Kiều Nhậm Lương chết, đừng bỏ qua mối nguy của chứng trầm cảm

19/09/2016 14:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cái chết của nam diễn viên kiêm ca sĩ nổi tiếng Trung Quốc Kiều Nhậm Lương, với nguyên nhân được cho là tự vẫn do trầm cảm, đã gây sự quan tâm lớn của công chúng. Họ đặt ra câu hỏi, liệu có phải các chuyên gia y tế đã bỏ qua mối nguy của trầm cảm?

Theo cảnh sát, Kiều Nhậm Lương (28 tuổi) được tìm thấy đã chết trong một căn hộ ở Thượng Hải vào hôm 16/9. Cảnh sát bác bỏ khả năng anh bị chơi xấu và hiện họ đang tiến hành điều tra để biết được nguyên nhân cái chết.


Nam diễn viên kiêm ca sĩ Trung Quốc nổi tiếng Kiều Nhậm Lương

Khi tìm thấy Kiều Nhậm Lương cảnh sát phát hiện ra trên cơ thể anh có nhiều vết thương, có thể do tự hành hạ bản thân.

Kiều Nhậm Lương từng là vận động viên điền kinh. Anh đã đoạt vô địch quốc gia nhảy cao. Kiều Nhậm Lương nổi danh sau khi tham gia chương trình My Hero hồi năm 2007 và đoạt giải nhì. Anh còn được chọn hát ca khúc chủ đề quảng bá cho Windows 7 của Microsoft ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vài năm trở lại đây, Kiều Nhậm Lượng chú tâm tới đóng phim truyền hình và phim truyện nhựa. Kiều Nhậm Lương đã chinh phục được lượng lớn người hâm mộ với các vai diễn của anh trong phim Legend of Lu Zhen (Lục Trinh truyền kỳ); To Youth 2, Our Ten Years (10 năm của chúng ta) cùng một số vai diễn khác.


Kiều Nhậm Lương từng là vận động viên điền kinh

Warner Music China, công ty đã ký hợp đồng với Kiều Nhậm Lương, tuyên bố ngôi sao đã bị trầm cảm từ hồi năm ngoái và đã mắc chứng mất ngủ từ nhiều năm qua. Vài tháng trở lại đây, Kiều Nhậm Lương đã cố gắng chữa trị và tình trạng đã phần nào được cải thiện.    

Theo báo giới, Kiều Nhậm Lương luôn tỏ ra là người lạc quan vậy nên nhiều đồng nghiệp của anh không biết anh mắc chứng trầm cảm. Kiều Nhậm Lương có 10,8 triệu bạn bè trên trang mạng xã hội. Đám tang của anh sẽ được tổ chức ở Thượng Hải.


Kiều Nhậm Lương trong phim "Lục Trinh truyền kỳ"

Yang Lei, bác sĩ tâm lý tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, cho biết, chứng trầm cảm thường nảy sinh trong các gia đình. Căn bệnh này cũng ảnh hưởng tới những người khuyết tật.

“Người có những dấu hiệu mắc chứng trầm cảm nên nhanh chóng tới bác sĩ để uống thuốc ngăn chặn bệnh phát triển hoặc tìm kiếm sự tư vấn tâm lý. Nhằm giảm thiểu được chứng trầm cảm thì toàn xã hội chứ không chỉ riêng các bác sĩ nên làm việc để loại bỏ được các nguyên nhân, trong đó có những nỗ lực giảm đói nghèo, trợ giúp người tàn tật và giảm áp lực” – theo Yang Lei.

Tuấn Vĩ
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm