Khám phá Hồ Tây (kỳ 12): Phan Kế Bính và 'Đêm trăng chơi Hồ Tây'

18/11/2019 19:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thụy Khuê là làng bên Hồ Tây có truyền thống văn học. Làng có văn chỉ ở cạnh đình Đoài. Về học hành, có ông Nguyễn Đoan (1473 - ?) đỗ tiến sĩ đời vua Lê Hiến Tông (1502). Đến đời Nguyễn, ít người đỗ đạt hơn, chỉ có gia đình cụ Tú nho sinh ra Phan Kế Bính là học hành cao hơn cả. Bài ký Đêm trăng chơi Hồ Tây của ông có thể coi là một áng văn tuyệt bút viết về thắng cảnh lừng danh này của Thăng Long - Hà Nội.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

Khám phá Hồ Tây (kỳ 11): 'Ổi Quảng Bá, cá Tây Hồ'

Khám phá Hồ Tây (kỳ 11): 'Ổi Quảng Bá, cá Tây Hồ'

Có vài câu không phải thành ngữ, cũng chẳng phải ca dao mà chỉ ghép lại vì cùng vần nhưng cũng đúng với thực tế khu vực Tây Hồ, “Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế” hay “Ổi Quảng Bá, cá Tây Hồ”. Cá Tây Hồ quả là nhiều.

1. Nhà Phan Kế Bính ở xóm Ngũ Tượng (nay là ngõ 125). Ông sinh năm 1875, mất năm 1921, hiệu là Bưu Văn. Ông là nhà văn, biên khảo, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa.

Xuất thân trong một gia đình khoa cử, năm 1906, ông thi Hương, đỗ cử nhân, nhưng ông không ra làm quan. Hưởng ứng phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, với tư tưởng mong muốn cách tân xã hội, ông chọn nghề báo để có thể giãi bày quan điểm, bộc lộ tư tưởng của mình.

Phan Kế Bính là một trong những người Việt Nam đầu tiên viết báo ở Bắc Kỳ. Ông còn dịch lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Nôm sang chữ quốc ngữ. Những tác phẩm ông đã dịch gồm: Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam điển lệ trích yếu và tiểu thuyết cổ điển chương hồi Việt Nam khai quốc chí truyện.

Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa sau này đánh giá cao những bản dịch của ông - công phu và đáng tin cậy bằng từ ngữ dễ hiểu. Ông cũng dịch nhiều tác phẩm văn học cổ điển Trung Quốc mà cho đến nay nhiều nhà xuất bản khi in lại vẫn sử dụng bản dịch của ông mà tiêu biểu là Tam quốc diễn nghĩa. Những bài dịch, bài khảo cứu của ông đăng tải trên các báo chữ Hán và quốc ngữ sau này được tuyển chọn in thành sách gồm: Nam Hải dị nhân, Hưng Đạo Đại vương (1909 - 1915), Việt - Hán văn khảo (1918)...

Chú thích ảnh
Học giả Phan Kế Bính

2. Tuy nhiên công trình khiến ông trở nên nổi tiếng trời Nam là Việt Nam phong tục. Ông nghiên cứu rất công phu, tỉ mỉ những phong tục, tập quán đã tồn tại, bảo lưu trong các quan hệ gia đình, làng xã và trong xã hội Việt Nam.

Ông khuyên ta không nên mê tín quá vào việc xem ngày kén giờ, nhưng tại sao ông viết bài Xem ngày, kén giờ? Ông không bài bác mà còn hướng dẫn người đọc việc cưới xin, làm nhà, khai trương, xuất hành, an táng nên tìm ngày gì, kị ngày gì và bày cách chọn giờ hoàng đạo. Trong bài có nói đến nhiều cát tinh (sao tốt), hung tinh (sao xấu), các ngày trực tốt, trực xấu. Vậy sao không hướng dẫn cụ thể để người đọc muốn kén ngày, giờ vẫn phải đi tìm thầy, nhiều khi vừa tốn kém lại vừa bị lừa bịp? Sở dĩ ông không đi sâu giải thích từng cát tinh, hung tinh vì đầu thế kỷ 20 đã có bản niên giám ban hành nhiều năm và người biết tiếng Hán xem được. Ông viết có lẽ vì tín ngưỡng thì thật khó bỏ.

Chú thích ảnh
Vẻ đẹp Hồ Tây

Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính đã phê phán hội hè: “Xét cái tục hội hè của ta, rước sách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình. Đã đành mở hội, trước là trọng việc sự thần, sau là cầu vui cho dân, nhưng trọng mà rước sách tế bái lắm thì hóa ra khổ. Hội đến hàng tháng thì chịu làm sao cho được? Vả lại đã gọi là hội thì trừ ra việc đóng góp việc ăn mặc cũng đã tốn kém nhiều rồi, còn thì ngần nào chơi bời, ngần nào cờ bạc, con em thì bỏ công bỏ việc để ở nhà đi hội, vậy thì chẳng những vô ích, mà lại hại thêm cho làng nữa…

Lại có một việc rất nực cười và rất là bêu nhuốc dân phong, như làng nọ thờ dâm thần, cứ đến ngày rã đám thì buổi tối tế một tuần, trong khi đang tế tắt hết đèn nến, đình miếu tối mù, rồi đàn bà đàn ông, bất cứ ai, đùa lẫn nhau một lát... Cái vui ấy thực là cái vui mạt!

Thiết tưởng nơi nào có những tục thô bỉ, cuộc nào tỏ những cách đê tiện thì nên lập tức bỏ đi. Mà trong cuộc hội hè, chưa có thể cải lương được hết, thì cũng nên giảm bớt những sự vô ích, tỉnh bớt những cách phiền phí, chỉ hội trong ba ngày tưởng đã là nhiều. Dân đàn em cũng nên biết rằng: phàm sự gì đã có lợi hại quan hệ đến mình, thì mình phải suy xét, điều gì nên nghe hãy nghe, điều gì không nên thì đừng, chớ có cúi đầu mà ai bảo xôi ừ xôi, ai bảo thịt ừ thịt thì là hèn hạ quá.

Mà dẫu ai có viện thần quyển để đè nén mình thì cũng nên biết rằng: thần chẳng qua cũng ở bụng dân mà ra, lòng dân có thuận thì thần mới thuận. Sách có chữ rằng: “Tiên chí lực ư dân, nhi hậu thần giáng chi phúc”, nghĩa là trước hết phải dùng sức mà lo cho dân, rồi thần mới giáng phúc cho, vậy thì thần cũng phải lấy dân làm trọng, huống là dân không thuận thần lại cưỡng được sao”?

Cuốn sách viết năm 1915, và hơn 100 năm trôi qua, xã hội không hề văn minh hơn, hội hè ngày nay vẫn thế, thậm chí còn tệ hơn xưa. Cho đến hôm nay, dù còn những tranh luận, nhưng rõ ràng Việt Nam phong tục là tác phẩm có giá trị, lưu giữ văn hóa cổ xưa của người Việt.

Chú thích ảnh
Mặt tiền của đền Quán Thánh đầu thế kỷ 20 (đường Cổ Ngư cắt ngang)

3. Những tháng năm sống bên Hồ Tây, khi vào tòa soạn báo trong phố, ông thường đi tàu điện, không thửa xe tay riêng như trí thức khác. Có một điều rất kỳ lạ ở Phan Kế Bính khi ông buông bỏ được sự sắc sảo, uyên thâm và logic trong nghiên cứu để lãng đãng theo cảm xúc khi viết văn. Và ẩn náu trong cảm xúc là quan niệm của ông về lịch sử, về truyền thống dân tộc.

Bài ký Đêm trăng chơi Hồ Tây của ông có thể coi là một áng văn tuyệt bút viết về thắng cảnh lừng danh này của Thăng Long - Hà Nội:

“Trời tháng Tám, nhân buổi đêm trăng, dắt một vài anh em bơi một chiếc thuyền nhỏ rong chơi trong hồ. Hồ về thu, nước trong vắt, bốn mặt mênh mông. Trăng tỏa ánh sáng, rọi vào các gợn sóng lăn tăn, tựa hồ hàng muôn hàng ngàn con rắn vàng bò trên mặt nước.

Thuyền ra khỏi bờ độ vài ba con sào, thì có hây hẩy gió động sóng vỗ rập rình. Một lát, thuyền đẩy về phía Tây Bắc, vào gần một đám sen, bấy giờ sen tuy đã tàn, nhưng vẫn còn lơ thơ mấy đóa hoa nở muộn, lá vẫn còn tươi tốt. Mùi hương đưa theo chiều gió ngào ngạt trong thuyền khiến cho lòng người càng thêm bát ngát.

Trong khi thừa hứng mà lại có thêm mùi hương thì cảnh khoái lạc biết là dường nào? Đêm gần khuya, trăng đã xế ngang đầu, anh em cũng đã cạn hứng, muốn về nghỉ. Tôi tiếc cái thú đêm trăng đó, bảo buông lái cho thuyền tự ý đi vung một lúc rồi hãy về.

Thuyền theo gió, từ từ mà đi, ra tới giữa khoảng mênh mông, tôi đứng trên đầu thuyền ngó quanh tả hữu. Đêm thanh cảnh vắng, bốn bề lặng ngắt như tờ. Chỉ còn nghe mấy tiếng cá lắc tắc ở giữa đám rong, mấy tiếng chim nước kêu oác oác ở trong bụi niễng, cùng là văng vẳng mấy tiếng chó sủa, tiếng gà gáy ở mấy nơi chòm xóm quanh hồ mà thôi.

Trông về Đông Nam, kia đền Quan Thánh, đó chùa Trấn Quốc; trông về Tây Bắc, đây đình Võng Thị, nọ Văn chỉ Tây Hồ, cây cối vài đám um tùm, lâu đài mấy tòa ẩn hiện, mặt nước phẳng lỳ tứ phía, da trời xanh ngắt một màu, xem phong cảnh đó, có khác gì bức tranh sơn thủy của tạo hóa treo ở trước mắt ta không?

Tôi ngắm đi ngắm lại, lấy làm thích chí, song cũng vì cảnh tĩnh mịch mà lại sinh ý ngại ngùng, lòng ngao ngán và nỗi buồn tênh. Hỡi ôi! Cái hồ này tương truyền ngày xưa là một trái núi đá nhỏ, về sau nước xoáy thành hồ, chuyện đó đã bao lâu, hư hay là thực? Nào thuyền rồng vua Lê, nào Hành cung Chúa Trịnh, cảnh thế nào, mà nay chỉ thấy một dòng nước biếc, mấy đám cỏ xanh? Lại nhớ đến thời thượng cổ, có phải chỗ sương mù nghi ngút kia là chỗ Trưng Vương đóng quân để chống nhau với Mã Viện đó chăng? Lại nghĩ đến câu tục truyền, có phải chỗ nước sâu thăm thẳm kia, là chỗ Trâu vàng ẩn tích đó không? Dù có dù không, dù còn dù hết, chẳng lấy gì làm quan tâm cho lắm, song nghĩ đến các cảnh tượng đó thì không sao mà nguôi được tấm lòng thổn thức về cuộc tang thương!

Đang khi bồi hồi ngơ ngẩn thì trời ào ào như sắp đổ cơn mưa, vội vàng đẩy thuyền về nghỉ. Về tới nhà, cởi áo đi ngủ, suốt đêm mơ mơ màng màng như vẫn còn lênh đênh trên mặt hồ!”.

Dù làm những việc rất lớn, nhưng ông vẫn dành cho nơi mình đã sinh ra, lớn lên một sáng tác để đời.

(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm