Lê Hồng Thiện & những bài thơ 'trong veo tiếng Việt'

18/11/2020 19:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Theo nhà thơ Định Hải, nguyên Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, thì Lê Hồng Thiện viết cho thiếu nhi từ những chuyện nhà của mình, tự nhiên đến mức: “Không phải anh chọn cho mình con đường làm thơ cho thiếu nhi, mà chính cuộc đời đã chọn anh, giao cho anh việc đó!”.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 31): Từ 'nhịp hải hà' đến 'Cô giáo lớp em'

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 31): Từ 'nhịp hải hà' đến 'Cô giáo lớp em'

Ngày 9/11/2020, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ chúc mừng nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tròn 100 tuổi. Với tôi, ông không chỉ là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, mà còn là tác giả của những vần thơ đã đi vào tiềm thức. Tôi “gặp” và yêu mến ông từ thời ấu thơ qua 2 bài thơ Nhớ dừa và Cô giáo lớp em trong sách Tập đọc...

Thật vậy, nhiều bài thơ mà anh viết ra là từ cảm xúc và ngữ cảnh từ chuyện gia đình của chính mình…

Đề tài ngay trong nhà mình

Sau giải thưởng thường niên 1989 của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho tập thơ Trăng của mỗi người (của tác giả Lê Hồng Thiện), 1 bài thơ hay trong tập thơ này được đưa vào sách giáo khoa:

“Mẹ bảo, trăng như lưỡi liềm/ Ông rằng, trăng tựa con thuyền cong mui/ Bà nhìn, như hạt cau phơi/ Cháu cười, quả chuối vàng tươi ngoài vườn/ Bố nhớ khi vượt Trường Sơn/ Trăng như cánh võng chập chờn trong mây” (Tuyển tập bài hát thơ ca truyện kể ở nhà trẻ, tr. 203, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017).

Thi cảnh thật rộng để người đọc thơ, nhìn thấy cả trăng trên cao và người dưới đất đang vọng nguyệt. Cái rộng của không gian thơ, đủ chỗ để những 5 nhân vật thơ, đưa ra bằng ngôn ngữ thơ, hình tượng mặt trăng từ 5 góc nhìn khác nhau. Nhịp thơ đan lời người, tạo một hòa thanh, hòa sắc “vàng tươi”. Chữ “chập chờn” ở câu kết, nối ngôi nhà nhỏ của đứa bé mới cất tiếng cười tự tin kia, vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, nối đêm thanh bình hôm nay, vào thời đạn bom xưa.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Lê Hồng Thiện và vợ

Cũng nối xưa với nay là một bài khác của Lê Hồng Thiện (bài Cô Tấm của mẹ) được đưa vào trang 96 sách Tiếng Việt 4 (tập 2, bộ hiện hành):

“Ngỡ từ quả thị bước ra/ Bé làm cô Tấm giúp bà xâu kim/ Thổi cơm, nấu nước, bế em/ Mẹ về khen bé: "Cô Tiên giáng trần"/ Bao nhiêu công việc lặng thầm/ Bàn tay của bé đỡ đần mẹ cha/ Bé học giỏi, bé nết na/ Bé là cô Tấm, bé là con ngoan”.

Bài thơ có những dòng thơ đăng đối về nhịp điệu, hướng người đọc tìm ra đăng đối toàn bài. Bên kia thử thách giăng hàng 6 âm tiết Thổi cơm/ nấu nước/ bế em, bên này, một mình cô bé chia hai 6 âm tiết - Bé học giỏi - bé nết na để vững vàng vượt qua. Trong thế đăng đối toàn bài, 7 điệp từ “bé” biến nàng thơ tí hon, thành lớn! Rất hồn nhiên, bài lục bát kể chuyện bếp núc trong nhà mà vang vang khúc ca tự hào được làm một đứa bé!

Như vậy đấy, làm thơ cho thiếu nhi, Lê Hồng Thiện tìm đề tài ngay trong nhà mình. Khóa luận tốt nghiệp được điểm 10 của cựu sinh viên khóa 2013-2017 khoa Mầm non, ĐH Sư phạm Huế, Phan Thị Hoài Thanh viết: “Gia đình, 2 từ rất đỗi thân thương, đây chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn bé bỏng của trẻ thơ. Đây là nơi các em được nhận và đáp lại những tình cảm yêu thương và chăm sóc từ mọi thành viên trong gia đình. Không những thế, gia đình còn chính là nơi trẻ cảm giác được an toàn nhất, được mọi người tin tưởng, ủng hộ về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhờ thế, trẻ tự do khám phá, tự do tìm hiểu về những điều mới lạ về thế giới muôn màu muôn vẻ này… Nhà thơ Lê Hồng Thiện đã quan sát từ những hình ảnh đó ở con mình, để viết thành bài thơ Con đi học: Đi trên đường đất đỏ/ Xanh xanh hai bờ cây/ Con ơi đừng mê mải/ Lá vẫy và chim bay// Con chim non tập hót/ Con bướm nhỏ tập bay/ Con gái tôi tập viết/ Bắt đầu sáng Thu nay”.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Cô Tấm của mẹ” trong sách “Tiếng Việt 4” (tập 2)

Về miền đề tài gần gũi này, đề tài ngay trong nhà mình, chính nhà thơ Lê Hồng Thiện tâm sự: “Cách đây hơn 40 năm, nhìn các con tôi cùng lũ bạn của nó ra bờ đê gần nhà thả diều, thấy chúng nó say mê, đắm đuối như muốn bay lên, chao liệng cùng cánh diều. Về nhà tôi nảy ra ý thơ và viết: Cho tờ giấy biết bay lên/ Sợi dây dài bỗng đứng nghiêng ngang trời/ Mùa Thu nào phải xa xôi/ Mùa Thu trong mắt con tôi... cánh diều”.

Một kinh nghiêm sáng tác khác, hình thành khi nhà thơ không sáng tác mà vất vả chuyện nuôi con: “Con trai út của tôi khi ấy mới được vài tuổi, nó khóc quấy vì mẹ vắng nhà. Tôi dỗ thế nào nó cũng không nín, thế rồi tôi chợt nghĩ ra và đưa cho cu cậu cái gương soi để chơi. Ai dè cu cậu nín ngay, reo lên ầm ĩ vì nhìn thấy “bạn” trong gương. Rồi cu cậu ngơ ngác sau khi lật lại phía sau gương. Tôi hiểu nó đang đặt câu hỏi: “Người bạn của nó ở trong gương đâu rồi? Tôi đã viết ngay bài thơ Soi gương để tặng con trai mình”.

Mải mê “chơi chữ” với bạn đọc thiếu nhi

Nhà nghiên cứu văn học Bùi Việt Thắng đọc Lê Hồng Thiện và đưa ra nhận xét thú vị, thơ Lê Hồng Thiện "trong veo tiếng Việt". Rồi ông nói có sách, mách có chứng: “Đếm trong tổng số 102 bài thơ (với tổng cộng 948 câu thơ) trong Thơ Lê Hồng Thiện - Tác phẩm và dư luận chỉ có “11 từ Hán - Việt (Trung Thu, mẫu giáo, thần thông, giao thừa, trực ban, ca sĩ, Trường Sơn, quân hiệu, chiến sĩ, hoàng hôn, cổ thụ) và một từ tiếng Anh/Pháp (ăng-ten)”.

Chú thích ảnh
Lê Hồng Thiện và con gái Lê Hồng Nguyên

Viết cho thiếu nhi, Lê Hồng Thiện để cao mục đích giáo dục của câu chữ, nhưng rất tự nhiên, ông bắt đầu bằng chính việc dạy các em yêu thích vẻ đẹp của câu chữ, yêu thích ngôn ngữ Việt, yêu thích tiếng mẹ đẻ của mình. Ông học nhạc sĩ Phạm Duy “tôi yêu tiếng nước tôi” và truyền tình yêu đó tới bạn đọc thiếu nhi của mình.

Ông soi kỹ lưỡng, từng chữ, từng chữ tiếng Việt để nhìn ra trong mỗi “tinh thể” chữ, những lóng lánh của các góc cạnh ngữ nghĩa. Chữ “ngủ” vào thơ Lê Hồng Thiện, bỗng thức dậy trong trong những hình ảnh, hình tượng đẹp: “Nước mưa nằm ngủ trong mây/ Hương thơm nằm ngủ cả ngày trong hoa/ Bóng râm ngủ dưới gốc đa/ Trẻ con ngủ dưới mái nhà ấm êm”…

Để rồi thật bất ngờ, nối nhịp thơ với nhịp sống của người đọc thơ, lật cánh thủ pháp tu từ, khiến trái tim hiện ra, sáng như một chấm son, một nhãn tự của bài: “Chỉ riêng có một trái tim/ Chẳng bao giờ ngủ cả đêm lẫn ngày”.

Một bài thơ khác được Lê Hồng Thiện viết lên mặt biển, tàng cây, bầu trời cao: “Cái bút mê mải trên dòng/ Cõng bao nhiêu chữ mà lưng không còng/ Thầy cô cõng chữ lên rừng/ Bầu trời đêm cõng cả ông trăng rằm”…

Chú thích ảnh
Lê Hồng Thiện và con gái Lê Hồng Nguyên, con rể Phạm Khải, 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Bài học cao đạo kia lại bắt đầu, lại xâu chuỗi, những thường trực cần mẫn, của chỉ một động từ, động tác lao động - “cõng”!

Trong những trò chơi chữ mà Lê Hồng Thiện mang tới cho bạn đọc thiếu nhi của mình, mỗi từ tiếng Việt, như một quân lego để các em học sắp đặt những tòa kiến trúc văn chương.

Một kiến trúc kín đáo: “Biển sâu “giấu” cá, “giấu” tôm/ Mây đen lơ lửng “giấu” cơn mưa rào/ Tiếng sấm “giấu” ở trên cao/Mưa giông chớp bể ầm ào ra ngay”…

Hoặc một kiến trúc hào phóng: “Nắng là “quà” của mặt trời/ Tô cho bông lúa vàng tươi nắng hồng/ Cá là “quà” tặng của sông/ Gió: “quà” trời đất thổi cong cánh buồm"…

Một kiến trúc khác - sum vầy : “Chữ - “bạn” của sách đầy trang/ Sông là “bạn” của mênh mang bến bờ/ Dòng sông “bạn” của con đò/ Ông trăng “bạn” của tuổi thơ đêm rằm”...

Trong những bài thơ chơi chữ của Lê Hồng Thiện, không chỉ có truyện với những kết thúc bất ngờ, có kịch với những mâu thuẫn trắng đen của những từ trái nghĩa, mà còn có độ sâu triết lý, để nhiều khi những đồng dao ê a bỗng hóa thành những tứ tuyệt kinh viện, khiến trẻ em thì chơi, mà người lớn thì suy ngẫm, như bài về con sâu đo: “Đo hoa và đo quả/ Đo lá và đo cành/ Nhưng một đời chỉ ước/ Bao giờ đo chính mình?”.

Có phải, vì : “Cả đời yêu tiếng bi bô/ Tóc càng bạc trắng, ngây thơ càng nhiều/ Hồn tôi thả một cánh diều/ Căng dây, đón gió: Chạy theo mục đồng". Nhà thơ của chúng ta chưa có thời gian lo cho mình, “đo” chính mình? Nhưng đã có bạn đọc làm việc này! Lại xin dẫn ra đây nhận xét của nhà văn Tô Hoài, khi sinh thời, ông trao cho nhà thơ giải thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam 1989: “Điều đáng trân trọng là dù viết về cây cỏ hay về con người, lúc nào thơ Lê Hồng Thiện cũng chú ý đến đời sống tình cảm của các cháu bé”.

(Còn tiếp)

Vài nét về nhà thơ Lê Hồng Thiện

Lê Hồng Thiện sinh năm 1943 tại Văn miếu Xích Đằng (phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên).

Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang sống và viết tại Hưng Yên. Là tác giả 11 tập thơ viết cho thiếu nhi và mỗi tập đều nhận được giải thưởng khích lệ.

Được trao tặng Huy chương của Bộ VH,TT&DL, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và nhiều giải thưởng khác.

Lê Hòa An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm