Khám phá sự biến hóa của nét trong tranh Đông Hồ (kỳ 6 & hết): Phát triển rộng về nội dung nhưng cần nâng cao giá trị đường nét

20/04/2022 18:58 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra thời kỳ cực thịnh của tranh dân gian Việt Nam nói chung và Đông Hồ nói riêng là từ cuối thế kỷ XIX đến vài chục năm đầu thế kỷ XX. Nói thẳng ra thì đó là thời Pháp thuộc.

Khám phá sự biến hóa của nét trong tranh Đông Hồ (kỳ 5): Nét hóa mảng trong 'Đám cưới chuột'

Khám phá sự biến hóa của nét trong tranh Đông Hồ (kỳ 5): Nét hóa mảng trong 'Đám cưới chuột'

Trong các kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu 10 nét dương, 7 nét âm và chấm âm trong tranh Đông Hồ. Bên cạnh đó, dòng tranh này luôn luôn tạo bản nét đen mà không chỉ toàn nét, họ luôn tạo mảng đen kết hợp - đậm nhạt mạnh song hành với màu rực rỡ...

Các cụ còn kể cứ cuối năm là thuyền về neo san sát ở bến sông để ăn hàng, vừa tranh, vừa hàng mã... rồi đi bán khắp mấy tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Phúc Yên... Tại sao?

Tại vì đó là thời rất tự do của kinh tế thị trường. Tất nhiên, Pháp cũng có cấm những mặt hàng mà họ độc quyền như rượu, muối... Nhưng cái gì họ không cấm thì được tự do. Đây là thời thông thương vượt bậc so với thời vua quan phong kiến trước đó. Nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ trở nên thịnh vượng vì không còn ngăn sông cấm chợ, nhũng lạm nhiều tầng... trong khi hàng được bán rộng rãi hoặc thậm chí xuất khẩu. Điều mà mà có lúc ta cho là “mê tín dị đoan”, thì hồi ấy, với Pháp có mà là... “cái đinh gỉ”! Đồ mã hồi ấy thoải mái,“tới bến” là vì thế.

Chú thích ảnh
Tranh thời Pháp thuộc: Bộ đôi tranh "Giai tứ khoái" và "Gái 7 nghề"

Phát triển đa dạng về nội dung

Tranh dân gian tăng số lượng đến tối đa các bản in tranh truyền thống, nhất là các tranh cầu phúc như Vinh hoa- Phú quý, Gà đại cát, Gà đàn, Lợn đàn... cho thỏa mãn sức mua của các gia đình nông dân trước Tết.

Nhưng rồi tranh dân gian chuyển theo hướng rất bất ngờ so với truyền thống, vì có được cái tự do đáng ngạc nhiên, bởi thoát khỏi lễ giáo phong kiến, nên họ chạy theo các đề tài “rất thoáng” mà cũng “rất choáng”. Đó là Nhảy đầm, Trai tứ khoái, Gái 7 nghề, Văn minh tiến bộ... Bây giờ ta có thể gọi đó là tranh châm biếm, tranh thế sự hoặc phê phán... gì cũng không sai. Tuy nhiên, loại tranh đó chỉ thích hợp với số ít người thưởng lãm, chứ khó lòng thuyết phục đa số các khách hàng nông gia mua về dán vách vào dịp Tết thiêng liêng của họ. Vì vậy, tranh kiểu đó khó có doanh thu đạt mức trung bình, nghĩa là thất bại về mặt kinh tế.

Chú thích ảnh
Bộ đôi tranh “Vinh hoa- Phú quý”, bên trái là làm bán thông thường nên độ nét vừa phải. Bên phải là làm xuất khẩu sang CHCD Đức nên nét rất sắc sảo, chất lượng nghệ thuật cao

Sang thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đông Hồ còn chuyển hướng mạnh nữa về nội dung. Lần này là hưởng ứng đường lối tuyên truyền của nhà nước trên 2 nội dung song song: sản xuất và chiến đấu. Nên mới có các tranh Đi cày, Ca khúc khải hoàn, Đi cấy mà súng vẫn chụm ở đầu bờ, “Dùng nông cụ cải tiến... để đạt 5 tấn thóc 1 héc ta”, “Không cho chúng nó thoát” (Bắt giặc lái Mỹ)...

Chú thích ảnh
Tranh phục vụ phong trào

Dù vậy, đó vẫn là những tranh khó bán so với các tranh như Bé ôm gà, ôm vịt (Vinh hoa- Phú quý) chẳng hạn. Nói cách khác, nếu không phải vì phong trào thì các nông gia mua làm gì! Bởi ngày Tết cổ truyền với nông dân Việt vẫn hết sức thiêng liêng, tranh cầu phúc dán vách đầu năm mới vẫn là ưu tiên 1.

Những tranh chạy theo “thời cuộc”, hoặc châm biếm thời cuộc, hoặc phục vụ phong trào... của Đông Hồ dù nhất thời được ca ngợi nhưng hết phong trào thì tranh lại ế ngay. Đây là điểm mấu chốt khác nhau về “đầu ra” so với các mẫu tranh cầu phúc của Đông Hồ đã trải qua sàng lọc tự nhiên vài thế kỷ.

Chú thích ảnh

Cần nâng cao giá trị đường nét và các tiêu chí kỹ thuật khác

Rõ ràng các tranh dân gian với nội dung về thời cuộc không thể nói là đẹp được. Chúng mang mâu thuẫn đối kháng: Hiện đại hóa về nội dung nhưng sa sút nhiều về kỹ thuật. Họ bỏ lối bố cục biểu trưng - chỉ 1 nhân vật điển hình - để chạy theo bố cục đông nhân vật đang làm việc tập thể hóa. Chữ quốc ngữ cho vào tranh không ăn ý với hình thể trong tranh. Họ khắc in cẩu thả, ví dụ tranh Dùng nông cụ cải tiến, thiết kế nhầm để in luôn cả màu xanh lá vào vành bánh xe cải tiến. Hầu hết các tranh này chỉ dùng nét đơn chạy kín đường viền hình thể chứ không nhằm tả ý tượng trưng như tranh cổ. Nói cách khác - nét đơn là chính và nét hết biến hóa.

Chú thích ảnh
Tranh thời Pháp thuộc: Bộ đôi tranh "Văn minh tiến bộ” - "Toa tăng xương" và "Phong tục cải lương”- "Moa tăng phú"

Còn một lý do khác- thiếu cơ chế thị trường. Kể từ 1945, do các nguyên nhân chiến tranh (khách quan) nên tranh dân gian chỉ tồn tại tối thiểu. Kể từ 1960 khi tất cả đã hợp tác hóa trên miền Bắc thì túi tiền mỗi gia đình có giới hạn, khó lòng chơi tranh. Mãi đến khi Đổi mới và mở cửa thì Đông Hồ và Hàng Trống mới bắt đầu nhộn nhịp trở lại, nhưng khó lòng được như ngày xưa, nhất là khách hàng, Tây du lịch mua là chính, chứ khách nội địa được mấy người?

Sự hồi sinh của tranh Đông Hồ là cơ hội để nâng cao giá trị đường nét và các tiêu chí kỹ thuật khác của tranh.

Trả lời thắc mắc của tác giả Nguyễn Nghĩa Phương về “độ nét” của tranh dân gian Đông Hồ. Bạn cho rằng, rất khó in thật nét bởi vướng 2 trở ngại là mặt giấy điệp không phẳng và dung dịch màu in của Đông Hồ khiến màu in lên giấy bị dày, chứ không mỏng.

Chú thích ảnh
Tranh thử nghiệm đưa chữ quốc ngữ vào thay thế chữ Hán - Nôm nhưng khó ăn ý giữa chữ và hình

Trước đây khi mới tìm hiểu, tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng từ khi có phần kiếm sống bằng cách dạy môn Lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam thì dần dần tôi phát hiện nhiều điều không giống như mình tưởng...

Đúng là các bản in tranh Đông Hồ, nếu ở dạng đại trà để bán nhiều, giá rẻ, ăn về số lượng... thì người ta khó lòng in thật nét.

Nhưng vào thời sau 1975, trước 1990, khi XUNHASABA - Công ty Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam) đặt hàng tranh Đông Hồ để xuất khẩu sang Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu thì đó là những bản khắc và bản in đạt chất lượng rất cao: In rất nét, dù nét rất mảnh, màu và chất rất đẹp bởi hiệu quả chồng màu.

Xin trình bày thành một hình so sánh tổng hợp dưới đây: Chỉ riêng bộ tranh Vinh hoa- Phú quý với 2 bé ôm gà - ôm vịt. Trong đó tờ tranh để xuất sang Đông Âu (nghe nói là CHDC Đức) với chất lượng cao là hình bé ôm vịt, nền điệp màu cam, ở hàng trên, thứ 3 từ trái sang. Hàng dưới toàn các trích đoạn của 4 bé. Dù thoáng nhìn thì tưởng bé ngoài cùng bên phải là nét nhất nhưng nếu có chuyên môn thì ta vẫn thấy bé trên nền cam mới là nét nhất và đẹp nhất. Các hình và nét được kiểm soát chặt chẽ - hãy so sánh 2 bé bên phải về: Nét tóc, đuôi mắt, nét bàn tay... Tương quan giữa nền và màu da: Trùng lặp ở hình ngoài cùng bên phải và nền đậm tôn da sáng ở hình thứ 2 từ bên phải. Hiệu quả in chồng màu: Nhờ có dập thêm 1 lượt điệp mà áo bụng em bé và hoa sen có chất và màu gợi cảm hơn ở hình có nền điệp màu cam của XUNHASABA. Trong khi đó hình ngoài cùng bên phải chỉ có 1 màu nâu đỏ duy nhất - tưởng cũng không sao nhưng bông sen nâu dính vào mỏ con vịt. Tuy nhiên màu vàng con vịt thì tranh ngoài cùng bên phải hay hơn.

Rõ ràng, nếu được đầu tư về mặt kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật thì hoàn toàn có thể tạo ra được những tác phẩm tranh Đông Hồ có chất lượng cao về nhiều mặt, trong đó có đường nét. Sự biến hóa của của nét phải được xem là một trong những giá trị độc đáo, đỉnh cao của dòng tranh này, cần tiếp tục giữ gìn và phát huy.

Họa sĩ Đức Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm