'Mọt' Tam quốc - Phong vũ Kinh châu: Kinh châu về tay ai?

19/11/2018 20:14 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hiếm có vùng đất nào nhiều biến động như thế trong thời Tam quốc. Đó là nơi Tào, Tôn, Lưu đều nhất nhất phải có được để dựng nghiệp bá vương. Là nơi ba nhà Ngụy, Thục, Ngô giành giật nhau suốt mấy chục năm trời kể từ khi thế chân vạc hình thành. Là nơi gắn với hàng loạt đối sách ngoại giao kinh điển và những trận giao binh đẫm máu nhất trong thời Tam quốc.

'Mọt sách, mọt sử, mọt phim': Hành trình khổ ải của những 'con mọt Tam quốc'

'Mọt sách, mọt sử, mọt phim': Hành trình khổ ải của những 'con mọt Tam quốc'

Sẽ không bao giờ, cái thú lâu đời đọc và bàn Tam quốc mất đi, trong xã hội Việt Nam nói riêng cũng như tại các nước “đồng văn” Đông Á nói chung. Nhưng, chục năm qua, không còn dừng ở chuyện trà dư tửu hậu tìm vui, “luận Tam quốc” với nhiều độc giả đã chuyển sang dáng dấp của những hành trình tìm hiểu nghiêm túc và công phu về những tồn nghi vẫn luôn hiện hữu trong pho sách này.

Và, lịch sử phân tranh ở Kinh châu chính là lịch sử của một Tam quốc thu nhỏ.

“Tháp Thượng sách” gặp “Long Trung sách”

Độc giả Tam quốc diễn nghĩa vẫn biết tới vị trí chiến lược của Kinh Châu qua Long Trung sách vô cùng nổi tiếng mà Gia Cát Lượng từng vạch ra cho Lưu Bị. Khi ấy, lận đận hơn nửa đời vẫn chưa có mảnh đất dung thân, Lưu Bị không ngại khuất thân tìm tới lều cỏ cầu hiền.

Không phụ lòng ông, Gia Cát Lượng chỉ rõ: Tào Tháo rất giỏi, hơn nữa hiện giờ rất mạnh, không thể tranh nổi. Tôn Quyền chiếm giữ Giang Đông đã lâu, chỉ có thể là đồng minh, không thể là kẻ địch. Kinh châu đất đai màu mỡ rộng lớn có vị trí then chốt, là chỗ cần phải lấy. Ích châu hiểm yếu, là kho lúa của thiên hạ, cũng cần phải lấy. Có được Kinh Ích rồi, đợi lúc “thiên hạ có biến”, binh phân hai đường tiến thẳng lên phương bắc thì Hán thất có thể phục hưng.

Chú thích ảnh
Gia Cát Lượng, tác giả của “Long Trung sách” (phải) và Lỗ Túc, tác giả của “Tháp Thượng sách” (trái). Ảnh trong phim “Tam quốc diễn nghĩa” (2010)

Ngồi ở lều tranh tại Long Trung mà vạch ra sách lược định thiên hạ, Gia Cát Lượng cho thấy lịch sử sau này đã diễn biến đúng theo tầm nhìn của ông. Cái tên Long Trung sách (đối sách Long Trung) cũng do vậy mà thành.

Nhưng ít người biết, bảy năm trước khi Long Trung sách được trình bày, một câu chuyện tương tự cũng đã diễn ra trong cảnh quân thần tương ngộ ở Đông Ngô. Và một sách lược với tầm nhìn không kém gì Long Trung sách cũng xuất hiện, với cái tên Tháp Thượng sách.

Thời điểm ấy, Tôn Quyền vừa trở thành Ngô chủ, Lỗ Túc được Chu Du tiến cử lên ông. Lỗ Túc nói: Tào Tháo thế mạnh không thể đánh được, Giang Đông chỉ có thể cùng Tào Tháo, Lưu Biểu làm thế chân vạc. Sau đó nhân lúc phương bắc rối loạn mà đánh Hoàng Tổ, chiếm Trường Giang làm vốn liếng tranh thiên hạ.

Cổ sử Trung Quốc ghi: ở buổi gặp đó, hai người cùng ngồi trên giường hẹp đối ẩm, quân thần tương đắc. Để đối xứng với một Long Trung sách quá ư nổi tiếng, giới nghiên cứu Tam quốc gọi kế sách của Lỗ Túc là Tháp Thượng sách (Tháp là cái giường nhỏ, Tháp Thượng chỉ hoàn cảnh hai người đang ngồi trên giường). Tháp Thượng sách sau này được bổ chú bởi Cam Ninh, đại tướng Giang Đông. Ninh nói phá được Hoàng Tổ thì có thể diệt Lưu Biểu, thu hết đất ở phía tây, rồi dần dần đánh lấy Ba Thục.

Dĩ nhiên lúc Lỗ Túc đưa ra Tháp Thượng sách thì Lưu Bị còn chưa đặt chân đến Kinh châu, do vậy đối sách này chưa nhắc tới vai trò của ông. Nhưng không hẹn mà gặp, một người ngồi trên giường nhỏ, một người ở lều tranh, cả Lỗ Túc và Gia Cát Lượng đều gặp nhau ở quan điểm: khi chưa thể trực diện tranh hùng với Tào Tháo, việc trước mắt phải là đoạt Kinh Châu.

Và tất nhiên, Tào Tháo cũng rất muốn lấy Kinh Châu với chuyến chinh phạt phương nam để hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ. Mảnh đất ấy bỗng trở thành đầu mối cho hàng loạt tranh chấp giữa ba lực lượng quân sự này.

Chú thích ảnh
Bản đồ Kinh châu thời Tam Quốc

“Ngã ba đường” của thiên hạ

Vì sao Kinh châu lại quan trọng như vậy?

Kinh châu là một trong mười hai châu cuối thời Đông Hán, cũng chính là đất cũ của nước Sở ngày trước nên còn được gọi là vùng Kinh Sở. Về vị trí, Kinh châu phía bắc giáp với Dự châu và bộ Tư Lệ (vùng Tam Phụ, chỉ khu vực quanh Lạc Dương), phía đông giáp với Dương Châu (đất Giang Đông), phía tây giáp với Ích châu (đất Xuyên Thục).

Lẽ thường khi tiếp giáp với nhiều khu vực sẽ rất thuận lợi để phát triển kinh tế đầu mối thông thương. Nhưng nếu xét trên yếu tố quân sự điều này rất xấu, bởi biên giới dàn trải càng nhiều, lực lượng chiếm giữ càng dễ rơi vào thế tứ bề thọ địch.

Có thể lấy ví dụ về Lạc Dương. Lạc Dương quả là trung tâm của thiên hạ, nhưng bốn phía trống trải, Đổng Trác vào Lạc Dương liền bị chư hầu vây đánh đến nỗi phải dời về Trường An. Tào Tháo cũng gặp trường hợp tương tự như vậy. Buổi đầu khởi nghiệp ở hai châu Duyện, Dự, ông ta phía trái gặp Lã Bố, phải có bọn Lý Thôi, Quách Dĩ, trên có Viên Thiệu, Trương Dương, dưới có Trương Tú, Lưu Biểu, hoàn cảnh có thể tóm gọn trong bốn chữ “khổ không thể tả”.

Nhưng Kinh châu không hề có những điểm yếu ấy mà trái lại, còn là một vị trí hết sức chiến lược về mặt quân sự. Địa hình đặc biệt khiến vùng đất này giống như một cái túi lớn với bình nguyên Giang Hán và bình nguyên Động Đình Hồ trù phú ở giữa, ba mặt xung quanh đều là núi non bao bọc trùng điệp, ra vào cực kỳ khó khăn. Phía tây là dãy Đại Ba sơn đỉnh đỉnh chập chùng, cao sơn thâm cốc liên miên bất tuyệt ngăn cách với Ích châu. Bên phải là Đại Biệt sơn và Đồng Bách sơn, trong đó Đại Biệt sơn chạy dọc theo Trường Giang đến gần phụ cận Hợp Phì, hai dãy núi này tạo nên một bức trường thành tự nhiên đem Trung nguyên và vùng lưỡng Hoài chắn ở bên ngoài. Từ đó, bên ngoài muốn xâm nhập vào Kinh châu chỉ có thể đi qua bằng ba chiếc miệng túi, lực lượng chiếm giữ chỉ cần thủ chặt ba nơi này là có thể kê cao gối ngủ yên.

Miệng túi ở phía bắc là Tương Dương, cũng chính là lộ tuyến mà Tào Tháo đã đi qua trong chuyến chinh phạt Lưu Biểu. Và ngược lại, chỉ cần chiếm được Tương Dương - điều mà Quan Vũ đã gắng làm trong những năm cuối của đời mình - là có thể mở toang cánh cửa tiến vào Trung Nguyên rộng lớn. Khi ấy, phía phương Bắc của Tào Tháo sẽ rất khó biết được các lực lượng tấn muốn nhắm vào đâu nên chỉ có thể co cụm phòng thủ một cách bị động.

Miệng túi ở phía tây chính là Di Lăng - lối ra vào của vùng Trường Giang tam hiệp hiểm yếu - lộ tuyến thông sang Tây Thục. Vì vậy sau này khi để mất Kinh châu, Tôn - Lưu đại chiến phải xảy ra ở nơi này.

Chiếc miệng túi cuối cùng là khu vực Xích Bích ở quận Giang Hạ phía đông Kinh châu. Chỉ cần vượt qua thiên hiểm Trường Giang ở đây là có thể thuận lợi tiến vào Giang Đông. Do đó, không có gì lạ khi ba đời Giang Đông đều cùng với Hoàng Tổ tranh chấp Giang Hạ, mà phòng tuyến kháng Tào cũng thuận lý thành chương lập ra ở Hạ khẩu, Xích Bích.

Bởi vì vị trí địa lí và địa hình tự nhiên hết sức đặc thù như thế, Kinh Châu vẫn được các lực lượng quân sự thời Tam quốc gọi là “ngã ba thiên hạ”. Có được Kinh Châu với vị trí chiến lược cùng sản vật cực kỳ phong phú, thủy nông nghiệp phát triển, dân cư đông đúc, đó là vốn liếng quý để “tiến có thể tranh hùng ở Trung Nguyên, lui có thể tự giữ một phương” như nhiều bậc trí giả nhận xét.

Và sau hơn chục năm thanh bình dưới thời Lưu Biểu, cơn phong vũ ở Kinh châu với chuyến Nam hạ của Tào Tháo sau đại chiến Quan Độ đã kéo tới.

Chiến trường lớn thời Tam Quốc

Kinh châu là nơi diễn ra ba trận đại chiến quyết định cục diện Tam quốc sau này. Đó là trận Xích Bích – nơi giấc mộng thống nhất thiên hạ của Tào Tháo tan thành mây khói, thế chân vạc hình thành. Là chiến dịch Tương – Phàn, đỉnh cao và vực thẳm trong sự nghiệp Quan Vũ, đánh dấu sự sup đổ của Long Trung sách, khiến giấc mộng phục hưng Hán thất tiêu tan. Và cuối cùng là chiến dịch Hào Đình, nơi ngọn lửa của Lục Tốn đốt trụi hi vọng báo thù của Lưu Bị đồng thời cũng xác lập luôn đại thế của phương Bắc với 2 nước Thục, Ngô trong những năm còn lại.

Kỳ 2: “Mọt” Tam Quốc (kỳ 2) - Phong vũ Kinh Châu: Hậu Xích Bích

Trần Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm