Khám phá những ẩn dụ trong lụa Vũ Đình Tuấn

30/06/2022 11:30 GMT+7 | Văn hoá

Tranh của họa sỹ Vũ Đình Tuấn luôn thu hút người xem bởi những mô-típ tạo hình giàu cảm xúc và tính ẩn dụ. Ở triển lãm Lụa 2022, người xem lại được chiêm ngưỡng tranh của Vũ Đình Tuấn nổi bật với phong cách tạo hình và tính ẩn dụ đặc trưng. Khám phá những ẩn dụ trong tác phẩm cũng đồng nghĩa với việc khám phá nội dung tư tưởng và ý nghĩa văn hóa của tác phẩm trong bối cảnh đương đại.

Triển lãm tranh lụa 'Ngày - đêm': 'Hơi thở mạnh' của tranh lụa đương đại

Triển lãm tranh lụa 'Ngày - đêm': 'Hơi thở mạnh' của tranh lụa đương đại

Sau thành công của triển lãm Ngày dịu dàng năm 2016 và những triển lãm chung của một số thành viên trong nhóm với các hoạt động mỹ thuật khác như Triển lãm tranh lụa và điêu khắc nhỏ năm 2018, triển lãm Thấp thoáng Đông Dương năm 2019, có thể nói, triển lãm tranh lụa Ngày - Đêm mang đến một dấu ấn đặc sắc, khẳng định lại vị trí của tranh lụa trong dòng chảy mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Lụa 2022 đang diễn ra tại không gian nghệ thuật Ánh Dương Art Space, Long Biên, Hà Nội (sẽ kéo dài đến 7/8), trưng bày các tác phẩm lụa của ٥ tác giả, trong đó có Vũ Đình Tuấn.

Những mô-típ đặc trưng

Từng bức tranh của họa sỹ Vũ Đình Tuấn luôn trở nên khác biệt và duy nhất nhờ sự sắp xếp linh hoạt các yếu tố tạo hình tạo nên mô-típ đặc trưng để nói lên những ý khác nhau trong mỗi tác phẩm.

Những mặt người thường ở vị trí trung tâm trong các tác phẩm, và từ đó câu chuyện được phát triển qua sự lồng ghép những biểu tượng của thiên nhiên hay các sự vật hiện tượng xung quanh nhân diện con người.

Chú thích ảnh
Vũ Đình Tuấn (phải) và Bùi Tiến Tuấn tại triển lãm

Mặt người là một hình ảnh ẩn dụ khởi nguồn của tác phẩm. Họa sĩ cho rằng: “Mỗi khuôn mặt là lát cắt thời gian, cảm xúc hay một trạng thái thoảng qua nhưng hết sức đặc biệt”. Những mặt người trong các tác phẩm của anh, đôi khi đầy đủ ngũ quan, có lúc lại hoàn toàn trống rỗng để chứa đựng những hình ảnh phản chiếu của thế giới bên ngoài. Khi đó, những chiếc mặt được đẩy lên một tầng biểu tượng cao hơn, mang ý nghĩa của sự phản chiếu nội tâm sâu sắc.

Mô-típ tạo hình đặc trưng tiếp đến là đèn dầu trên khuôn mặt. Hầu như mọi tác phẩm của họa sỹ đều chứa đựng hình ảnh chiếc đèn dầu, khi thì là cả chùm đèn, khi thì độc một chiếc hoặc chỉ thấy sợi dây bấc. Đèn dầu là vật dụng vô cùng quan trọng trong đời sống nông thôn Việt Nam, và những cái bấc trong đèn dầu đã gắn bó với đời sống của người Việt đến đến độ đi vào tục ngữ. Đèn dầu là ánh sáng trung tâm, ngọn lửa sáng đem đến niềm vui, hy vọng. Nhưng ngược lại, trong văn hóa Phương Đông, ngọn lửa trong chiếc đèn dầu còn ẩn dụ cho tính mong manh vô định của kiếp người: đời người như ngọn đèn trước gió.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Vườn Phương Đông 01”

Ẩn dụ trong bức tranh tổng thể

Thoạt nhìn, các bức tranh của Vũ Đình Tuấn đều sặc sỡ đầy những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp. Các sáng tác không chỉ thể hiện sự tinh tế và phong phú trong việc quan sát thiên nhiên mà từ đó, người xem còn cảm nhận được tình yêu và niềm khao khát yêu nồng nàn. Cách tác giả lồng hình ảnh thiên nhiên vào khuôn mặt khiến ta cảm nhận về nhân vật đang chìm đắm vào thiên nhiên tươi đẹp đến độ không còn nhận ra bản ngã.

Tác giả thường khai thác hình ảnh những sinh vật nhỏ bé, chăm chỉ trong bầy đàn tự nhiên như chim, cá, chấu chấu, chuồn chuồn, kiến, ốc sên, ong, thiên nga… mang đến cảm giác sum vầy hạnh phúc trong bầu thiên nhiên tươi đẹp. Thế nhưng, thiên nhiên càng đẹp đẽ trù phú thì càng đối lập với sự cô đơn của con người. Ẩn dụ về hạnh phúc cũng là ẩn dụ về nỗi buồn và niềm khao khát sống, khao khát tự do yêu thương.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Vườn Phương Đông 02”

Những biểu tượng mà tác giả sử dụng đều mang đa nghĩa. Các loài hoa đại diện cho sắc đẹp của sự sống nhưng cũng nhanh lụi tàn. Mây đem đến vẻ đẹp và màu sắc lộng lẫy cho bầu trời thường biểu tượng bằng đám mây ngũ sắc mang ý nghĩa là ngũ phúc. Mây đem mưa đến tượng trưng cho dấu hiệu tốt lành, nhưng vô định và không thể điều khiển. Những chiếc đèn dầu tượng trưng cho ánh sáng nhưng cũng vụt tắt bất cứ lúc nào. Hay hình ảnh những con cá mắc lưới cũng gợi những liên tưởng về sự bất lực của những thân phận trong cuộc sống.

Trong tác phẩm Vườn Đông Phương 02, 03, khuôn mặt được sắp xếp theo trục, như đang quay vòng, có nóng, có lạnh cho liên tưởng đến mặt trăng, mặt trời và sự tuần hoàn của cuộc sống, biểu thị của âm dương giao hòa trong thái cực, là nơi khởi nguồn của vạn vật.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Vườn Phương Đông 04”

Núi xuất hiện trong khuôn mặt của Vườn Phương Đông 04. Núi là hiện tượng đặc biệt được tôn kính. Với những đặc điểm cao, thẳng đứng, gần trời, núi tham gia vào hệ biểu tượng của cái siêu tại, siêu phàm. Núi không chỉ thể hiện cái đẹp hùng vĩ hoành tráng mà còn là biểu tuợng cho một thế giới của những ước vọng cao cả. Ở đó là nơi giao hòa của đất trời, cũng là chốn cư ngụ của cao nhân, nơi biểu trưng cho nét đẹp thanh cao của tâm hồn thăng hoa. Đưa hình ảnh núi đóng khung vào những khuôn mặt người hạn hẹp, như làm tăng thêm sự đối lập giữa kiếp người nhỏ bé hữu hạn và ước vọng, khát khao lớn lao của con người trong tự nhiên bí ẩn, huyền nhiệm.

Như vậy, tính ẩn dụ là đặc điểm có thể thấy rõ ở các sáng tác của họa sỹ Vũ Đình Tuấn. Tình yêu, niềm khát khao hạnh phúc, cũng như những nỗi buồn, suy tư về sự sống vô thường luôn ẩn hiện trong tác phẩm bằng những hình ảnh sinh động của thiên nhiên, của đồ vật xung quanh lấy ở vốn kiến thức từ truyền thống tới hiện tại.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Vườn Phương Đông 05”

Mỗi hình ảnh được thể hiện trong tác phẩm đều chứa đựng ý nghĩa và khi chúng kết hợp với nhau cùng màu sắc thì toàn thể bức tranh như thấm đượm cảm xúc và những suy tư của tác giả. Tính ẩn dụ làm tăng nội hàm ý nghĩa của tác phẩm, mở ra những liên tưởng phong phú cho người xem.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Vườn Phương Đông 06”

Vài nét về Vũ Đình Tuấn

Họa sĩ Vũ Đình Tuấn sinh năm 1973 tại Thái Bình, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2000, thực tập đồ họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Maine, Portland, Mỹ. Năm 2007, anh tốt nghiệp thạc sĩ và hiện đang làm giảng viên khoa đồ họa tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sỹ Vũ Đình Tuấn tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế và giành nhiều giải thưởng như: HCB Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005, HCĐ Triển lãm toàn quốc năm 2010, Giải đồng hạng Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam các năm 2010, 2012, Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2015, và nhiều giải thưởng mỹ thuật khác từ năm 1999 đến nay. Ngoài ra, họa sĩ có tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, bộ sưu tập Hội Mỹ thuật Việt Nam, bộ sưu tập của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm