Loài chim ở nước ta lần đầu được thế giới công nhận: Có hay không chim phượng hoàng?

06/09/2021 19:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/6/1882, tại Hội Động vật ở Paris, thủ đô nước Pháp, mẫu vật một loài chim mới được phát hiện trên lãnh thổ Trung Kỳ (An Nam) được công bố trước các nhà chuyên môn. Mẫu vật được mua từ nhà động vật học Maingonnat (giá 2.000F) là một tiêu bản một loài chim được sưu tập bởi viên Thiếu tá Rheinard lúc đó là tùy viên Tòa khâm sứ Pháp tại Huế trao lại.

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 4): Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuốn album quý

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 4): Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuốn album quý

Đầu năm 2010, giáo sư Phan Huy Lê (cố Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam) nhận được từ Pháp gửi sang một cuốn album đã rất cũ, kèm theo một bức thư của nhà sử học Pháp nổi tiếng Philippe Devillers.

Ít lâu sau, Bảo tàng Paris lại nhận được một mẫu vật tương tự từ Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers từ Sài Gòn gửi qua.

Những thông tin về loài chim này (cả 2 mẫu đều là con trống) đã được công bố trên tờ Science pour Tous (Khoa học cho mọi người, 8/7/1882), tiếp đó là tờ La Nature (Thiên nhiên, 9/1882). Những tiêu bản này làm sáng tỏ những tranh cãi lâu nay giữa các nhà điểu học khi phát hiện những mẫu lông chim có những chấm tựa con mắt (ocellata) rất đẹp, nhưng lại hoàn toàn khác với loại chim trĩ (argus) sống ở Malaysia đã được biết đến.

Chú thích ảnh
Rheinard ở Tòa Khâm sai Pháp tại Huế, người cung cấp mẫu đầu tiên được đặt tên

Tên khoa học của loài chim mới phát hiện từ Đông Dương này sau nhiều lần được điều chỉnh đã được định danh là “rheinardia ocellata” (lấy tên người phát hiện "Rheinard", mặc dầu viên thiếu tá này cho biết ông đã nhận được mẫu vật này từ linh mục Renauld được cư dân sống ở phía Tây kinh đô Huế tặng). Còn theo dân địa phương thì loài chim này vẫn được gọi là “chim trĩ sao”.

Gần nửa thế kỷ sau (1929), sự kiện này được tờ Tập san của Hội Đô thành Hiếu cổ (BAVH) giới thiệu, kèm theo bản dịch bài viết của nhà điểu học nổi tiếng Nhật Bản, U.Hachisuka công bố vào năm 1925 về con chim phượng hoàng rất kinh điển của Trung Hoa (tiếng Anh là “phoenix”), còn người Nhật thì gọi là "oho" hay "roan".

Loài chim này được coi là một biểu tượng cao quý (loan/ phượng hay phụng), biểu trưng cho sự thịnh trị, nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy ngoài tự nhiên. Hình ảnh của nó được sử dụng trong các họa tiết trang trí mang nhiều vẻ đẹp do trí tưởng tượng nhiều hơn là thực.

Chú thích ảnh
Thống đốc Le Myre de Vilers, người cung cấp mẫu thứ hai

Từ bài viết nói trên, tác giả cho rằng loại phượng hoàng của người Trung Hoa không phải bắt nguồn từ cảm hứng về loài chim công phổ biến ở Ấn Độ mà chính là một loài trĩ sống ở phương Nam, trong đó có loài trĩ phát hiện ở phía Tây của Huế mang tên gọi “rheinardia ocellata”. Vẻ đẹp ngoại hình với bộ lông tinh tế của chim trĩ sao Việt Nam không xa lạ với Trung Hoa vì vùng đất trú ngụ loại chim đó vốn là lãnh thổ nước ta nhưng đã bị đế quốc Trung Hoa bành trướng biến thành quận, huyện của mình. Và khi, nước ta đã tự chủ thì trong danh mục những đồ Đại Việt phải triều cống các Hoàng đế Trung Hoa luôn có loại “chim trĩ phương Nam”.

Điều đó đã củng cố giả thiết cho rằng chim phượng hoàng trong văn hóa Trung Hoa (và cả Việt Nam) chính là hình tượng hóa chủ yếu là chim trĩ sao tuyệt đẹp trong rừng rậm Việt Nam kết hợp với con công rất rực rỡ của miền Tây Á là Ấn Độ (!?).

Tại Hội chợ Thuộc địa Paris 1931, gian hàng Bắc Kỳ đã phát hành một tấm kỷ niệm chương bằng đồng khắc hình con trĩ sao. Vào thời điểm ấy nhiều vườn bách thảo ở Pháp và châu Âu cũng nuôi loại chim nhập từ Đông Dương như một loài hiếm, quý. Cũng cần nói thêm rằng, linh mục Jean Renaud (tên Việt là Cố Đồng) của Giaó xứ Thanh Tân, Phong Điền, Thừa Thiên, người đã có được con trĩ sao đầu tiên cung cấp cho Rheinard, cũng nhờ những người dân thiểu số ở địa phương phát hiện một loài chim khác theo cách gọi của thổ dân là “cu đất” hay con “phướn đất”, nhờ thế được các nhà điểu học đặt tên quốc tế là “carppocoyx renauldi”.

Chú thích ảnh
Hình vẽ chim trĩ sao trên tờ Tập san Hội Đô thành hiếu cổ Huế BAVH 1929
Chú thích ảnh
Một trong những mô tả đầu tiên về loài chim này
Chú thích ảnh
Hình họa phượng hoàng trong văn hóa Hoa - Việt, bản vẽ của BAVH 1929
Chú thích ảnh
Hình tượng chim phượng hoàng trong đố sứ thời Minh
Chú thích ảnh
2 mặt của đồng xu kỷ niệm bằng đồng thau in hình chim trĩ của gian hàng Bắc Kỳ trong Đấu xảo Thuộc địa Paris, 1931

(Còn tiếp)

QXN

Tài liệu tham khảo:

- P.Jabouille, Chim phụng hoàng huyền thoại của Trung Hoa và chim trĩ sao của Việt Nam. BAVH 1029, bản tiếng Việt trong "Những người bạn cố đô Huế", tập XVI (1929). NXB Thuận Hóa, Huế, 2003, tr.350-359

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm