Lê Hay: Kịch “hình sự” chinh phục khán giả

27/10/2010 11:59 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tử thi không đầu (KB: Phạm Hiển, ĐD: Lê Hay - Bảo Vân) sau một số suất diễn tại Kịch Gia Định đã quyết định đầu tư thêm để trở thành vở diễn thực sự nặng đô. Đây được xem là vở kịch kinh dị mới của các sân khấu ở TP.HCM, với cách dàn dựng nặng tính hình sự, điều tra vụ án. TT&VH trao đổi với đạo diễn trẻ Lê Hay, người dàn dựng vở kịch này.


Lê Hay trong một vai diễn

* Nhận một kịch bản kinh dị khi các sân khấu ở TP.HCM đã có nhiều vở dạng này ra rạp thành công, áp lực của anh là gì?

- Đối với loại kịch có yếu tố kinh dị thì việc tìm kiếm hình thức thể hiện là khó khăn đối với người muốn thể hiện. Vì vậy, nó đòi hỏi người dàn dựng phải luôn tìm tòi cái mới trong hình thức sao cho phù hợp với nội dung, vừa không có sự trùng lặp với những vở kịch cùng loại khác, vừa tạo được sự cuốn hút. Còn việc chinh phục khán giả thế nào thì luôn là thử thách không chỉ đối với tôi mà còn là của tất cả các đạo diễn, các ê-kíp thực hiện.

* Nếu chỉ đọc kịch bản thì rõ ràng Phạm Hiển đang viết theo kiểu phim hình sự Mỹ, mọi bí ẩn và thắt nút được đẩy đến phút chót để tạo kịch tính, bất ngờ. Anh có cảm thấy hài lòng với cách thể hiện của diễn viên và cách dàn dựng của mình chưa?

- Về ước muốn, thì trong nghệ thuật, kiệt tác thường là những tác phẩm sắp làm hay sẽ làm, mọi thứ đã thành hình luôn mang theo sự luyến tiếc và “giá như”. Tuy nhiên, trong một góc nhìn tương đối, tôi cảm thấy rất vui và may mắn khi được làm việc với những diễn viên có bề dày kinh nghiệm như NSƯT Đàm Loan, Tấn Hoàng, Tiểu Bảo Quốc. Bên cạnh đó, việc chọn lựa diễn viên truyền hình Thanh Trúc trong vai nữ chính đóng cùng nam diễn viên Hữu Tiến cũng làm tôi thấy hài lòng. Vì đối với một diễn viên trẻ, lại là người lần đầu tiên tham gia diễn kịch như Thanh Trúc, cô ấy đã phải nỗ lực và cố gắng thay đổi qua từng suất diễn, là đồng nghiệp với nhau, tôi hạnh phúc vì những thay đổi đó. Còn việc vở diễn có những sự cố và sai sót nhỏ ở những suất diễn đầu tiên, ấy cũng là chuyện bình thường, nay thì đã dần được khắc phục. Đối với tôi, nếu có sự vận động và thông hiểu, thì theo thời gian, mọi thứ đều thay đổi và trưởng thành.

* Học đạo diễn, anh “đầu quân” về Kịch Hồng Vân giúp làm quản lí và diễn viên, lại sang Kịch Gia Định và các đài truyền hình để dàn dựng tác phẩm. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh thấy cơ hội cho các đạo diễn trẻ như anh thế nào?

- Theo tôi nhìn nhận, cơ hội cho đạo diễn trẻ, đạo diễn mới vào nghề không còn là khan hiếm. Thực tế cho thấy NSƯT Hồng Vân và đạo diễn Lê Tuấn Anh không chỉ nâng đỡ lớp diễn viên trẻ, mà còn tạo điều kiện cho những đạo diễn mới có điều kiện làm nghề. Họ luôn ủng hộ việc “chạy sô” của tất cả anh chị em, vừa để tìm cơ hội, vừa để cải thiện cuộc sống. Khi tôi dựng Tử thi không đầu cho sân khấu khác, chị Hồng Vân vẫn đến xem một hai lần, rồi góp ý chân tình, ấy là điều quý báu. Riêng những bậc tiền bối của sân khấu, chẳng hạn đạo diễn - NSƯT Trần Ngọc Giàu cũng luôn sẵn sàng chăm chút các vở diễn, giúp các đạo diễn trẻ tránh bớt các sai sót, để họ có cơ hội được cọ xát với nghề. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất như Lưu Phước Sang, Trần Đại cũng luôn mở rộng tay đón chào các đạo diễn trẻ. Vấn đề còn lại là mình như thế nào mà thôi.

Như Hà (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm