Lũ, rốn lũ, đỉnh lũ - lũ nào cũng sợ!

28/10/2020 06:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày vừa qua, toàn dân Việt Nam hết sức kinh hoàng về thảm họa lũ lụt ở miền Trung. Trận lũ bắt đầu từ đêm 6, rạng ngày 7/10/2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế của Bắc Trung bộ, một phần Nam Trung bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... Mặc dù từ ngày 23/10, lũ đã bắt đầu rút nhưng hậu quả của nó vẫn còn kéo dài và ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của nhân dân khu vực này.

 

Lũ lụt bao phủ miền Trung, nhớ 'Người đi xây hồ Kẻ Gỗ'

Lũ lụt bao phủ miền Trung, nhớ 'Người đi xây hồ Kẻ Gỗ'

Mùa lũ đang hoành hành các tỉnh miền Trung với sức tàn khốc chưa từng thấy. Nhìn qua màn hình nhỏ, thấy có hình hồ Kẻ Gỗ đang chìm trong mưa lũ, bỗng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Tý vừa quá cố cuối năm ngoái, nhớ đến giai điệu Người đi xây hồ Kẻ Gỗ mà ông viết từ năm 1976.

“Lũ” là từ chỉ "nước dâng cao ở vùng nguồn, dồn vào sông, suối và lưu vực của sông, suối trong một thời gian ngắn (hoặc rất ngắn), do mưa hoặc tuyết tan gây ra". (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, 2020).

Là một khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa là chính nên hiện tượng tuyết tan gây lũ gần như không có (có một vài tỉnh phía Bắc mùa lạnh có tuyết, nhưng không đáng kể). Hiện tượng mưa, gió, bão nhiệt đới đã gây nên lũ lụt ở nhiều vùng, nhất là những vùng có địa hình núi non. Theo thống kê sơ bộ thì trong 10 trận lũ lụt lớn nhất ở nước ta gần đây, thì miền Trung đã chịu ảnh hưởng nhiều nhất (vào các năm 1999, 2010, 2013, 2017, 2018 và đặc biệt nghiêm trọng là năm nay, 2020).

Dân gian có câu tục ngữ “Nhất thủy nhì hỏa”, nói về tác hại to lớn của 2 thảm họa thiên nhiên (thủy ở đây là thuỷ tai; hỏa: hỏa tai). 2 thiên tai này cũng đứng đầu bảng trong câu tục ngữ “Thủy hỏa đạo tặc" (lũ lụt, hoả hoạn, trộm cướp, giặc giã). Thông thường, lũ sẽ kéo theo lụt (nước đột ngột dâng cao, làm ngập đất đai, nhà cửa). Lũ quả là con quái vật đáng sợ nhất của con người.

Chú thích ảnh
"Rốn lũ" là chỗ lõm sâu ở một vùng lũ nào đó

Khi có lũ, người ta thường phân chia ra vùng lũ và rốn lũ. “Rốn lũ” là "chỗ lõm sâu ở một vùng lũ nào đó". "Lõm sâu" được hiểu là vùng trũng nhất, đương nhiên là sẽ hứng chịu nhiều nước dồn về và mức (chiều sâu) ngập nước ở nơi đây cũng cao nhất.

Khi lũ dâng cao đến mức tối đa, tới đỉnh người ta gọi là “đỉnh lũ”. "Đỉnh" là "phần trên, phần cao nhất của một vật thẳng đứng" (ví dụ như đỉnh núi, đỉnh tháp, đỉnh cột cờ...). Đỉnh lũ là mức lũ cao nhất trong một đợt lũ nào đó. Trong thủy văn học, “modul lưu lượng đỉnh lũ” là đại lượng được xác định bằng tỉ số giữa lưu lượng đỉnh lũ và diện tích lưu vực. Khi lũ đã đạt đỉnh tức là lúc đó (thời điểm tính) nước không lên nữa.

Trước khi tràn ngập một khu vực, ở vùng núi thường xảy ra “lũ ống” và “lũ quét”.

“Lũ ống” là tên gọi một loại lũ chảy tập trung theo dòng, giống như nước đi theo một đường ống vậy. Do địa hình trên bề mặt trái đất không bằng phẳng, ở miền núi có nhiều dãy đồi núi đan xen và kéo dài; giữa chúng là các thung lũng gắn liền với các khe, suối, sông nhỏ. Tại những vị trí khe suối, sông nhỏ chảy qua 2 bên sườn đồi núi thung lũng bị khép lại làm cho đường tiêu thoát nước bị hẹp dần và co thắt ở một điểm nào đấy. Đó chính là nơi thường sinh ra “lũ ống”. Khi mưa ở thượng nguồn lớn, nước đổ về nhiều; điểm co thắt không tiêu nước kịp làm cho nước dâng nhanh ở phía trên và tạo dòng chảy xiết ở phía dưới eo co thắt sẽ sinh ra lũ ống.

“Lũ quét” là một loại lũ có tốc độ mực nước lên rất nhanh khi một khối lượng nước khổng lồ di chuyển chớp nhoáng từ địa hình cao xuống thấp. Nó ào xuống theo một vệt giống như ta dùng chổi "quét" vậy. Lũ quét được hình thành khi một khối lượng nước khổng lồ được tạo ra từ những cơn mưa dông, bão hay bão nhiệt đới... Nó cũng có thể được hình thành khi đập (công trình được đắp hay xây dựng bằng đất đá, bê tông để ngăn, chứa hay giữ nước) bị vỡ hay xả lũ một cách vội vàng với khối lượng nước xả quá lớn (số lượng để tạo thành lũ quét còn tùy vào độ rộng và độ dốc của con sông hay suối bên dưới đập).

“Chỉ một từ lũ thế thôi

Mà bao hiểm họa cuộc đời đến theo”

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm