Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (1920- 2020)

15/05/2020 21:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/5 tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phối hợp cùng gia đình tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Giáo sư, Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (1920- 2020). Ông là một nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kiến trúc Việt Nam, một trí thức lớn với nhân cách cao đẹp, người thầy tận tụy, tài năng đã đào tạo nhiều thế hệ kiến trúc sư Việt Nam.

KTS Hoàng Thúc Hào: Cần có Bảo tàng Hồ Gươm và 'hệ sinh thái văn hóa' cho Hà Nội

KTS Hoàng Thúc Hào: Cần có Bảo tàng Hồ Gươm và 'hệ sinh thái văn hóa' cho Hà Nội

Thấm đượm tình yêu, gắn bó với Hà Nội, KTS Hoàng Thúc Hào luôn đau đáu cải tạo Hà Nội, đưa ra những ý tưởng bảo vệ nét đẹp truyền thống ngàn năm. Mới đây, anh tiếp tục đưa ra ý tưởng xây dựng Bảo tàng Hồ Gươm và "hệ sinh thái văn hóa" cho Thủ đô.

Giáo sư, Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh sinh ngày 15/5/1920 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Ông là sinh viên khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nơi đã đào tạo ra nhiều tên tuổi tiêu biểu của nền hội họa và mỹ thuật Việt Nam.

Ngay từ khi còn là sinh viên, Ngô Huy Quỳnh đã thể hiện tinh thần cách mạng và lòng yêu nước bằng cách bày tỏ tiếng nói của một trí thức trẻ. Ông sớm liên hệ với các nhà cách mạng tên tuổi như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long để tìm hiểu về các hoạt động cách mạng. Ông viết báo, cổ động cho nền văn hóa dân tộc, kêu gọi sinh viên trí thức trở về với bản sắc truyền thống.

Tốt nghiệp năm 1943, trở thành kiến trúc sư, ông chính thức tham gia Mặt trận Việt Minh và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông tham gia lập chính quyền cách mạng tại thành phố Nam Định. Ngày 1/9/1945, ông trực tiếp thiết kế và chỉ đạo lắp đặt Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Công trình này được hoàn chỉnh chỉ trong một ngày. Tháng 10 năm đó, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, ông lên Việt Bắc tham gia công tác xây dựng cơ bản. Năm 1951, ông là một trong 21 cán bộ Việt Nam đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử đi nước ngoài học tập để sau này trở về xây dựng, phát triển đất nước ở nhiều lĩnh vực.

Chú thích ảnh
Họa sỹ Ngô Thành Nhân – con trai GS.KTS Ngô Huy Quỳnh thay mặt gia đình nói lời cảm ơn tới Hội KTSVN và các đại biểu tới dự lễ

Trong lĩnh vực kiến trúc, ngay từ thời sinh viên, Ngô Huy Quỳnh đã ghi dấu ấn khi thiết kế và hướng dẫn xây dựng nhiều công trình nhà ở, biệt thự tại các phố Nguyễn Du, Cao Ðạt (Hà Nội), Nam Ðịnh, Ðình Bảng (Bắc Ninh)… Là người thiết kế Lễ đài Độc lập, lập quy hoạch trung tâm Quảng trường Ba Đình, Nhà Quốc hội …, sau khi được đào tạo ở nước ngoài trở về, Giáo sư Ngô Huy Quỳnh đã để lại dấu ấn đậm nét với những nghiên cứu lý luận, lịch sử kiến trúc Việt Nam. Ông cũng là một người đi tiên phong trong nghiên cứu, thiết kế nhà ở của đồng bào các dân tộc, nhà cổ truyền, nhà trình tường…

Giáo sư Ngô Huy Quỳnh cũng là một thầy giáo mẫu mực, người đã đào tạo ra nhiều lớp kiến trúc sư ở Việt Nam.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Giáo sư, Tiến sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, Giáo sư, Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh là một tài năng, một nhân cách lớn. Ông vừa là kiến trúc sư, vừa là nghệ sỹ đa tài, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo và nhà báo mẫu mực. Ông là tấm gương cho các thế hệ kiến trúc sư nước ta noi theo.

Chú thích ảnh
Cuốn sách “Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh”

Với kiến trúc, ông thuộc lớp kiến trúc sư đầu tiên được đào tạo bài bản tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Là một trong những người đặt nền móng cho nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, ông đồng thời là một trong 8 kiến trúc sư sáng lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam vào năm 1948 (nay là Hội Kiến trúc sư Việt Nam). Ông cũng là người tiên phong trong nhiều lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị, nông thôn, lý luận, đào tạo…; Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Kiến trúc. Suốt 60 năm cống hiến, những đóng góp của ông cho nền kiến trúc, nghệ thuật nước nhà đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Ông được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1...

Cũng nhân dịp này, gia đình Giáo sư Ngô Huy Quỳnh đã ra mắt cuốn sách “Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh”, dày 164 trang, gồm ba phần. Phần thứ nhất là những bài viết về Giáo sư Ngô Huy Quỳnh. Phần thứ hai gồm 100 bức họa chân dung, phong cảnh, kiến trúc… do chính tay ông vẽ. Phần thứ ba là thông tin về tiểu sử, những công trình khoa học của ông.

Ban Tổ chức trưng bày hơn 30 bức tranh của Giáo sư Ngô Huy Quỳnh từ ngày 15-17/5/2020 tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm