Kịch 'Đêm thiên nga': Thách thức khán giả giải trí

12/09/2014 09:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Kịch Hoàng Thái Thanh đã có suất diễn ra mắt sân khấu mới tại Nhà thiếu nhi quận 10 (139 Bắc Hải, TP.HCM) bằng vở Đêm thiên nga, phóng tác từ Khúc hát thiên nga của Anton Chekhov, đạo diễn Ái Như. Vở kịch một màn, hai nhân vật, dựng theo phong cách cổ điển Pháp, lúc cao trào cũng là lúc kết thúc, nên thật sự thách thức với khán giả giải trí hôm nay.

Chọn vở kịch này, có lẽ Hoàng Thái Thanh muốn tỏ bày hai điều: 1) họ vẫn sẽ theo đuổi phong cách kịch đã định hình từ 25 năm qua; 2) việc xem sân khấu như một thánh đường đã phai mờ tại nhiều sân khấu hôm nay, nhưng tinh thần ấy vẫn cần được ghi nhớ.

Trước khi công diễn, NSƯT Thành Hội nói rằng trong hai tuần gần đây Hoàng Thái Thanh đã cố gắng chuyển khoảng 30 “ngôi nhà” về trụ sở mới, vì họ sẽ lần lượt diễn lại 30 vở đã dàn dựng trong 4-5 năm gần đây.

Cải biến kịch cổ điển

Đạo diễn Ái Như kể rằng mình đã bị Anton Chekhov hớp hồn khi còn là sinh viên, nên từ 15 năm trước họ đã dựng vở này với tên gọi Bóng thiên nga.

Trong nguyên tác với chừng 2.500 chữ, đó là cuộc đối thoại giữa Vasili Svietlovidoff (một diễn viên hài, 68 tuổi) với Nikita Ivanitch (ông già nhắc tuồng) về sân khấu, về nghề diễn. Trong Đêm thiên nga với khoảng 90 phút diễn, cũng là cuộc đối thoại đó, giữa diễn viên già Piotr và ông già nhắc tuồng Boris, nhưng đã có nhiều phóng tác.


Cảnh trong Đêm thiên nga. Ảnh: Văn Bảy

Phóng tác đầu tiên là họ cho Piotr chết sau một lớp diễn đầy hưng phấn, trong nguyên tác thì cả hai cùng rời khán phòng và màn nhung từ từ khép lại. Kế theo là họ đưa nhiều lớp diễn kinh điển trong các vở của W. Shakespeare vào câu chuyện, trong khi nguyên tác khá mờ, chỉ có mỗi Hamlet là tuơng đối.

Sự “liên văn bản” và “liên không gian” này tưởng như là “cái cớ” của kịch, nhưng thực chất là một cải biến thú vị. Vì W. Shakespeare thường viết kịch theo 3 nguyên tắc của kịch cổ điển châu Âu; có nhiều điểm khác với kịch cổ điển Pháp và kịch của Anton Chekhov (Nga). Vở Đêm thiên nga dựng theo luật tam duy nhất của kịch cổ điển Pháp, trong khi Anton Chekhov tìm cách cải biến điều này bằng kịch ngắn, chỉ giữ lại nguyên tắc “duy nhất về hành động”. Nhìn ngược hành trình như vậy để thấy rằng Đêm thiên nga không cổ điển hoặc cũ như cảm giác bề ngoài.

Chỉ có một điều hơi tiếc, giá như Đêm thiên nga súc tích và đương đại hơn về ngôn ngữ đối thoại thì tinh thần cải biến cổ điển sẽ gần gũi hơn với người xem ngày nay.

Thánh đường lạc lõng

Trong Đêm thiên nga, cứ ngày 15 hàng tháng thì Boris lại đến nhà hát chăm lo phục trang, đạo cụ dù biết rằng người ta sắp biến nơi đó thành trường đua ngựa. Cuộc đối thoại và hình ảnh của Piotr, Boris như là những ví dụ sinh động về ngày tàn của tinh thần kịch cổ điển.

Trong lời tuyên thệ dưới lưỡi gươm của Piotr trước khi thành diễn viên, Boris đã nói những câu như: “Hãy để những đôi giày bẩn bên ngoài thánh đường nghệ thuật”; “Người nghệ sĩ phải yêu nghệ thuật trong mình, chứ đừng bao giờ yêu mình trong nghệ thuật!”. Thế nhưng đây cũng chính là lời cảnh tỉnh về một giai đoạn mà sân khấu Việt gần như lệ thuộc hoàn toàn vào giải trí và kiếm tiền, thánh đường cũ đã trở nên lạc lõng.

Trước khi mở màn, Ái Như mượn lời nhạc mà Phạm Duy phổ thơ Lê Lan để tỏ bày quyết tâm của mình trong nước mắt: “Tôi đang mơ giấc mộng dài/ Đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh”. Trong Đêm thiên nga, nhiều câu thoại gốc trong nguyên tác đã được giữ lại, ví dụ: “Ở đâu có nghệ thuật và tài năng, ở đó không có tuổi già, không có cô đơn bệnh tật và cái chết chỉ là một nửa!”. Cho nên, dù khá thách thức với khán giả đa phần chuộng giải trí, nhưng Đêm thiên nga lại là tiếng nói đáng trân trọng mà dường như Hoàng Thái Thanh đã ôm ấp trong suốt 25 năm qua.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm