Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP.HCM: Khi đại dịch 'bước vào' vở diễn

18/01/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - 26 vở kịch đã tham dự Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc từ ngày 3 đến 17/1 tại TP.HCM. Các đơn vị nghệ thuật đã đem đến những tinh hoa của mình, góp vào sự phát triển của sân khấu. Tất nhiên vẫn còn những điều được và chưa được, nhưng dù sao Liên hoan cũng gây được sôi nổi sau 2 năm sân khấu lao đao vì dịch.

Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM: Sân khấu phía Nam 'rầm rập' vào cuộc

Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM: Sân khấu phía Nam 'rầm rập' vào cuộc

Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021 “hành phương Nam”, sẽ bắt đầu từ ngày 3/1/2022 tại TP.HCM, thu hút hầu hết các đơn vị, trừ kịch IDECAF.

Nói công bằng, Liên hoan lần này tổ chức tại TP.HCM nên các đơn vị mới có điều kiện tham gia, và như vậy là thành công. Bởi người ta thấy rõ ràng 2 năm dịch bệnh, sân khấu kịch đóng cửa thường xuyên, nghệ sĩ thất nghiệp, bươn chải tự mưu sinh, coi như sân khấu cạn kiệt sức lực. Ấy vậy mà, đã có đến 26 vở tham gia, nhiều hơn phía Bắc (14 vở).

Vượt khó

Trong 26 vở này, chỉ có 2 vở của đơn vị Nhà nước là Nhà hát Kịch TP.HCM được đầu tư bằng ngân sách, còn lại đều do “tiền túi” của các đơn vị xã hội hóa, và chỉ có 9 vở cũ đem ra tái diễn, còn lại 15 vở hoàn toàn dựng mới. Như vậy, họ đã gượng dậy một cách “kỳ tích”, đến mức khó tin.

Chú thích ảnh
Gia Bảo (vai thần chết), Thuận Nguyễn (vai bác sĩ Duy), Nguyên Yunie (vai bác sĩ Linh) trong vở “Thử thách tử thần”. ẢNH: H.K

Và trong sự gượng dậy đó, không thể đòi hỏi các vở phải hoành tráng, độc đáo. Bởi không chỉ thiếu tiền, các đơn vị còn thiếu thời gian tập dợt, chuẩn bị. Lệnh giãn cách chỉ mới nới lỏng gần đây, các đơn vị khó tập hợp người trên sàn tập, chưa kể một số nghệ sĩ test dương tính phải thay vai ngay, xoay xở trăm bề mới ra một vở. May mắn là nghệ sĩ phấn khích vô cùng, chấp nhận mọi khó khăn, bởi chính họ đang nhớ sân khấu “như điên”, thèm được diễn, được gặp khán giả. Cho nên, cảm nhận đầu tiên khi xem vở là nghệ sĩ nào cũng “cháy” hết mình, không cần biết có huy chương gì.

Điển hình, đạo diễn Ái Như nói: “Lần đầu Hoàng Thái Thanh chúng tôi “đi thi”, nhưng nói thật là không mong cầu giải thưởng, mà chỉ diễn cho đã thôi”. NSƯT Tuyết Thu tâm sự: “Tôi liều mình đóng một vai trong kịch sử, thoại khó ơi là khó, nhưng vì mê mà làm, không nghĩ huy chương gì đâu. Được thử sức, được làm mới mình, đã vui quá rồi”.

Chú thích ảnh
NSUT Thanh Nga (vai Sao), Khánh Đăng (vai Lãng) trong vở Bến mười ba. ẢNH: H.K

Từ cách tiếp cận ấy, dễ hiểu khi thấy đa số vở làm nhẹ nhàng, gọn ghẽ, ít tốn kém, và hướng tới việc bán vé sau này, chứ không phải mang tính hàn lâm. Tuy nhiên, vẫn có những ấn tượng tốt, chẳng hạn phong cách tả thực rất đẹp của Ngược gió (sân khấu Thế giới trẻ), sử dụng màn hình Gauze lung linh huyền ảo trong vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung (Nhà hát Kịch TP.HCM), thiết kế tối giản nhưng biến hóa phong phú trong Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế giới trẻ - Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) và Khúc nguyệt cầm (Công ty Truyền thông GODI), sang trọng lộng lẫy của vở Khóc giữa trời xanh (Công ty Sử Việt).

Hoặc cấu trúc nội dung gọn nhẹ chỉ có 2 diễn viên nhưng gây cảm xúc rất mạnh (Mưa bóng mây - Công ty Giải trí Hero), tinh tế trong từng chi tiết biểu diễn rất nhỏ (Sài Gòn có một ngã tư - Hoàng Thái Thanh), hài vui, trẻ trung rất hợp với khán giả trẻ nhưng vẫn khiến người ta chảy nước mắt (Bao giờ mẹ lấy chồng - sân khấu Thế giới trẻ).

Chú thích ảnh
Việt Hương (vai bà Năm), Khương Ngọc (vai Phi), NSUT Hoài Linh (vai ông Tài) trong vở Lạc giữa biển người. ẢNH: H.K

Đồng hành với thực tế cuộc sống

Liên hoan thật sự ghi dấu son cho sân khấu vì đã nhanh chóng ghi lại được một giai đoạn đau thương của đất nước là 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, đặc biệt năm 2021 nghiệt ngã.

3 vở kịch cùng thể hiện đề tài này nhưng chọn góc nhìn khác nhau, rất hay. Sự sống (Công ty HN Media) nói về những người dân gánh chịu mất mát, từ thất nghiệp, nợ ngân hàng, cho tới có người nhà tử vong vì Covid-19. Blouse trắng (sân khấu Trịnh Kim Chi) nói về những y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, họ không chỉ giành giật sự sống cho người bệnh mà còn phải thuyết phục gia đình, còn phải chịu thiệt thòi, mất mát cũng không kém gì người dân bình thường. Thử thách tử thần (Công ty Gia Bảo) cũng nói về y bác sĩ nơi tuyến đầu, nhưng nâng lên thành một “tứ kịch” rất hay, với thần chết làm trung gian cho quyết định tốt xấu của con người, dù còn sống 1 ngày cũng phải cống hiến cho xã hội.

Và trên tất cả là không khí những ngày dịch bệnh được tái hiện rất thật, rất đau. Từ bệnh viện cho tới khu xóm trọ, từ tiếng còi xe cấp cứu cho tới quần áo bảo hộ, bình oxy, hũ cốt, dây giăng. Xem các vở này, khán giả không khỏi rơi nước mắt.

Chú thích ảnh
NSUT Tuyết thu (vai Thái hậu Vân Dung), NSUT Xuân Hồng (vai Thái sư Lý An) trong vở Khóc giữa trời xanh. ẢNH: H.K

Cuộc sống còn bước lên sân khấu với những đề tài bức xúc, như nạn tham quyền cố vị (Chuyện làng-Hội Sân khấu TP.HCM), án oan sai, hối lộ, tham nhũng (Công lý như mặt trời - Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B), người trí thức trước những tiêu cực của xã hội (Khóc giữa trời xanh), con cái thời hiện đại chưa quan tâm tới cha mẹ (Nắng chiều - Sân khấu Quốc Thảo), nạn ma túy, buôn người (Ngã rẽ - Sân khấu Phú Nhuận), nỗi đau chất độc da cam (Bến mười ba - Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM), những vỏ bọc giả dối trong những gia đình giàu sang đã mất đi cội nguồn hạnh phúc (Mảnh vỡ - Sân khấu Sen Việt). Khán giả có thể trút được nỗi niềm hoặc tìm được lời giải cho cuộc sống của mình.

Và có cả tình thương của người Sài Gòn với nhau, chở che, đùm bọc. Bà Năm kiên quyết tin tưởng Phi dù anh mới ở tù ra, nhờ đó anh có động lực làm lại cuộc đời (Lạc giữa biển người). Cô Thanh gái điếm hoàn lương sau bao thử thách rốt cuộc cũng tìm được một tình yêu, một đám cưới (Sài Gòn có một ngã tư). Cô Yên mù lòa nhưng luôn được bà con trong xóm nghèo chở che để sống rất hạnh phúc (Thành phố tình yêu). Chân dung TP.HCM hiện lên rất rõ qua những câu chuyện kịch nhẹ nhàng, phóng khoáng. Khán giả xem xong càng thấy yêu mảnh đất mà họ đang sống.

Một mùa liên hoan khép lại, dẫu chưa có sự bứt phá so với những mùa trước, nhưng ra mắt được hàng loạt vở mới sau cơn đại dịch đã chính là “bứt phá”.

Chuyện tình vẫn luôn có sức hút

Mảng hấp dẫn nhất tại Liên hoan vẫn là những chuyện tình đẹp và đau. Sân khấu phương Nam thể hiện tình yêu theo kiểu phương Nam, thủy chung, dung dị, hy sinh. Như cô Nương yêu anh Trôi thầm lặng, cứ chăm sóc, xót xa (Ngược gió), như cô Sao chấp nhận người chồng bị nhiễm chất độc da cam chứ cô không đi tìm bến mới (Bến mười ba), như Út Thương giữ mãi tiếng đàn của Hai Nhỏ trong lòng suốt mấy chục năm (Khúc nguyệt cầm), như mối tình già của 2 ông bà trong công viên (Mưa bóng mây), anh phi công trẻ thật lòng yêu một bà chị bởi ngưỡng mộ trái tim hy sinh của chị cho đàn con mồ côi trong cô nhi viện (Bao giờ mẹ lấy chồng)…

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm