'Mọt' Tam quốc - Bí ẩn Ngụy Diên (Kỳ 2): 'Tử lộ' xuyên Tần Lĩnh

28/01/2019 19:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đề xuất chọn Tý Ngọ cốc của Ngụy Diên bắt nguồn từ một thực tế: vượt Tần Lĩnh là thử thách đầu tiên trong lần Bắc phạt thứ nhất năm 228 của Thục Hán.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

'Mọt' Tam quốc - Bí ẩn Ngụy Diên (Kỳ 1): Tý Ngọ cốc - câu đố ngàn năm

'Mọt' Tam quốc - Bí ẩn Ngụy Diên (Kỳ 1): Tý Ngọ cốc - câu đố ngàn năm

Đó là câu chuyện về một trong nhữnghổ tướng xuất sắc nhất và có thân phận cũng cay đắng nhất thờiTam Quốc.Dũng mãnh hơn người, quân công lừng lẫy, vậy nhưng nghi án “mưu phản” vẫn trùm lên cái tên Ngụy Diên trong những trang Tam quốc diễn nghĩa đến tận bây giờ…

Chục năm trước đó, sau đại chiến Hán Trung, Tào Tháo đã lùi về đồng bằng Quan Trung, thủ vững tại Trường An, biến dãy Tần Lĩnh trùng điệp thành phòng tuyến tự nhiên chia cắt hai nhà Thục, Ngụy.

Tần Lĩnh lục đạo, Tý Ngọ vi vương

Điều ấy gián tiếp xác lập nên cục diện giao tranh giữa Thục, Ngụy trong suốt những năm sau này. Muốn hạ Trường An, Thục quân ắt phải vượt Tần Lĩnh để bước chân vào đồng bằng Quan Trung theo hướng Đông Bắc. Ngược lại, muốn Nam tiến, quân Ngụy từ Trường An cũng phải xuyên qua Tần Lĩnh để thâm nhập bồn địa Hán Trung.

Để xuyên qua thiên hiểm Tần Lĩnh, có 6 con đường được gọi là “Tần Lĩnh lục đạo”. Ngoại trừ đường Nghĩa Cốc đến thời sau mới có và đường Vũ Quan đạo nối sang Kinh Châu, 4 con đường còn lại đều nối liền hai bồn địa Hán Trung và Quan Trung theo thứ tự từ Tây sang Đông: Trần Thương đạo, Bao Tà cốc, Thảng Lạc cốc, Tý Ngọ cốc. Trong đó, Trần Thương đạo cách xa Trường An nhất, còn Tý Ngọ cốc nằm ở cực Đông và gần Trường An nhất.

Chú thích ảnh
Dấu tích một đoạn sạn đạo qua Tý Ngọ cốc tại Thiểm Tây, Trung Quốc

Và trong lịch sử Tam Quốc, đa phần những đợt tiến binh của các lực lượng quân sự đều gắn với 3 con đường phía Tây, ngoại trừ Tý Ngọ cốc.

Điển hình, Trần Thương đạo là con đường gắn với tích “Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương” của Hàn Tín thời Tây Hán. Thời Tam quốc, đây chính là lộ tuyến Khổng Minh sử dụng trong lần Bắc phạt thứ hai, và cũng là con đường hành quân của Tào Tháo khi bình định Trương Lỗ năm 215.

Bao Tà cốc (phía Nam là Bao cốc, phía Bắc là Tà cốc) dài gần 500 dặm, là con đường được sử dụng nhiều nhất trong giao binh Thục - Ngụy. Khổng Minh trong lần Bắc phạt đầu tiên và cuối cùng đều đi đường này. Ngược lại, Tào Tháo, Tào Chân và cuối cùng là Chung Hội cũng đều cử đại binh Nam tiến qua đây.

Cuối cùng, Thảng Lạc cốc (phía Nam là Thảng cốc, phía Bắc là Lạc cốc), dài hơn 400 dặm, là lộ tuyến yêu thích nhất của quân Ngụy trong những lần tiến đánh Hán Trung với các đợt tiến quân của Chung Hội, Tào Sảng và Hạ Hầu Huyền. Ngược lại, về phía Thục, Khương Duy cũng từng đi con đường này ra Trầm Lĩnh, Mang Thủy để phạt Ngụy.

Vậy tại sao Tý Ngọ cốc lại gần như không được sử dụng trong các xung đột quân sự Thục - Ngụy?

Đơn giản, giống như câu “Tần Lĩnh lục đạo, Tý Ngọ vi vương” được truyền khẩu trong lịch sử Trung Quốc, đó là con đường xuyên Tần Lĩnh dài nhất (660 dặm), khó đi và hiểm trở nhất - cho dù cũng đến được gần Trường An nhất (đầu phía Bắc là huyện Đỗ, cách Trường An chỉ hơn 100 dặm).

Trước đề xuất của Ngụy Diên, chưa có ai thử hành quân bằng con đường này. Và sau Diên, cũng chỉ có Tào Chân, Đại tư mã nhà Ngụy, mở chiến dịch phạt Thục vào năm 230. Theo Tam quốc chí, chiến dịch ấy bất thành do mưa dầm liên miên, lương thảo hư hại và đặc biệt là “sạn đạo” bị cắt đứt.

Cần nói thêm, trong lịch sử Trung Quốc thời kỳ đầu, “sạn đạo” là những con đường phải dùng ván gỗ lát làm cầu để vượt qua các lũng núi cheo leo. Các tư liệu ghi lại cho thấy: lần gần nhất “sạn đạo” qua Tý Ngọ cốc được tu bổ là thời Hán Bình đế, khi Vương Mãng cho thông lại con đường này vào năm 05. Như thế, đến thời điểm Bắc phạt của Khổng Minh và Ngụy Diên, đường qua Tý Ngọ cốc đã có hơn 200 năm nằm trong tình trạng hoang phế.

Chú thích ảnh
Vị trí 3 lộ tuyến xuyên Tần Lĩnh: Trần Thương đạo, Bao Tà cốc và Tý Ngọ cốc

“Kỳ mưu” vượt quá sức người

So sánh khoảng cách giữa thực tế và ý tưởng, có thể khẳng định: viễn cảnh được Diên vẽ ra đã vượt quá sức người thường.

Tý Ngọ cốc không hề là một con đường “bí mật” trong lịch sử Tam Quốc. Từ nhiều năm trước, trong loạn Mã Siêu - Hàn Toại, đã có đến mấy vạn hộ dân Quan Tây theo đường Tý Ngọ cốc chạy vào Hán Trung tị nạn theo con đường này.

Nghĩa là, không thể có chuyện quân Ngụy quên “để mắt” trông chừng hướng tiến quân này. Chỉ cần có chút đầu óc, chỉ huy phòng tuyến Trường An sẽ luôn tính đến chuyện phòng bị cẩn mật ở Tý cốc (đầu phía Bắc của cốc đạo này). Dựa vào địa hình hiểm trở, việc phòng thủ sẽ rất dễ triển khai trước đạo quân Thục Hán từ phía Nam (Ngọ cốc) muốn Bắc tiến.

Do vậy, thành công trong đề xuất của Ngụy Diên không thể chỉ trông đợi vào sự chủ quan của quân Ngụy. Điểm quan trọng nhất trong kế hoạch này là sự thần tốc trong việc tiến binh. Theo đó, cánh quân của ông phải gấp rút vượt núi, thậm chí phá vỡ những chốt phòng thủ tiền tiêu nếu có trên lộ tuyến này, rồi tiếp cận Trường An trước khi quân Ngụy kịp dồn về bịt lối.

Như thế, chìa khóa mở ra thành công cho Ngụy Diên được đặt vào tốc độ “mười ngày tiến binh”. Để vượt qua đoạn đường dài 660 dặm (khoảng 330km), quân Thục phải trèo đèo vượt suối, vừa đi vừa sửa sang sạn đạo trong một cốc khẩu cực kỳ chật hẹp, sao cho mỗi ngày hành quân được 33km.

Đó là điều tuyệt đối không thể nếu nhìn vào sức người. Đặc biệt, nguy cơ mưa dầm, sạt lở bất thường trong cốc luôn có khả năng phá vỡ đường sạn đạo hoang phế. Thực tế, năm 230, Tào Chân khi đánh Thục cũng đã gặp mưa dầm, mất hơn 30 ngày hành quân trong Tý Ngọ cốc rồi phải quay về.

Chưa hết, với kỳ vọng của Diên, sự xuất hiện bất ngờ và mau lẹ của Thục quân sẽ tạo ra một cú sốc tinh thần cho Hạ Hầu Mậu - như lời ghi trong Tam quốc chí là “Mậu nghe tin Diên đến bất chợt, tất cưỡi thuyền chạy trốn”. Từ đó, Thục quân mới dễ dàng chiếm giữ Trường An, rồi hội quân với nhánh quân còn lại để “một lần cất tay mà từ Hàm Dương sang Tây có thể định”.

Đặt cược sự thành công của trận đánh vào một giả định hết sức mơ hồ là “tướng địch bỏ chạy”, hiển nhiên là Ngụy Diên không thể thuyết phục được Khổng Minh.

Bởi, đặt trường hợp ngược lại, Hạ Hầu Mậu hoàn toàn có thể dồn quân cố thủ, thay vì “bỏ thành mà chạy” như Diên mong đợi. Thực tế, quân số 5 ngàn người của Diên là quá ít so với vài vạn quân trấn thủ tại một trọng điểm như Trường An.

Chưa kể, khi hành quân gọn nhẹ, bí mật trên một con đường chật hẹp với kỳ vọng 10 ngày phải vượt cốc, quân Thục không thể mang theo các khí cụ công thành. Trong bối cảnh bị mài mòn thể lực, bị hao hụt quân số sau chặng hành quân gian nan, lại thiếu khí cụ và lương thảo, khả năng thành công của Thục quân là không tưởng.

Nhưng, chừng đó là chưa đủ để nói hết về sự kỳ quặc và khó hiểu, trong đề xuất của một tướng lĩnh dày dạn trận mạc và có nhiều năm kinh nghiệm tác chiến ở khu vực biên giới như Ngụy Diên.

“Tử lộ” trong lịch sử Bắc phạt

Trong lịch sử Trung Quốc, một số nhà quân sự đã chọn hướng Tý Ngọ cốc để mở các đợt Bắc phạt từ phía Hán Trung nhưng đều thảm bại trên “tử lộ” này.

Điển hình, thời Nam Bắc triều, Thứ sử Lương Châu nhà Đông Tấn là Tư Mã Huân dẫn quân tấn công Trường An của nhà Tiền Tần theo đường Tý Ngọ, kết quả là bị tướng Phù Hùng của nhà Tiền Tần phục kích mà thất bại.

Thời Minh, thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân Cao Nghênh Tường cũng từ Hán Trung ôm mộng đánh Trường An theo đường Tý Ngọ. Kết quả, 6 vạn quân bôn tập nhiều ngày lại không nơi trú ẩn, bị 1 vạn quân của Tuần phủ Thiểm Tây là Tôn Truyền Đình kích phá, toàn quân bị diệt.

Nguyễn Đỗ Thuyên

Kỳ 3: Bí ẩn Ngụy Diên: Cuồng vọng hay thâm ý?

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm