Kịch hát 'Ngàn năm mây trắng' – thử nghiệm mới cho sân khấu Việt

28/08/2019 14:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Văn hóa nghệ thuật luôn đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo, đổi mới thường xuyên để phù hợp với xã hội hiện đại, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay. Nghệ thuật sân khấu Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quy luật này.

Khởi công dựng vở kịch hát 'Ngàn năm mây trắng'

Khởi công dựng vở kịch hát 'Ngàn năm mây trắng'

Ngày 18/7, tại Hà Nội, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức lễ khởi công tác phẩm kịch hát “Ngàn năm mây trắng”. Vở kịch được dàn dựng và đăng ký tham dự Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội - 2019, do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức.

Lần đầu tiên trên sân khấu kịch nước nhà có một vở diễn kết hợp nhuần nhuyễn 4 loại hình nghệ thuật truyền thống là cải lương, hát chèo, hát xẩm và hát văn Huế, hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem những trải nghiệm thú vị.

Tôn vinh giá trị truyền thống

Vở kịch hát Ngàn năm mây trắng do Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, dù chưa chính thức ra mắt công chúng nhưng đã nhận được sự khích lệ của đông đảo giới chuyên môn.

Lấy cảm hứng các câu chuyện cổ tích, các truyền thuyết về Hòn Vọng Phu tại vùng đất biên ải Lạng Sơn, Ngàn năm mây trắng kể về hành trình nàng Tô Thị bồng con đi tìm chồng là Trần Khôi. Dù gặp nhiều khó khăn thử thách nhưng Tô Thị vẫn quyết tâm tìm bằng được người chồng nàng yêu, bởi lẽ nàng không tin rằng chồng mình đã chết. Nàng đi khắp nơi tìm chồng, cuối cùng hóa thành hòn vọng phu trên đỉnh núi…

Theo dõi vở diễn, cảm giác nàng Tô Thị như người dẫn chuyện đưa người xem đi tới nhiều miền không gian với nhiều câu chuyện khác nhau. Mỗi lớp không gian dường như trở nên lung linh hơn với vẻ đẹp của các loại hình âm nhạc dân tộc. Trong suốt 90 phút của vở diễn, khán giả đã vừa thổn thức theo hành trình tìm chồng của nàng Tô Thị, vừa được đắm mình trong một "bữa tiệc" ca kịch dân tộc thông qua sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các loại hình nghệ thuật đậm đặc yếu tố truyền thống từ cải lương (làn điệu Chiêu quân, Vọng cổ, Lý chiều chiều) hát chèo (lẩy Kiều, Vỉa ngâm), hát xẩm (Xẩm chợ, Xẩm ba bậc) hay làn điệu trống quân trong hát văn Huế...

Chú thích ảnh
Ê kíp dàn dựng vở kịch hát "Ngàn năm mây trắng". Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, thiết kế sân khấu, tạo hình đặc sắc trong thiết kế phục trang… mang đến cho người xem một không gian nghệ thuật "đậm đặc" nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, những hình ảnh mang phong cách tranh dân gian Việt Nam được thay đổi liên tục từ chiếc đèn kéo quân để tạo phông sân khấu đã tạo hiệu ứng đặc biệt khi đặc tả không gian, thời gian của các lớp kịch...

Có thể nói rằng vở Ngàn năm mây trắng mang đến dấu ấn đậm nét về một tác phẩm sân khấu mang âm hưởng dân gian đương đại với khả năng tôn vinh nét đẹp của những loại hình nghệ thuật truyền thống.

Ngàn năm mây trắng có sự tham gia của 2 đạo diễn nổi tiếng của sân khấu Việt Nam. Đó là Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam và Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam. Trong đó, Nghệ sỹ nhân dân Thanh Ngoan phụ trách các phần hát chèo, hát xẩm, hát văn Huế. Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên phụ trách phần hát cải lương.

Đây cũng là lần đầu tiên trên sân khấu kịch Việt Nam xuất hiện một vở diễn hay và lạ, mang tính đột phá, kết hợp và phát huy nhuần nhuyễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống nhưng vẫn mềm mại, tạo xúc cảm mạnh với người xem ở nhiều phân cảnh.

Thử nghiệm thú vị cho sân khấu Việt

Có thể nói, sự khéo léo trong xây dựng tình huống hợp lý từ chuyện nàng Tô Thị trên đường đi tìm chồng, đi qua nhiều những vùng đất khác nhau, ở mỗi vùng lại gặp một loại hình nghệ thuật khác nhau..., sự phối hợp nhịp nhàng, nối tiếp liên tục của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đã tạo nên sự êm ái, ngọt ngào, truyền cảm cho người xem, khiến họ thích thú khi được trải nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật trong cùng một vở diễn mà không cảm thấy nhàm chán hay khiên cưỡng.

Nhiều khán giả sau khi xem vở diễn không khỏi thán phục các nghệ sỹ, thậm chí, có người còn ví vở diễn là một "bữa tiệc" âm nhạc dân tộc với rất nhiều "món ngon". Một "bữa tiệc" âm nhạc mang đến cho người xem cảm giác thú vị, thư thái và nhẹ nhàng lay động khán giả. Từ cốt truyện, nhân vật trung tâm là nàng Tô Thị, vở diễn đã xây dựng nên một hình tượng về người phụ nữ thủy chung trong tình yêu mà ai nhắc đến nàng cũng cảm thấy xao lòng.

Nghệ sỹ Ưu tú Quang Khải, người đảm nhiệm vai kẻ phản bội Trương Lỗ trong vở kịch chia sẻ, bản thân anh cũng không ngờ rằng, giai điệu của các loại hình âm nhạc dân tộc vang lên trên sân khấu trong cùng một vở diễn lại có thể hòa quyện với nhau nhuần nhuyễn và "ngọt" đến thế…

Còn đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên cho biết, ban đầu, khi mới lên ý tưởng hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc trong một vở diễn, anh cũng rất lo lắng. Nhưng qua buổi diễn thử nghiệm, khán giả rất thích thú, giới chuyên môn cũng nhận xét tích cực, khiến anh và ê kíp sáng tạo yên tâm, tự tin hơn.

Với những thử nghiệm mang tính đột phá, thông qua Ngàn năm mây trắng, tập thể nghệ sỹ muốn đưa đến cho khán giả cái nhìn tổng quan về văn hóa dân gian, truyền thống của Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên nói.

Văn hóa nghệ thuật luôn đòi hỏi phải có sự tìm tòi, sáng tạo để phù hợp với xã hội hiện đại. Đặc biệt trong điều kiện xã hội phát triển như hiện nay, con người với tri thức ngày càng cao, nhu cầu thẩm mỹ thay đổi, nhiều người không chấp nhận cái cố hữu trong một thời gian dài. Vì vậy, yêu cầu phải có thử nghiệm để tìm tòi xu hướng mới phù hợp với xã hội đương đại, tạo thành giá trị của thời đại là tất yếu, ngành nghề nào cũng phải đáp ứng yêu cầu này chứ không riêng gì nghệ thuật sân khấu...

Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên cho rằng, yếu tố thử nghiệm luôn cần thiết và rất quan trọng với sự phát triển của sân khấu. Nếu cứ bắt khán giả xem mãi những vở diễn na ná nhau, không có yếu tố mới, không mang đến cảm quan, gợi ý mới, chắc chắn khán giả sẽ chán. Chính vì vậy, việc thử nghiệm để tìm xu hướng mới, con đường mới trong nghệ thuật là điều hết sức cần thiết.

"Thử nghiệm không nhất thiết phải là sự thay đổi to tát, chỉ là những ‘phép thử’ với điều ta chưa từng làm bao giờ. Nhưng dù thế nào, phép thử đó phải hướng đến công chúng, hướng đến khán giả, đặc biệt là khán giả Việt Nam", Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên khẳng định.

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm