Kỳ 6 Khám phá Hồ Tây: Từ am cung nữ đến Sở Thủy phi cơ và Hãng phim

07/10/2019 19:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh vườn hoa Lý Tự Trọng là Hãng phim truyện Việt Nam. Khu vực này trước 1954 là Sở Thủy phi cơ, và trước nữa là một cái am gắn liền với người cung nữ bạc phận là Cô Son.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

Khám phá Hồ Tây (kỳ 5): Từ lũy bảo vệ thành đến bến tắm

Khám phá Hồ Tây (kỳ 5): Từ lũy bảo vệ thành đến bến tắm

Con đường Lạc Long Quân bên Hồ Tây hiện nay kéo dài từ đê Nhật Tân đến cuối phố Hoàng Hoa Thám. Thế kỷ 9, con đường này là lũy bảo vệ thành Đại La từ Nhật Chiêu đến Cầu Giấy qua Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Kim Liên kéo đến Lương Yên nối vào đê sông Hồng.

Thủy phi cơ xuất hiện ở Hà Nội trong thập niên 1920. Việc người Pháp chọn Hồ Tây đặt Sở Thủy phi cơ là hợp lý bởi hồ rộng, thuận tiện cho việc cất và hạ cánh.

Từ Sở Thủy phi cơ

Trên bờ hiện vẫn còn một dãy nhà rất cao xưa làm nơi bảo dưỡng. Cách nơi nhà bảo dưỡng không xa là nhà ga. Nhà ga rộng chừng vài chục mét vuông dựng trên mặt nước, xung quanh là kính để khách có thể bao quát không gian hồ.

Sở Thủy phi cơ này phục vụ cho mục đích quân sự và dân sự.

Sau năm 1954, nhà và đất đai của Sở Thủy phi cơ do nhà nước quản lý. Sau đó nhà nước giao cho Xí nghiệp phim truyện Việt Nam (năm 1989 đổi tên thành Hãng Phim truyện Việt Nam). Đây là đơn vị chuyên sản xuất phim truyện của điện ảnh cách mạng Việt Nam, nơi từng làm nên nền điện ảnh qua những bộ phim có giá trị về nội dung và nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Thủy phi cơ của Pháp hạ cánh ở Hồ Tây. Ảnh Tư liệu

Năm 1959 xí nghiệp sản xuất bộ phim đầu tiên là Chung một dòng sông. Trong hơn 50 năm tồn tại và phát triển, xí nghiệp đã sản xuất hơn 300 bộ phim. Cũng chính nơi đây đã sản sinh ra các nghệ sĩ tài ba là các đạo diễn, nhà biên kịch, nhà quay phim, diễn viên, ánh sáng, tiếng động...

Ngoài sản xuất phim, xí nghiệp còn có Đoàn kịch Điện ảnh. Diễn viên của đoàn là các nghệ sĩ trong biên chế của hãng. Thập niên 1970, Đoàn kịch Điện ảnh nổi tiếng với vở kịch nói: Trung phong chết trước bình minh Cách mạng của nhà văn Nguyễn Khải.

Dù là đơn vị sản xuất phim danh tiếng nhưng cơ sở vật chất của hãng cũng nghèo nàn. Giá trị nhất là kho đạo cụ. Tháng 8/2017, trong kho còn một toa tàu điện dùng làm đạo cụ khi quay bộ phim Hà Nội mùa Đông 1946, có chiếc xe Jeep và nhiều món đồ khác. Tất cả những thứ này để trong một nhà kho mà xưa là nơi bảo dưỡng thủy phi cơ. Cầu thang lên tầng 2 đã ọp ẹp phải nhẹ chân nếu không muốn nó đổ sập.

Khi Hà Nội làm con đường vòng quanh hồ, đoạn qua phía sau của hãng được đặt tên nhà văn Nguyễn Đình Thi, thì phần hậu lại trở thành mặt tiền có không gian đẹp hơn mặt phố Thụy Khuê vì trông ra Hồ Tây...

Chú thích ảnh
Dấu tích Nhà thủy phi cơ trên Hồ Tây ngày nay

Am Cô Son và thân phận mỹ nhân

Cách đây gần 200 năm, triều vua Minh Mạng xảy ra một câu chuyện khác ở chính vị trí ga của Sở Thủy phi cơ đầu thế kỷ 20 và Hãng Phim truyện Việt Nam hôm nay. Xưa chỗ này có doi đất ăn ra Hồ Tây có một cái am gọi là am Cô Son.

Ngược dòng thời gian, khu vực này là nơi người Chăm sinh sống gọi là Châu Lâm viện. Chính nơi đây một gia đình đã sinh ra một cô con gái mà lọt lòng môi đã đỏ như son nên họ đặt tên con là Son. Có thể vợ chồng này gốc Chăm. Càng lớn Son càng nõn nà. Ở tuổi trăng tròn, Son nổi tiếng khắp Hà Nội vì xinh đẹp. Nhiều gia đình giàu có nhờ mai mối đánh tiếng cho Son về làm dâu nhưng cha mẹ Son chưa nhận lời, họ như muốn chờ ý trung nhân cho con gái có chỗ dựa ấm áp.

Về phần Son, cô lại có cảm tình với một khóa sinh nghèo tên là Hồng. Hai người tình cờ gặp nhau trong lễ hội đầu Xuân của làng. Họ ngầm cảm mến nhau nhưng khóa Hồng không dám nhờ mai mối vì biết gia cảnh mình nghèo khó.

Lúc này, triều đình cho người đi khắp các vùng trong nước tuyển phi cho vua. Theo lời đồn, bọn họ đến phường Thụy Chương và bất ngờ trước vẻ đẹp của Son. Và cô được ghi tên đầu trong danh sách mỹ nhân Bắc Hà.

Bố mẹ cô mừng thầm vì con rơi vào nơi nhung lụa. Rồi Son rời xứ Bắc vào Huế. Mấy năm Son ở Huế, cha mẹ cô không có tin tức gì về con gái. Nhưng một hôm triều đình báo tin về Thụy Chương, Son mắc trọng tội phải trả về nguyên quán. Giấy trả về quê ghi cô mắc tội “Đạo khuy thánh thể, thiệt thị long nhan (Nhìn trộm mình thánh, nhìn trộm mặt rồng).

Khi Son về đến nhà, cha mẹ hỏi chuyện, cô chỉ khóc, không dám trả lời. Hàng xóm thấy Son ở cung vua nay lại về nhà đã xì xầm khiến cha mẹ cô ra đường phải cúi mặt, không dám nhìn ai. Mãi sau này, trong họ có người làm quan trong Huế cất công dò hỏi mới rõ ngọn nguồn. Thì ra, vua là người có tính đa nghi. Lệ là cung nữ được đến hầu chăn gối thì đêm ấy đều phải buộc dải lụa đen ngang mặt để che mắt, không được phép nhìn rõ mặt vua. Khi Son được vua vời, cô khấp khởi mừng thầm, sẽ đẻ con và được phong chức hậu. Nghĩ thế nên cô không kiềm chế được tính tò mò đã lén lút hé dải lụa che mắt ra nhìn. Và bất ngờ bị phát hiện, vua đã quy tội Son là “đại nghịch, bất kính” tức khắc truyền “bãi ngự”, sai làm giấy tờ cho về quê.

Cung nữ bị thải coi như đồ bỏ đi vì quan địa phương không dám lấy, sợ đụng vào thứ từng là của vua. Còn khóa Hồng một thuở nay đã yên bề gia thất. Chàng biết chuyện, bụng nghĩ muốn nối lại thì Son cũng không thể vì cô cảm thấy bẽ bàng hổ thẹn, kể cả làm lẽ mọn. Chưa 30 tuổi nhưng Son dù không góa bụa cũng coi như góa bụa.

Chán cuộc đời đen bạc và bất công, cô bỏ nhà ra doi đất trán khỉ ở Hồ Tây lập một cái am nhỏ thờ Phật, trồng hoa chờ ngày kết thúc cuộc đời buồn thảm của mình. Dân trong vùng gọi là am Cô Son với niềm thương cảm, xót xa. Sau khi cô Son mất, cái am vẫn còn, đến thập niên 1920, khi quân đội Pháp xây Sở Thủy phi cơ họ đã phá am.

Thân phận của Son đã được nhiều người viết thơ, làm câu đối. Có những câu thơ câu còn lưu đến ngày hôm nay:

Thanh tịnh gửi thân đâu hơn trán khỉ

Phồn hoa tỉnh mộng còn gớm mặt rồng

Một nhà viết chèo lấy thân phận cô Son viết thành vở chèo tên là Cô Son. Vở này được nhiều đoàn dàn dựng và diễn từ những năm 1960 cho đến hôm nay. Sinh con gái đẹp trong chế độ phong kiến có khi là thảm họa. Son sinh ra không đúng thời. Nếu cô sinh ra ngày hôm nay thế nào cũng được gọi là hotgirl, đi thi nhan sắc mà giành vương miện, sẽ có đại gia sẽ săn đón. Cái thời hóa ra rất quan trọng!

Từ chùa Bà Đanh đến trường Bưởi

Về sự vắng vẻ, thay vì nói “vắng quá” hay “có ai đâu” nhiều người nói “vắng như chùa Bà Đanh”. Xuất xứ của thành ngữ này thế nào?

Vào thời Lê, do những biến động lịch sử mà có một số người Chăm sinh sống ở phường Thụy Chương bên cạnh Hồ Tây trong một khu gọi là Viện Châu Lâm. Vua Lê Thánh Tông đã cho xây một ngôi chùa tại đây gọi là Châu Lâm.

Theo thời gian, xã hội phong kiến thay đổi, một số người Chăm trở về quê, số khác lấy vợ lấy chồng người Việt chuyển đi nơi khác sinh sống khiến Viện Châu Lâm vắng vẻ, còn chùa Châu Lâm càng hoang vu lạnh lẽo. Chùa xập xệ do không được tu sửa. Tấm bia Chính Hòa 20 (1699) có ghi: “Châu Lâm tự hiệu là chùa Bà Đanh”. Sở dĩ có tên nôm là Bà Đanh vì Bà Đanh là người trông coi chùa một thời gian dài. Vì vắng người đến chùa lễ bái nên thấy nơi nào vắng vẻ người ta nói “vắng như chùa Bà Đanh” và câu này đã trở thành thành ngữ. Trong Tụng phú Tây Hồ có câu: “Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa”, câu thơ nói lên thực trạng chùa thời kỳ nhà thơ sống.

Tuy nhiên có một ngôi chùa cũng tên là Bà Đanh ở xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Vùng này cũng lưu truyền câu “Vắng như chùa Bà Đanh” và người ta giải thích vì chùa nằm xa khu dân cư ở vị trí hẻo lánh, ít người qua lại.

Câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” ám chỉ sự vắng vẻ trong chùa vì không có người đến lễ bái chứ không phải vắng người qua lại nên có thể khẳng định câu thành ngữ bắt nguồn từ chùa Bà Đanh ở bên Hồ Tây.

1892, một nhà tư bản Pháp tên là Schneider đã được thành phố nhượng lại khu đất để xây cơ sở in và sản xuất giấy thì chùa bị dỡ bỏ. Những gì còn lại được đưa về chùa Phúc Long - chùa của làng Thụy Khuê. Vì có đồ thờ của chùa Bà Đanh nên dân làng Thụy Khuê lấy chữ Phúc của chùa Phúc Long ghép với chữ Lâm của chùa Châu Lâm thành chùa Phúc Lâm (nay ở ngõ 199 phố Thụy Khuê).

Năm 1908, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập Collège du Protectorat đặt trường ở chính cơ sở của Schneider.

Vì Thụy Khuê xưa thuộc vùng Bưởi, nên những học sinh có tinh thần phản kháng lại người Pháp gọi là trường Bưởi, nhằm không gọi cái tên chính thức người Pháp đặt. Tháng 6/1945, tên Collège du Protectorat bị xóa bỏ, thay bằng tên mới là Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An (Trường Trung học Chu Văn An).

(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm