn người Việt Nam rất thân thiện, nhưng đôi khi một người nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong việc có được liên hệ với người Việt Nam, có khả năng là vì lý do ngôn ngữ, nhưng cũng còn là vì một sự nghi kỵ nào đó vẫn còn tồn tại ở người Việt Nam, đối với những người nước ngoài.

* Ngoài sự nghi kỵ nào đó còn tồn tại mà anh đã cảm nhận, điều gì khiến anh thấy thích thú khi sống và làm việc ở Hà Nội?

- Ở Hà Nội tôi rất thích đi dạo trong thành phố, nhất là khu phố cổ, không chỉ là đi bộ, mà còn là đi bằng xe Vespa nữa. Tôi không bao giờ rời khỏi chiếc xe Vespa của tôi và các bạn Việt Nam của tôi nói tôi cũng giống như họ vì lúc nào tôi cũng đi xe máy. Tôi cũng thường xuyên đến thăm các nghệ sĩ, tham quan xưởng vẽ của họ. Tôi thích trò chuyện với họ, vừa trò chuyện vừa uống cà phê, nghe họ nói về các dự án mới của họ. Gần như ngày nào tôi cũng ăn đồ ăn Việt Nam nhưng thỉnh thoảng tôi cũng đi ăn ở các quán Italia để giới thiệu đồ ăn Italia cho các bạn Việt Nam cũng như các bạn nước khác.

Hà Nội có một sự năng động đặc biệt của cuộc sống và người dân ở đây có mối quan tâm khá đặc biệt tới các hoạt động văn hóa, trong đó có cả văn hóa Ý. Đây là một địa điểm thực sự gây hào hứng và rất có lợi cho các dự án mới. Mọi buổi diễn, mọi hoạt động mà người ta tổ chức đều đông kín người, luôn luôn phải kê thêm ghế ngồi!

Về văn hóa ở đây, tôi rất thích các kỹ thuật truyền thống như sơn mài, hoặc thư pháp. Tôi cũng thích văn chương, rất thú vị nhưng nhiều khi thật là khó, nhất là vì không phải lúc nào người ta cũng có thể tìm được bản dịch ra các thứ tiếng nước ngoài.

* Đại sứ quán Italia đã có nhiều hoạt động giao lưu về âm nhạc gây chú ý, đặc biệt thông qua các chương trình của các nhạc sĩ Italia tài năng mà các nghệ sĩ/ nhạc sĩ Việt Nam có dịp cùng biểu diễn. Anh có nhận xét gì về các nghệ sĩ/ nhạc sĩ Việt Nam?

- Ở đây tôi biết một số nghệ sĩ thực sự tài năng nhưng không phải lúc nào họ cũng có được các điều kiện tốt nhất để thể hiện và chứng tỏ khả năng sáng tạo của mình. Ngược lại, lẽ ra cần phải khuyến khích họ hết sức, bởi vì họ chính là hiện thân của tương lai văn hóa Việt Nam. Tôi nghĩ đến các nhạc sĩ Trí Minh và Vũ Nhật Tân, cùng nhiều người khác nữa.


Phố Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái
* Sống ở Hà Nội trong thời gian dài như vậy và tham gia tổ chức rất nhiều các hoạt động giao lưu văn hóa Italia - Việt Nam tại Hà Nội, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm đưa văn hóa Italia - một loại hình văn hóa còn mới mẻ - vào Việt Nam, cụ thể là với công chúng ở Hà Nội như thế nào để đạt hiệu quả?

- Cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất để đưa văn hóa Italia vào Việt Nam là làm cho người dân ở đây hiểu được trình độ rất cao của các nghệ sĩ Italia, và nhất là tìm ra một cách thức để mỗi lần lại thu hút được một dạng công chúng khác nhau. Hoạt động văn hóa của Đại sứ quán không muốn chỉ chăm chăm dành cho những ai yêu thích nhạc cổ điển, mà còn mở rộng ra cho thanh niên, cho những người mê điện ảnh… Chúng tôi muốn thỏa mãn những mối quan tâm đa dạng của công chúng và chính vì vậy mà chúng tôi tìm cách thực hiện các dự án ở rất nhiều khía cạnh. Và, cuối cùng, công chúng lúc nào cũng ở đó!

* Thông qua các hoạt động văn hóa cụ thể này, anh có nhận xét gì về thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng Hà Nội?

- Chúng tôi đã làm việc với quyết tâm rất cao nhằm mang tới Việt Nam các nhân vật hàng đầu của bức tranh văn hóa Italia, như các nhà văn Dacia Maraini và Alessandro Baricco, ca sĩ Francesca Patané, các nhạc sĩ xuất chúng như Gabriele Carcano và Giovanni Sollima, những người đã làm công chúng Việt Nam say sưa mê đắm. Thậm chí Gabriele Carcano đã chơi nhạc trước Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, ông đã hết sức hào hứng thưởng thức tài nghệ của tài năng trẻ tuổi này.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng lĩnh vực tổ chức sự kiện văn hóa ở Việt Nam còn chưa được tổ chức tốt lắm. Tôi muốn nói rằng việc tổ chức các sự kiện đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và, để làm được tốt nhất, cần phải có được một khuôn khổ, một môi trường phát triển hơn, chuyên nghiệp hơn. Còn rất nhiều sự cẩu thả, nghiệp dư. Nhưng, trong vòng ba năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi và tôi nghĩ công chúng Việt Nam ngày càng có ý thức hơn, ngày càng chăm chú hơn đối với các chương trình biểu diễn có chất lượng, thậm chí họ còn sẵn sàng bỏ tiền để được xem, giống như mọi nơi khác trên thế giới.

* Khi rời xa Hà Nội, điều làm anh nhớ nhất là gì?

- Chắc chắn là tôi sẽ luôn luôn nhớ cuộc sống sôi động và hấp dẫn của các phố phường nhỏ tại Hà Nội, tới đặc điểm đầy năng động của người Việt Nam tới đồ ăn Việt Nam tuyệt vời, tới vẻ duyên dáng của áo dài. Thật là nhiều hình ảnh và khoảnh khắc không thể nào quên! Bên cạnh đó tôi cũng sẽ nhớ mãi những kỷ niệm không dễ chịu bằng, ví dụ như việc phá bỏ đi một phần kiến trúc truyền thống của Hà Nội, thế nhưng chính đó lại là một phần sự phong phú của thành phố. Rất nhiều khi tôi thấy hiện lên trước mắt mình những “lỗ thủng” đúng ở chỗ đã từng có các địa điểm tuyệt đẹp.

* Xin cảm ơn anh
Còn 14 tuần nữa

Hòa cùng cả nước đếm ngược thời gian hướng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (10/2010), hãy cùng TT&VH Cuối tuần khám phá lại một “Hà Nội mến yêu” từ những góc nhìn “lạ”, những góc nhìn từ “bên ngoài”, của những người không biết nói “tiếng Hà Nội”, nhưng họ đã, hoặc tình cờ, hoặc bị thu hút, đến với thành phố này, khám phá nó. Góc nhìn Hà Nội của người nước ngoài, phần nào cho chúng ta thấy một Hà Nội khác, một Hà Nội không còn chỉ của riêng người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn là một thành phố của con người.


Việt Quỳnh(thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm