Khai mạc Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Tiếc vì 'giới hạn giờ'

10/04/2018 19:32 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 diễn ra từ ngày 11 đến ngày 25/4 tại địa điểm chính là Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam (TP.HCM) và nhiều sân khấu phụ trợ khác. Lần này có 22 đơn vị tham dự với 27 vở diễn, trong đó có 13 đơn vị tư nhân, xã hội hóa. Ban tổ chức cho biết sẽ nỗ lực để liên hoan năm nay có chất lượng tốt, minh bạch và công bằng.

Các đơn vị có thời gian hoạt động từ 12 tháng trở lên sẽ được tham dự, mỗi pháp nhân một vở diễn. Đây là những vở được dàn dựng từ năm 2014 đến nay và chưa tham gia các cuộc thi, các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Vở diễn không được sử dụng kịch bản nước ngoài và có thời lượng từ 90 phút đến không quá 120 phút (không tính thời gian giải lao, nếu có).

Tương đối đa dạng

Ngoài những vở chính kịch và tuyên truyền của các đoàn công lập, liên hoan thu hút được nhiều thể loại. Trong đó có vở nặng chất kinh dị, rùng rợn như Quỷ sống, Oan hồn…, nặng chất hài như Đám cưới chùm, Mua chồng 30 vạn…, nặng chất thể nghiệm như Gương mặt kẻ khác, Dưới ánh đèn, Kiều…

Điểm nhấn mới còn có ở những vở đã sẵn tiếng vang như Yêu là thoát tội, Nhà ô-sin, Tiếng vạc sành, Đàn bà dễ có mấy tay, Rặng trâm bầu… Bên cạnh đó là những câu chuyện, kịch bản đã thành tân kinh điển như Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Mảnh đất lắm người nhiều ma…

Chú thích ảnh
Kịch Nụ cười mới với vở “Đám cưới chùm” sẽ là một trong các đơn vị xã hội hóa dự Liên hoan lần này

Sở dĩ có sự đa dạng như vậy là vì năm nay ban tổ chức gần như không hạn chế về đề tài, thể loại. Liên hoan lại diễn ra tại TP.HCM, một “cái nôi” của các sân khấu xã hội hóa và tư nhân, nên họ cũng dễ tham gia. Hơn nữa, tuy gọi là tham gia Liên hoan nhưng họ có thể diễn tại trụ sở của mình, ban giám khảo đến xem và chấm, nên chi phí phát sinh là không đáng kể.

Với các đoàn tư nhân, phải tự chủ tài chính, việc đưa bầu đoàn đi dự thi liên hoan làm họ suy nghĩ rất nhiều, vì chi phí quá lớn. “Chúng tôi cũng xác định tham dự là để giao lưu, học hỏi lẫn nhau chứ không vì mục đích có huy chương, giải thưởng, nên thuận lợi thì tham gia, tốn kém quá thì thôi” - nghệ sĩ Minh Nhí khẳng định.

Còn vài vướng mắc

Nghệ sĩ Ái Như (Kịch Hoàng Thái Thanh) nói rằng họ không tham dự liên hoan vì chẳng có vở nào có thời lượng từ 90 phút đến 120 phút. Kịch IDECAF cũng vậy.

Nói không quá lời, xét về chất lượng vở diễn và sự bài bản, hai sân khấu này đang thuộc nhóm dẫn đầu của cả nước, nếu so với khoảng 30 sân khấu công lập và ngoài công lập còn lại. Thời lượng vở diễn của họ thường dao động từ 140 phút đến 170 phút.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF) thì nói rằng từ năm 1997 đến nay họ thường tự thấy mình không đủ tiêu chuẩn để tham gia, nếu đối chiếu với tiêu chí nghệ thuật của các liên hoan, hội diễn đề ra.

Trả lời báo giới, NSƯT Đỗ Kỷ (đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn) giải thích: “Việc giới hạn thời lượng vở diễn thì năm nào cũng có, như năm ngoái thì thời lượng giới hạn là không quá 150 phút/vở, còn năm nay thì không quá 120 phút/vở. Sự thay đổi này cũng giống như việc năm nay bạn tổ chức cuộc thi đá bóng nhưng chưa thật hay lắm thì năm sau khi tổ chức lại, quy định nào phù hợp thì ta giữ, không phù hợp thì thay đổi, đó là chuyện hết sức bình thường”.

Tuy nhiên, nếu diễn tại một địa điểm thì việc giới hạn thời lượng có thể hiểu được phần nào, để thuận lợi cho việc xếp lịch thi. Nhưng thực tế, khi đã mở rộng các điểm diễn phụ trợ (ngoài rạp chính là Nhà hát Quân đội), giá như Ban tổ chức chỉ cần…di chuyển đến các sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, kịch IDECAF để chấm và chấp nhận thêm vài chục phút chênh lệch thì rõ ràng sức hút của các liên hoan sẽ trọn vẹn hơn.

Hơn nữa, kịch nói thường có xê xích về thời lượng, có khi đến 10-15%, do cảm xúc chi phối, do trục trặc kỹ thuật, do hậu đài... Các đơn vị di chuyển vở từ xa đến dàn dựng tại địa chỉ mới như Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát thời lượng trên một sân khấu lạ.

Kịch 5B TP.HCM: Sự 'phai nhạt' của lá cờ đầu kịch nói TP.HCM

Kịch 5B TP.HCM: Sự 'phai nhạt' của lá cờ đầu kịch nói TP.HCM

Khoảng 2 tháng trước ngày đại hội Hội Sân khấu TP.HCM diễn ra (dự kiến cuối tháng 6/2015), Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (thường gọi Kịch 5B) đột ngột đóng cửa.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm