Lục Mạnh Cường - Giữ lửa ấm cho học trò vùng cao

27/04/2022 19:07 GMT+7 | Văn hoá

Một bé trai xuyên đêm thẳm, rừng sâu, bước qua nỗi sợ hãi ma quỷ, tìm cứu tinh cho người thân đơn côi của mình, kịp giữ lại cuộc sống và hạnh phúc cho người ấy. Một bé trai thoát xác bay giữa hai thế giới để đưa một em bé đuối nước, bỏ cõi âm trở về dương thế với mình; một bé gái hóa thành con ếch nhỏ, nằm trên tay một anh bạn, cùng đi tìm nguồn nước uống cho bản làng…

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu làm thơ đăng báo khi còn là học sinh trung học trên Đà Lạt, ký tên Bùi Hữu Miên. Ông còn làm sách nữa! Với các bút danh Hồ Quốc Nhạc, Hắc Ngưu…

Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY

Đó là những nhân vật trong truyện của thầy giáo người Tày, nhà văn Lục Mạnh Cường. Với cách kể thực thực, ảo ảo như thế, thầy Cường ba lần đoạt giải cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch, Hội Nhà văn Hà Nội và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức vào các năm 2007-2008, 2008-2009, 2012-2013.Cú “hat-trick” văn chương này giúp Lục Mạnh Cường trở thành cây bút viết cho thiếu nhi được chú ý, thành tác giả có bài được đưa vào sách giáo khoa.

Ngọn lửa đoàn kết miền ngược, miền xuôi

Đó là bài Lớp học cuối Đông trong sách Tiếng Việt 3, tập 1, thuộc bộ Chân trời sáng tạo. Trong đó có đoạn: “Bây giờ đã là cuối mùa Đông. Hôm nay, trời rét thêm. Mặt đất cứng lại. Cây cối rũ lá úa vàng. Đá xám xịt phả thêm hơi lạnh.Mấy bạn nhỏ vẫn rủ nhau đến lớp. Những ngón tay nho nhỏđỏ lên vì lạnh. Thầy giáo và các bạn quây quần bên đống lửa”.

“Tiếng nói dè dặt ban đầu to dần lên theo ngọn lửa. Các bạn kể chothầy giáo nghe về cuộc sống của mình. Đêm qua, con bò nhà bạn Súa đẻ một con bê mập mạp. Bạn thức suốt đêm đốt lửa cho mẹ con chúng sưởi. Bạn Mua thì kể về đám cưới của chị gái, về bộ váy áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất mà bạn nhìn thấy. Bạn Chơ kể về cái hàng ràođá mà bố con bạn đang xếp dở. Cái hàng rào đó được xếp bằng những hòn đá xanh, bằng sự khéo léo, cần cù của những bàn tay yêulao động...

Tiếng Mông lẫn tiếng Kinh làm cho căn phòng nhỏ thêm rộn ràng”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Lục Mạnh Cường

Trong bài tập đọc lớp 3 gần 200 chữ, được lấy từ một bài dài gần 1.000 chữ, từng in trong tập tản văn mang tính tự truyện Cho con và những yêu thương (NXB Kim Đồng, 2019) của Lục Mạnh Cường. Sách này kết nối những câu chuyện, mà người cha - thầy giáo Lục Mạnh Cường -kể riêng cho đứa con trai tên Trí của mình, kể để vẽ ra bức tranh những sân trường vùng cao, để ký họa chân dung thầy và trò vùng địa đầu Tổ quốc.

Chuyện cô bé Say ham học nhưng đang học lớp 5, bố bắt ở nhà chăn dê: “Bố bảo, con gái học nhiều cũng chẳng làm gì. Ở nhà chăn dê, sang năm thì lấy chồng. Đi học tốn tiền, tốn gạo”. Say xin thầy được học nửa buổi để vừa chăn dê cho bố vừa học. Nghỉ Hè năm ấy, Say báo tin vui với thầy: “Em xuống học nội trú rồi thầy ạ. Trường vừa nghỉ Hè nhưng em không dám về nhà. Bố bảo em về sẽ bắt em lấy chồng, không cho em đi học nữa. Mẹ nhắn tin như thế… Bố bảo, đàn bà sinh ra chỉ để nghe lời đàn ông thôi”.

Say trốn nhà mình,nhận làm giúp việc,giữ em cho một nhà dân phố huyện, chờ ngày vào nội trú THCS. Nào đã yên,“có lần bố đến trường bắt em về nhà lấy chồng nhưng em kiên quyết không chịu. Nhà trường phải can thiệp. Bố em bảo, em không chịu lấy chồng làm gia đình không lấy được bạc nên từ em. Em chỉ khóc chứ kiên quyết không chịu bỏ học về nhà”.

Xong lớp 9, Say lên tỉnh học nội trú trường THPT để rồi: “Hai mươi hai tuổi, em mới là cô sinh viên năm hai. Còn hơn hai năm học và bao khó khăn ở phía trước, nhưng tôi tin, em sẽ thành công. Bởi em là cô gái bé nhỏ có nghị lực phi thường…”.

Bài tập đọc ấy như ngọn lửa nhỏ, đã giữ ấm tình đoàn kết ngược xuôi, để “Tiếng Mông lẫn tiếng Kinh làm cho căn phòng nhỏ thêm rộn ràng”. Lửa ấy soi đường đề trò Say tiến xa hơn trên đường khai phóng. Lửa ấy giúp bạn đọc nhận ra, ngay ở những vùng xa trung tâm văn minh, nếu biết trân trọng và khéo huy động thì…

Chú thích ảnh
Trang giáo khoa có trích tác phẩm của Lục Mạnh Cường

…Người học cũng có thể thành người dạy

Chính những đứa học trò tiếp sáng cho ngọn lửa giáo dục mà ông thầy nhóm lên: “Một bạn nhỏ ra ngoài ôm thêm củi cho vào bếp. Bạn Chơ đưa ngón tay nhỏ chọc chọc vào người bố. “Thầy ơi! Sang Xuân thầy cho em Trí lên đây chơi nhé!”. Bố sững người. Có lần, bố đã kể cho các bạn nghe về con. Có lẽ bố đã kể say sưa lắm. Các bạn chăm chú lắng nghe. Và các bạn muốn bố đưa con lên đây chơi. Bạn Chơ bảo sẽ dạy con đánh cù, thổi khèn lá. Bạn Súa bảo dạy con tước sợi lanh. Bạn Mìn bảo dạy con đi bẫy chim họa mi…”.

Có 3 chữ dạy và 4 bài học mà học trò miền ngược tự lên chương trình tính “giáo hóa”một người miền xuôi.

Ông bố - thầy giáo - nghệ sĩ Lục Mạnh Cường như “đốn ngộ” nhờ ngón tay “khai minh” kia. Ông hào hứng: “Mùa Xuân này, bố sẽ đưa con lên đây chơi. Nơi vùng cao cực Bắc giá rét nhưng luôn ấm áp tình người. Bố sẽ đưa con dọc những cung đường cheo leo trên vách núi. Đưa con vượt cổng trời đầy sương và vi vút gió. Bố sẽ đưa con lên đỉnh núi Rồng, hôn lên lá cờ thiêng liêng trên cột cờ Lũng Cú. Bố sẽ đưa con đến điểm trường chênh vênh lưng chừng núi này. Các bạn ấy sẽ dạy con ăn mèn mén với canh rau cải, dạy con chơi cù và thổi khèn lá. Để con sống như những người dân nơi đây đã sống. Hiên ngang, kiên cường bám đá, dựng nên những bờ rào đá vững chắc bảo vệ Tổ quốc”.

Nếu thầy cô giáo chúng ta dạy bài tập đọc kia, không đọc rộng ra cả tập tản văn này, sẽ không biết, trong tầng nghĩa sâu xa của tác phẩm, cái hàng rào đá mà bố con bạn Chơ đang xếp dở ở bài tập đọc đã dài ra và nối thành “những bờ rào đá vững chắc bảo vệ Tổ quốc”.

Chú thích ảnh
Tản văn “Cho con và những yêu thương” của tác giả Lục Mạnh Cường

Những thần thoại mới cho trẻ em thế kỷ 21

Trong tập sách Cây pác pết (NXB Kim Đồng, 2015) của Lục Mạnh Cường, tất cả truyện đều có yếu tố kỳ ảo, đều là thần thoại của thế kỷ 21 này.

Chẳng hạn truyện Cây pác pết :“Chợt Lâm nhìn thấy dưới gốc cây có một hốc rộng. Cái hốc rất to, thoải mái cho Lâm chui lọt. Lâm mừng rỡ chui vào trong đó. Bên ngoài, mưa gió vẫn hoành hành. Lâm khoái chí: “Cứ mưa thật to vào, mình chẳng sợ gì cả!”. Lâm quay vào khám phá cái lỗ hổng dưới gốc cây. Nó rộng hơn Lâm tưởng, có thể chứa được đến ba đứa như Lâm.

Ở phía trên cái hốc, có một lỗ hổng. Từ đó có một luồng sáng rọi vào. Tò mò, Lâm nhỏm dậy, thò đầu vào lỗ hổng ngó. Chợt một sức mạnh vô hình kéo tuột nó bay lên”.

Lâm rơi vào một hang đá, gặp người bạn mới tên Xí, đang sống cùng một hổ mẹ và 2 hổ con.

Lục Mạnh Cường tạo ra môi trường kỳ ảo để nhân vật của mình làm được những việc phi thường. Như mẹ Xí có thể biến mãnh hổ thành chó con trung thành, cùng mình tìm kiếm cây pác pết làm thuốc cứu người.

Như bé Seo May, hóa thành con ếch rừng nằm gọn hơ trên tay người bạn trai Chẩn Pao để hai người cùng đi tìm thần núi hỏi nguồn nước uống cho một bản làng đang sắp chết khát.

Bằng trí tưởng tượng phong phú, tác giả Lục Mạnh Cường có thể tạo ra kỳ ảo trong không gian hạn hẹp của một khu phố, không cần tới rừng thẳm, núi cao, vốn hợp hơn với thần thoại. Trong truyện Quả vải khô, anh linh, hồn thiêng của nhân vật Tuấn nhập vào trái vải khô, để theo Vinh vào phòng trọ, thuyết phục cậu bé bán báo, về sống cùng gia đình Tuấn, thay Tuấn làm anh bé Tú. Vinh tự trọng, không muốn ăn bám ai nên thoái thác: “- Cậu không muốn ở bên bé Tú nữa à? - Tú cần có một người anh thật sự chứ không cần một quả vải khô như tớ. Cậu hứa sẽ giúp tớ chứ?Vinh ngồi im. Nó cảm thấy rất thương Tuấn. Từ trong bóng tối. Quả vải khô chợt sáng lên. - Giúp tớ với, Vinh nhé! Vinh gật đầu. Giờ đây Vinh thấy chẳng còn có lý do nào để từ chối Tuấn nữa. - Vinh này. Cậu có thể cầm tớ lên tay, được không? Vinh cầm quả vải lên. Quả vải sáng bừng trên tay Vinh. Trong quầng sáng ấy, Vinh nhìn thấy một khuôn mặt giống hệt mặt mình. Khuôn mặt ấy đang cười. Nụ cười đầy hạnh phúc”.

Lục Mạnh Cường sinh 1980 tại Hà Giang, là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang (năm 2007), hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2012), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (2021). Là tác giả của 6 tác phẩm văn học đã xuất bản. Đã nhận 12 giải thưởng văn chương từ trung ương tới địa phương. Hiện đang dạy học tại Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm