'Không hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển'

27/07/2018 18:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay (27/7), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hội nghị Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững do Bộ VH,TT&DL tổ chức.

Hội nghị nhằm đánh giá về tình hình di sản thế giới tại Việt Nam và công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam vì sự phát triển bền vững.

Tham dự Hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Michael Croft; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học.

Chú thích ảnh
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN 

Hội nghị gồm nhiều tham luận báo cáo về: Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững; Cơ chế hoạt động giữa Việt Nam và UNESCO trong việc thực hiện các Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản thế giới; Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh vì sự phát triển bền vững; Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi với vấn đề phát triển sản phẩm du lịch; Sử dụng nguồn lực quốc gia và quốc tế trong việc giữ gìn không gian văn hóa- môi trường diễn xướng cho cồng chiêng Tây Nguyên; các bài học trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Huế, Hội An, Vịnh Hạ Long… 

Các nghệ nhân của các loại hình di sản văn hóa như: Bài Chòi, Đờn ca tài tử Nam Bộ, hát Then đàn Tính, dân ca Quan họ… cũng trình diễn những tiết mục tiêu biểu.

Chú thích ảnh
Các nghệ nhân biểu diễn tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ di sản là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Chúng ta phải quán triệt tinh thần là: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Vì vậy, “tuyệt đối không phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, di sản về bản chất là thuộc về quá khứ và dễ bị ngủ yên. Vì vậy phải luôn “sáng tạo, năng động” để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại hoặc phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc hoặc phải tìm các biện pháp phù hợp như cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xoá đói giảm nghèo. 

"Nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết là ngành văn hóa, là phải làm cho các di sản hồi sinh, sống động, thu hút, đặc biệt là phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu này" - Thủ tướng nói. 

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính về di sản, trong đó tập trung nghiên cứu, đánh giá những vấn đề đặt ra sau hơn 10 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa.

Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, tăng cường bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Nghiên cứu đề xuất việc phân cấp quản lý di sản cụ thể, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm. Phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân trực tiếp tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vừa được trực tiếp hưởng thụ thành quả do hoạt động này mang lại.

Xử lý hài hòa quan hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và bảo vệ môi trường. Kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ của ngành di sản văn hóa từ Trung ương đến cơ sở. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; khẩn trương số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác.

Trên cơ sở kết quả hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản vì sự phát triển bền vững.

Thay mặt lãnh đạo Bộ VH, TT&DL, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng, các ý kiến tham luận, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, trung ương, địa phương, các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước triển khai thực hiện chủ trương đường lối của Đảng về lĩnh vực văn hóa, tiếp tục thúc đẩy công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong thời gian sắp tới bằng công việc cụ thể, đạt hiệu quả và bền vững.

Hoài An

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm