Mãi mãi một tình yêu

21/06/2020 20:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một quầy bán báo với bức tường cũ kỹ, loang ố. Trên tường căng sợi dây kẽm giống như dây phơi quần áo, treo lên những tờ báo thân quen. Phía dưới là những xấp báo xếp chồng lên nhau theo từng loại, để hở ra phần tiêu đề cho độc giả dễ lựa chọn. Đúng là hình ảnh đặc trưng của quầy bán báo những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Nhìn bức ảnh chụp quầy báo số 222 Hàng Bông năm 1986, ký ức về những ngày đầu đến với báo Thể thao và Văn hóa trong tôi lại ùa về.

Talkshow 'Đọc báo có phong cách': Như IBM những năm 1930, chúng tôi đầu tư cho tương lai

Talkshow 'Đọc báo có phong cách': Như IBM những năm 1930, chúng tôi đầu tư cho tương lai

Trong talk đặc biệt này, chúng tôi muốn cùng những vị khách mời bàn về câu chuyện báo in. Đó là nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa - tờ báo vừa khởi xướng phong trào “Đọc báo có phong cách”. Và vị khách mời thứ 2 đó chính là ông Lê Vũ Anh - Giám đốc nội dung của YAN News - một trong những kênh thông tin video giải trí dành cho giới trẻ rất nổi tiếng.

1. Năm 1982, tôi bắt đầu vào học cấp 3 (tức THPT). Khi ấy bọn trẻ trong khu tập thể nơi tôi sống rất đam mê bóng đá, hầu như chiều nào cũng tập trung ra cái sân bóng trơ trụi cỏ để thi đấu với nhau.

Vào dịp Hè năm ấy, World Cup 1982 được tổ chức tại Espana, Tây Ban Nha. Tôi nhớ hôm khai mạc giải, một nhà thơ quân đội ở gần nhà tôi có mang về một tờ báo, ông lấy ghế ra trước cửa nhà ngồi đọc rồi khoe với mọi người đó là tờ Tin nhanh Espana '82 do TTXVN phát hành (tiền thân của báo Thể thao & Văn hóa). Lúc bấy giờ, ông là người đầu tiên ở chỗ tôi có tờ tin nhanh này. Vì thế ông chỉ cho chúng tôi được đọc "ké" vào lúc chiều tối khoảng tầm 18h45, không ai được mượn về nhà. Chúng tôi "thèm lắm" nhưng chịu chết, làm gì có tiền mà mua.

Tôi kể cho bố nghe về tờ báo và hai bố con lên kế hoạch mua cho được một tờ về đọc. Hai bố con tôi không biết phải qua bao nhiêu trận vòng bảng, ngày đi bán than tổ ong, chiều về nghe anh Hoài Sơn bình luận trên loa công cộng đầu nhà, tối đến thì mong có điện để xem TV phát lại trận đấu hôm trước, ấy vậy mà vẫn không có tiền để mua báo vì bán được than phải đưa tiền cho mẹ tôi đi chợ. Mãi đến lượt vòng bảng thứ hai khi mà Italy gặp Brazil, tôi được bố cho mấy đồng bạc lẻ và bảo tôi sáng mai nhớ dậy sớm đạp xe đi mua lấy một tờ tin nhanh, nếu không có mới thì mua tờ cũ cũng được.

Tâm trạng tôi lúc đó thật khó tả, và tôi nhớ khi mang Tin nhanh Espana '82 về, bố tôi vội vàng đi tìm kính, vác ghế ra ngoài sân ngồi nâng niu vuốt tờ báo cho thẳng thớm rồi say sưa đọc. Bố đọc xong thì tôi đọc, tôi thậm chí còn đọc lại đến 3, 4 lần mà vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn.

Có thông tin từ tờ tin nhanh, chúng tôi “bỗng nhiên” trở thành các “bình luận viên” nhỏ tuổi khi xem các trận đấu tại giải Espana ‘82 được phát lại trên truyền hình vào buổi tối các ngày sau khi trận đấu diễn ra. Một loạt các tranh cãi về: Pele còn sống hay đã… ra đi, Hoàng đế bóng đá thế giới là ai? Maradona hay là Mara…dolar đã được giải quyết nhanh chóng nhờ có “trọng tài” Tin nhanh Espana '82.

Chú thích ảnh
Các trang của tờ Tin nhanh Espana ’82

Phải nói thật là sau giải Espana ‘82, tôi đã “phải lòng” tờ báo này. Thế rồi suốt từ đó, tôi luôn luôn để ý cơ hội tìm việc làm, mong sao có đủ tiền để mua báo Thể thao và Văn hóa hàng tuần (tất nhiên không có tiền mua báo thì vẫn phải đi mượn đọc nhờ...). Có những thời điểm như trước giải Mexico ‘86 khoảng 3 tháng, tôi đã phải xin đi làm phụ vữa để lấy tiền chuẩn bị mua báo khi giải khai mạc.

Làm việc cật lực hàng ngày dưới cái nắng Hè với thu nhập ít ỏi, nhưng tôi rất vui vì có đủ tiền để mua được tờ báo mình yêu mến. Và khi giải Mexico ‘86 bắt đầu, sáng nào tôi cũng cố gắng dậy thật sớm đạp xe qua cầu Long Biên, sang các sạp báo ở phố Phan Đình Phùng để mua ngay tờ tin nhanh vì sợ chậm chân thì sẽ hết. Mua về đọc xong rồi lại phải cất kỹ vào ngăn tủ làm tư liệu, thỉnh thoảng tranh cãi với bạn bè thì lôi ra làm “chứng cứ” .

Tình yêu thuở ban đầu của tôi với báo Thể thao và Văn hóa là như thế. Nó khiến cho tôi sau này dù có đi đâu làm gì nhưng cứ đến ngày báo phát hành là không quên được. Những năm sống trong quân ngũ, đơn vị đóng quân ở những nơi xa trung tâm thành phố, thị xã, việc tìm mua được tờ báo Thể thao và Văn hóa mới vất vả, khó khăn nhường nào. Trong đơn vị thì chỉ có các loại báo theo quy định (Nhân dân, Quân đội nhân dân…) mà các báo này phần tin thể thao thì… ít, không có những bài bình luận, phân tích…

Những lúc đó mới thấy nhớ Thể thao và Văn hóa kinh khủng. Có lần “bức xúc”, tôi mò bằng được ra thị trấn nơi đơn vị đóng quân để tìm mua một tờ Thể thao và Văn hóa về đọc nhưng tìm cả tiếng đồng hồ thì quầy báo nào cũng… vừa hết, thế là đành ngậm ngùi quay về.

Có thể bạn đọc cũng sẽ đặt ra câu hỏi rằng: Tờ báo ấy nội dung thế nào mà phải “nghiện”? Với tôi, báo Thể thao và Văn hóa giống như một “người thầy” dạy tôi về kiến thức thể thao, văn hóa và nhiều vấn đề khác nữa. Tờ báo giúp cho tôi có thêm lòng đam mê luyện tập thể thao, biết cách chơi thêm những môn khác ngoài bóng đá. Học được cách nghĩ, cách làm mới thông qua các chuyên mục, bài viết của nhiều cây bút có tên tuổi, có “thương hiệu” trong làng văn, làng báo nước nhà.

Tất cả các tin tức hay, chuyên mục mới, các bài phỏng vấn… có chất lượng về nội dung được đăng trên báo, tôi đều sưu tầm, cất giữ. Riêng mục Truyện cười, các bài tôi sưu tầm cao khoảng một gang tay, thỉnh thoảng công việc căng thẳng lại lôi ra đọc cười sảng khoái.

2. Báo chí ngày trước là như thế. Còn giờ đây cuộc sống đã thay đổi, khi mà điều kiện vật chất khấm khá hơn, mọi người trong sinh hoạt hàng ngày dường như đang chạy theo lối sống nhanh… Văn hóa đọc cũng không nằm ngoài quy luật ấy khi mà người đọc thích các tin tức câu view, câu like, những bài viết chạy theo thị hiếu đám đông. Báo in Thể thao và Văn hóa cũng bị lấn át, cạnh tranh bởi các trang báo điện tử, báo mạng… Nhiều hôm ra sạp báo, nghe các chị bán báo nhận xét rằng bây giờ độc giả chỉ thích đọc những tin bài ngắn, những tin “giật gân”, không quan tâm đến những bài phân tích có chiều sâu in trên các trang báo, trong các chuyên mục về văn hóa, nghệ thuật, nghe mà thấy buồn...

Ngay cái quán cà phê tôi hay ngồi cũng chỉ còn vài người sáng nào cũng đọc báo in. Một số người còn thắc mắc sao giờ này vẫn đọc báo giấy, không thấy “khác thường” à?

Chú thích ảnh
Quầy báo in ở phố Phan Huy Chú, Hà Nội

Không biết có phải tôi là người “khác thường” hay không, nhưng tôi vẫn thích đọc tờ báo in. Nó đã đi vào một phần đời sống của tôi rồi. Này nhé, sáng nào cũng ghé qua sạp báo mua lấy một tờ, nhận được tiếng cười vui từ em bán báo. Giá một tờ báo bây giờ cũng không phải quá đắt đỏ, việc phát hành cũng rất nhanh, tin tức đến tay bạn đọc cũng kịp thời chứ không mất ngày mất buổi như trước đây.

Khác với báo điện tử, nếu có bài viết nào hay trên báo giấy là chúng ta có thể đọc đi đọc lại được, cần thì cất giữ làm tư liệu. Đọc báo giấy thì tạo cho người đọc tư thế đàng hoàng, ngồi ghế ngay ngắn, nghiêm chỉnh khi khám phá từng con chữ, lâu dần sẽ hình thành văn hóa đọc. Những tin tức “giấy trắng, mực đen” giúp cho người đọc có những kỹ năng phân biệt tin thật, giả.

Thời gian hàng ngày dành cho việc đọc tờ báo cầm trên tay cũng là những khoảnh khắc “sống chậm” cần thiết, giúp cho chúng ta thư giãn, tìm ra những ý tưởng, cách giải quyết những công việc trong cuộc sống.

3. Tôi vẫn nhớ trước đây, mỗi lần mua báo thấy trang bìa có ảnh cầu thủ nổi tiếng hoặc diễn viên điện ảnh đẹp, những người có thú cắt dán, sưu tầm giống như tôi thích lắm, mấy cô bạn của tôi thì chỉ nhăm nhăm tìm kiếm ảnh của R.Baggio với mái tóc “đuôi ngựa thần thánh” để dán lên tường trong phòng ngủ.

Giờ đây, việc tìm kiếm những bức ảnh như thế không quá khó khi chúng ta có kho dữ liệu Google. Thế nhưng tâm lý của nhiều người có thói quen này thì vẫn thích những hình ảnh trên các trang báo in, trên bìa các tạp chí tên tuổi vì tính lịch sử của nó bên cạnh tính nghệ thuật.

Thời xa xưa, Đức Khổng Tử có dạy học trò rằng: “Tịch bất chỉnh bất tọa/ Nhục bất phương bất thực” (Chiếu trải không ngay ngắn, không ngồi/ Miếng thịt không đầy đặn vuông vắn, không ăn). Đại ý khuyên người ta làm việc gì cũng phải đàng hoàng, ngay ngắn. Không ương gàn cố chấp nhưng cũng không cẩu thả nộm tạm, dễ dãi. Xây dựng báo in thành một sản phẩm văn hóa đẹp từ hình thức đến nội dung, có những trang bìa báo sáng tạo, chữ in gọn gàng, bắt mắt, nhìn hoa văn đẹp đẽ, độc đáo, theo tôi đấy cũng là học theo Đức Khổng Tử.

Khi người làm báo quyết tâm làm báo có phong cach thì chắc chắn người đọc cũng sẽ “đọc báo có phong cách”. Làm được như thế tức là chúng ta tạo ra những “kỷ vật” dành cho những ai yêu thích, tin yêu đồng hành với báo giấy nói chung - báo Thể thao và Văn hóa nói riêng.

Đào Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm