'Khúc ru trầm' - Một hiện tượng thơ phổ nhạc

20/01/2022 08:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tập nhạc Khúc ru trầm gồm 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh của gần 40 nhạc sĩ nổi tiếng ba miền đất nước như: Phan Huỳnh Điểu, Lê Anh, Trọng Đài, Nguyễn Cường, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Duy Khoái, Thế Bảo, Quỳnh Hợp, Nguyễn Thụy Kha, Phạm Đăng Khương, Trần Ái Nghĩa, Nguyễn Đình Thậm…

73 tác phẩm được trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2021

73 tác phẩm được trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2021

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởngÂm nhạc Việt Nam năm 2021, vinh danh các nhạc sỹ, nghệ sỹ và công diễn một số tác phẩm đoạt Giải thưởng Âm nhạc năm 2021.

Tập sách được tác giả chăm chút tổ chức biên tập, trình bày ấn tượng, với gần 40 chân dung các nhạc sĩ do họa sĩ Đặng Tiến ký hoạ.

1. Con số 77 ca khúc được phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã đạt kỷ lục về số lượng. Đó cũng là một câu hỏi làm cho ta phải đi tìm câu trả lời về một hiện tượng khá đặc biệt trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.

Trong thơ, tác giả luôn có ý thức tạo dựng một câu trúc ngôn ngữ thơ của mình theo hướng quan tâm đến nhịp điệu, gieo vần. Cho nên, đọc bài thơ nào cũng thấy âm hưởng nhạc điệu ngân vang của một giọng thơ trữ tình mênh mang sâu lắng, chân thành cùng những nghiệm sinh lao đao thế sự.

Vẫn là những hình ảnh rất gần gũi với đời người như làng quê gắn bó thiết thân với bến sông, con đò, cha mẹ, người tình, tuổi thơ, trưởng thành, phố thị, nhưng tất cả đã trở thành những thi ảnh vừa ẩn dụ sâu hút bởi những rung động khẽ khàng lan tỏa. Chính ca từ đẹp trong mối giao hòa với âm nhạc đã làm cho ca khúc cất cánh thăng hoa được nhiều người quan tâm.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Những bài thơ như Hoa ven sông , Hoa và dòng sông, Đôi khi, Mưa Bình Dương, Quê mẹ, Sông tôi, Khi xa mặt đất, Qua đò nhớ mẹ, Làng… được viết theo thể thơ lục bát, 5 chữ, 7 chữ xen kẽ ngắn dài, khi đọc lên đã vang vọng cung bậc tiết tấu như ca khúc. Chính điều này là một điểm cộng trong những sáng tác của Hạnh, là cộng hưởng liền lạc giữa thơ và nhạc để trở thành mối tương giao đồng điệu chất ngất những cảm xúc đã neo đậu trong lòng người nghe.

Bài Làng đã được các nhạc sĩ tập trung khai thác từ ý và lời, như Phan Huỳnh Điểu, Trịnh Tuấn Khanh, Đình Thậm, họ đều tìm thấy những cung bậc rung cảm chất ngất, miên man niềm cảm hứng tâm tình đồng vọng trong lòng bởi ca từ vừa ngọt ngào thấm đẫm tình yêu và nỗi nghẹn ngào chơ vơ, lẻ loi trống vắng khi phải xa ngôi làng yêu dấu: “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi chập chờn… Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi”… Những điệp khúc lay động như nỗi nhớ cứ dâng trào đến nghẹn buốt.

Chú thích ảnh
Tập nhạc “Khúc ru trầm” vừa phát hành

Bài Đêm Xa làng do Đình Thậm phổ nhạc, ca từ cứ như man mác thăm thẳm nỗi buồn “cằn cựa đến xa xăm”: “Đêm mưa buồn gió rét lặng căm/ Tiếng ai gõ mạn thuyền trên sông/ Mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm”. Bài hát đã đoạt Giải Nhì (không có Giải Nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2019.

Bài hát Hà Nội mình tôi của nhạc sĩ Hoài An và bài Hà Nội phố đêm của Thế Bảo với lời thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh: “Chỉ mình tôi côi cút phố đêm/ Ngỡ như lạc vào cõi khác/ Ở đây bốn bề dịu ngọt/ Mà bơ vơ từng buổi lặng thầm…” đều có những điệu thức cung bậc tùy thuộc vào tâm thế hoàn cảnh khác nhau của mỗi người.

2. Có lần, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh từng thổ lộ: “Khi đọc bài thơ Làng của Nguyễn Ngọc Hạnh, tôi rất xúc động, cứ cảm thấy đúng như tâm trạng của mình - mình ra đi từ làng rồi về sống trong phố mà cứ ray rứt vương vẫn với nỗi dằn vặt của cuộc sống lưu lạc mà lòng lại chênh chao nỗi nhớ “giờ làng sống trong tôi”, tác giả như nói hộ giùm tôi những suy nghĩ, tâm tư mà mình không nói được nên dù biết bài này nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Phan Huỳnh Điểu, Đình Thậm đã phổ thơ, tôi vẫn mạnh dạn phổ lại bài thơ này theo góc cảm nhận của riêng mình …”.

Chú thích ảnh

Nhạc sĩ Trọng Đài là người phổ thơ tới 9 bài thơ của Hạnh, chiếm số lượng lớn nhất (Phố núi là quê, Biển lặng, Đà Nẵng trên cao, Giấc mơ cỏ xanh, Chợ quê, Nhớ Hội An, Lục bát qua sông, Lời yêu, Tìm lại tuổi thơ). Giải thích việc nhạc sĩ Trọng Đài vì sao phổ nhiều bài thơ như thế, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: Có lẽ nhạc sĩ và nhà thơ đã bắt được tần số cộng hưởng giữa thơ và nhạc, giữa tri âm, buồn vui bất chợt giữa cuộc đời này…

Từ lâu, Nguyễn Ngọc Hạnh hiểu rất rõ mối lương duyên giữa thơ và nhạc, chính nhạc sẽ phát tán ánh sáng làm cất cánh cho thơ, trở thành tác phẩm giá trị “còn mãi với thời gian”. Anh từng tổ chức ra mắt, trình diễn những đêm thơ và nhạc như Nguyễn Ngọc Hạnh - Ký ức dòng sông, cùng những chương trình văn nghệ Sông chỉ một dòng do Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng, và Quảng Nam, Dáng quê trên VTV Đà Nẵng với sự tham gia giàn dựng của chính nhà thơ.

Có lẽ, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã tạo nguồn cảm hứng, sự đồng cảm, đồng vọng sẻ chia, sức hấp dẫn của ngôn từ đối với giới sáng tác âm nhạc nên không lạ gì khi thơ anh được nhiều người phổ nhạc.

Hơn 40 năm cầm bút, Nguyễn Ngọc Hạnh đã có 77 ca khúc đã phổ thơ của anh, một số lượng đáng trân trọng trong đời thơ của mình. Năng lượng sáng tạo của anh vẫn không ngừng mạnh mẽ tuôn trào, sẽ còn tiếp tục dâng cho đời, cho các nhạc sĩ những sáng tác mới trong mối lương duyên kỳ ảo giữa thơ và nhạc.

Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Ngọc Hạnh sinh năm 1953 tại Đại Lộc (Quảng Nam), là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ông hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng.

Hồ Sĩ Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm