Kịch chuyển thể từ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư: Sốt vé đến hết 2010!

27/11/2010 14:20 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sắp kết thúc năm 2010, nhìn một lượt các vở diễn đã sáng đèn trong năm tại TP.HCM, có nhiều ý kiến chủ quan (vì không có tiêu chí để so sánh) cho rằng Nửa đời ngơ ngác (KB: Trần Mỹ Trang - Hoàng Thái Thanh, ĐD: NSƯT Thành Hội, chuyển thể từ truyện ngắn Chiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư) là vở kịch xuất sắc nhất.

1. Thật khó để đồng tình hay bác bỏ nhận định này, chỉ có điều kể từ khi công diễn (31/10), cho tới nay, vở diễn đã bán gần như hết vé các suất diễn đến hết năm 2010, mỗi suất hơn 460 chỗ, tính cả ghế xúp.

Từ truyện ngắn cho đến kịch, cái cớ của câu chuyện tưởng rằng rất mỏng và khá cũ: chuyện tình trái ngang vì người mẹ trọng giàu sang mà ép duyên con gái, khiến hư thai, người tình cũ ở tù oan trở về với lòng thù hận và sống trong hận thù (nhưng không trả) gần 20 năm. Thế nhưng, với lời thoại trau chuốt, các tình tiết hợp lý, cách diễn xuất sâu lắng… lại làm cho chủ đề về tình yêu, luân lý, sự thù hận và tha thứ thêm chân thực. Các yếu tố này quyện chặt vào nhau trong hệ lụy nhân quả, vì yêu mà phạm luân lý, vì luân lý mà thù hận, vì thù hận dai dẳng, khiến cho sự dằng xé đi đến tột cùng, mà tha thứ.

Xem hết màn 1, cảm giác chung của khán giả là sự “ngơ ngác” vì tiếc thương cho mối tình đẹp; và hoài nghi về sự vĩnh cửu của tình yêu. Y như sự nghi ngờ trong tạp văn ngắn có tên Nửa đời ngơ ngác của Nguyễn Ngọc Tư, viết năm 2006. “… Nó nghi ngờ những mối tình xuyên qua kiếp này, kiếp sau, sau nữa, ai mà kiên nhẫn dữ vậy?! Nó nghĩ giá trị của những lời thề hẹn chỉ như chọi cục đá xuống ao bèo. Nó ngờ ngợ khi thấy đôi trai gái đi qua, không biết cuộc tình này được bao lâu, chưa chắc có đám cưới… Nó dửng dưng, nguội ngơ trước những khóc, cười của người đời, bởi cảm xúc vừa nhen nhóm đã tắt rụi bởi ý nghĩ, thấy ngoài mặt cười, khóc vậy, thân thiết vậy nhưng chưa biết lòng dạ làm sao à nghen”.


Cảnh trong Nửa đời ngơ ngác

Để khi vở kịch hạ màn, những tiếc thương và hoài nghi đó thành ra một nỗi buồn không đoán trước được. Như đoạn kết, cũng trong tạp văn Nửa đời ngơ ngác: “… Bữa nay, nó nhận ra mình buồn quá, khôn mà buồn. Biết nhiều mà buồn. Tỉnh táo mà buồn. Trải đời mà buồn. Ngoái lại thì thời vui nhất đã bỏ đi lâu rồi, từ lúc hoài nghi lên ngôi. Nó bỗng thèm được như đứa cháu, nhìn mưa tháng Bảy nẫu nuột mà lòng vui, vì biết cữ này có đôi lứa gặp nhau, trên trời”.

So với những chuyển thể của các đạo diễn khác, dường như Thành Hội đã “gần” với Nguyễn Ngọc Tư hơn cả, anh lột tả được nhiều nhất sự chân chất của hồn đất - hồn người Nam bộ; lột tả được nỗi buồn sâu lắng, miên man và gần như không hồi kết của con người nơi đây - qua cái nhìn của nhà văn. Một phận đời ngơ ngác giữa mênh mông là buồn.

2. Một điểm khác với truyện ngắn Chiều vắng là kịch bản đã “đẻ thêm” ba nhân vật có tính hòa giải, cắt nghĩa… để tăng sự hợp lý cho các tình huống kịch, mà trong văn học lại không cần đến.

Sự đẻ thêm này, ngoài đáp ứng yêu cầu của thủ pháp dàn dựng, thường dễ đẩy vở diễn vào thế khó xử vì sự chênh lệch tâm lý giữa nguyên tác và chuyển thể. Thế nhưng, vở này đã ráp nối rất hợp lý, các nhân vật đã giống như “một mẹ đẻ ra”, không trội, không lệch.

Sự đẻ thêm đầu tiên phải kể đến là nhân vật Lan “dẹo” (do Như Phúc đóng), một vai diễn cương, có tính hài - chắc đạo diễn muốn câu chuyện bớt buồn một chút.

Một sự đẻ thêm nữa là cặp đôi Tư Hết (Quang Thảo) và Hoài (Kim Phước), chính đám cưới của họ đã đưa đẩy Út Lý (Hồng Ánh) đến gần với Tư Nhớ (Trí Quang), dù Tư Hết đã có mười mấy năm đeo đuổi Út Lý. Dường như ở cái xóm Rạch ít người này, mọi người, mọi chuyện đều phải “dính chặt” với nhau.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm