'Kép độc' Minh Hòa: Chạy xe ôm để nuôi giấc mơ nghệ thuật

09/09/2021 08:41 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Minh Hòa khởi đầu với nghề biên đạo múa rồi tham gia phim ảnh, kịch nghệ, cải lương. Ở lĩnh vực nào, anh cũng thể hiện tốt, cho dù nghề diễn không nuôi nổi chàng kép phụ và bắt anh phải chạy xe ôm như câu nói “có thực mới vực được đạo”.

Phim “Đất mặn”: Nỗi niềm giữ đất...

Phim “Đất mặn”: Nỗi niềm giữ đất...

Mở đất, giữ đất, dùng đất rồi không còn đất để sinh sống... - “lộ trình” sở hữu đất đầy trăn trở trải dài qua 4 thế hệ của những người nông dân vùng ĐBSCL được tái hiện lại trong 49 tập phim “Đất mặn” (đạo diễn Nguyễn Tường Phương).

Minh Hòa tên thật là Dương Quốc Huê. 16 tuổi, Hòa tham gia hoạt động đoàn tại quận Tân Bình, TP HCM trong lĩnh vực văn thể mỹ. Tại đây, anh được cử đi học một khóa đào tạo múa dân gian. Nhờ năng khiếu, anh được tuyển vào đoàn múa Lạc Hồng. Rồi từ đó, anh bước vào con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.

“Khởi nghiệp” từ những vai diễn phong trào

Vài năm sau, Hòa học khóa biên đạo và trở thành một biên đạo múa đắc show. Lúc này, máu mê nghệ thuật đã bắt đầu phát tiết mạnh, Minh Hòa đăng ký học lớp diễn xuất tại Nhà văn hóa điện ảnh Tân Sơn Nhất chung khóa với Trương Minh Quốc Thái. Tại đây, anh được chọn đóng một vai phụ trong phim Những nẻo đường phù sa. Nhờ khả năng diễn xuất tốt, có thế mạnh về biểu diễn hình thể, anh được mời rất nhiều phim.

Chú thích ảnh
Minh Hoà vai người cha trong phim ngắn "Người cha mặt quỷ"

Để rồi, tính đến giờ, anh đã có hàng trăm vai diễn trên phim truyền hình. Anh đóng nhiều đến mức khán giả quen mặt - chỉ có điều phần lớn là... vai phụ nên ít người nhớ nghệ danh.

Không chỉ đắt show phim ảnh, Minh Hòa được mời đóng kịch truyền hình, và dàn dựng cho các chương trình nghệ thuật cho đài truyền hình và cả hoạt động văn nghệ phong trào. Anh làm việc chăm chỉ và đầy đam mê. Thời gian làm trợ lý đạo diễn cho đài truyền hình, anh có nguồn thu nhập tốt. Thế nhưng, về sau anh rời bỏ công việc này và cuộc sống bắt đầu bấp bênh.

Chú thích ảnh
Minh Hoà vai quan Đô sát, vở “Trung thần”

“Có người hỏi tôi rằng làm nhiều vậy chắc thu nhập cao. Sự thật thì đóng phim mà đóng vai phụ thu nhập vừa thấp, vừa bị trả tiền chia nhỏ nhiều đợt, nên xong phim cũng đồng nghĩa với cạn tiền. Về sau này, tôi cũng đã mất mối liên lạc với các chương trình văn nghệ tạp kỹ nên không còn làm nhiều” - Hòa kể - “Còn tiền lương đóng kịch càng ít mà lâu lâu mới có một vai. Nói chung là tôi làm việc nhiều nhưng tiền lương không đủ sống”.

Trong hành trình làm nghề, có một lần Minh Hòa được mời vào nhóm cải lương đờn ca tài tử diễn chào mừng lễ 8/3 tại Nhà văn hóa Quận 4. Anh đóng vai Thái thú Tô Định trong vở cải lương Tiếng trống Mê Linh. Tình cờ NSƯT Lê Tứ xem Minh Hòa diễn, thấy thích và ngỏ lời mời anh về cộng tác với đoàn Thắp sáng niềm tin thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Soạn giả kiêm đạo diễn Hoàng Song Việt đã thử sức Minh Hòa bằng vai nguyên soái trong vở Phước Lộc Thọ. Lối diễn phản diện của Minh Hòa đã thuyết phục được các thầy tuồng cải lương, nên anh liên tiếp được mời vào vai kép độc.

Với cải lương, kép độc mà diễn khiến khán giả "chửi" tại sân khấu là thành công đặc biệt. Minh Hòa đã làm được điều này, với các vai diễn ghi dấu ấn đậm nét trên sân khấu cải lương.

Chú thích ảnh
Minh Hoà vai đại tá Kim Đa Dung, vai diễn giúp anh giành HCB Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc, 2012

Tủi phận xe ôm

Minh Hòa thổ lộ: “Tính cộng lại gần 20 năm đi hát, tôi có nhiều vai diễn nhưng cải lương đang trong thời khó khăn cùng cực, nên số suất diễn hằng năm thưa thớt. Ngặt nỗi với cải lương tuồng cổ, diễn viên phải tự lo áo, mão, cân đai. Có khi tôi nhận lương được 2 triệu thì phải bỏ ra hơn 1 triệu để lo phục trang. Được hát rất sướng nhưng thu nhập không là bao. Biết vậy, nhưng không thể làm khác vì tôi muốn nhân vật của mình phải chỉnh chu trong mắt khán giả".

Chú thích ảnh
Minh Hoà và con trai Tấn Phúc

“Cuối cùng, dù tôi làm rất nhiều show phim ảnh, kịch nói, cải lương, ca nhạc tạp kỹ, nhưng tiền không có. Một ngày rất buồn, tôi đăng ký chạy xe ôm công nghệ”, anh nói tiếp: “Lúc đầu chưa rành đường bị hành khách la mắng, tôi tủi thân lắm. Dù tôi đeo khẩu trang, nhưng có hành khách vẫn nhận ra tôi và cảm thán rằng nghệ sỹ mà sao nghèo dữ vậy. Họ cho tôi thêm số tiền gấp đôi cuốc xe. Tôi vừa mang ơn vừa buồn cho phận mình”.

Ở tuổi 46, công việc chạy xe ôm góp một phần thu nhập khá ổn để Minh Hòa có thể lo cho con ăn học. Con trai Tấn Phúc thừa hưởng gen nghệ sỹ từ cha nên từ nhỏ đã mê ca diễn và được tham gia đóng phim, đóng cải lương. Cả nhà sống khiêm tốn, thiếu thốn trong đồng lương công nhân eo hẹp của bà xã Minh Hòa, cũng như nguồn thu nhập vô cùng bấp bênh từ nghề diễn viên của Minh Hòa. Ấy vậy mà mỗi khi được mời hát, Minh Hòa quên mất số thu nhập vài trăm ngàn một ngày của nghề chạy xe ôm. Anh chỉ còn nhớ tới vai diễn. Có hôm diễn xa, anh chạy xe máy vài trăm cây số, trên mắc mưa tầm tã trước khi về với mái ấm hạnh phúc của mình.

Trong mùa dịch cúm này, Minh Hòa không thể chạy xe ôm, không được diễn, phải trả tiền thuê nhà, nên anh lâm vào bế tắc. May mà có anh em nghệ sỹ và các Mạnh Thường Quân cứu trợ lương thực lẫn tiền mặt nên anh và vợ con còn lay lắt sống được qua ngày. Khổ đến mức ấy, nhưng khi được hỏi về tương lai, Minh Hòa vẫn xác nhận: Dẫu có thế nào anh vẫn cống hiến cho nghệ thuật đến hơi thở sau cùng.

Đa năng như Minh Hòa

Trong sự nghiệp của mình, Minh Hòa đã từng tham gia hàng trăm bộ phim truyền hình với những vai Tạ (phim Ngã rẽ), Chín Phận (Dưới cờ đại nghĩa), thầy giáo Thứ (Đất mặn).

Trên sân khấu, anh nổi bật với các ông Hai (vở Sông dài), cận tướng (Vua Lia), Đồ Ngạn Giả (Đứa con côi họ Triệu), Đàm Dĩ Mông (Dấu ấn giao thời). Đặc biệt, với vai đại tá Kim Đa Dung (vở Cội nguồn), anh đoạt Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc 2012.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm