Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 5): Hé lộ từ quả cân đồng trong con tàu đắm Bình Châu

19/10/2020 19:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc khai quật tàu đắm thế kỷ 13-14 ở Bình Châu (Quảng Ngãi), ngoài số đồ gốm chủ yếu là hàng hóa con tàu chuyên chở đi buôn bán còn một số ít đồ do thương lái và các thuyền viên mang theo phục vụ cuộc sống đi lại và buôn bán, như đĩa chén, tiền đồng, gương đồng, nồi đồng… đặc biệt có một quả cân đồng. Hiện vật này có minh văn đúc và khắc ở trên thân, vì thế, cùng với kiểu dáng đặc thù, minh văn cũng góp thêm tư liệu soi sáng về chủ nhân và niên đại chuyến hàng mang theo tàu.

Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 3): Tiếng vọng từ những con tàu cổ

Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (Kỳ 3): Tiếng vọng từ những con tàu cổ

Con tàu đắm Bình Châu (Quảng Ngãi), niên đại TK 13 - 14, được khai quật tháng 6/2013 đã đưa ra khá nhiều vấn đề đáng thảo luận, trong đó nổi lên một chủ đề chuyên ngành: “Khảo cổ học tàu thuyền”.

Ngay từ hôm bắt đầu tiến hành khai quật, ngày 4/6/2013, 2 hiện vật đồng là chiếc gương và quả cân đã được phát hiện ở khu vực các khoang giữa lòng tàu. Như vậy, có thể nhận ra chúng thuộc vào lớp sàn tàu phía trên. Lớp ván sàn này chỉ còn lại vết tích ở phần khoang bị cháy và ở các gá đỡ bằng gỗ hiện vẫn thấy trên các vách ngăn khoang.

Vài nét về quá trình phát hiện

Như đã biết, con tàu hiện chỉ còn phần các khoang liền sát đáy thuyền, nơi dùng để chứa hàng gốm sứ mang theo. Phần boong bên trên được coi như là nới chứa hàng chính, cũng là nơi dành cho hoạt động riêng của thương lái và đội thuyền viên trên tàu. Quả cân và gương đồng rõ ràng đã thuộc về tầng boong này. Do sóng gió và hoạt động khai thác của con người từ gần ngàn năm nay, phần khung tàu từ phía mặt boong trên hất trở lên đã gần như hoàn toàn bị mất.

Do hình thù quả cân bị gỉ rất giống với tượng người đứng, nên thoạt đầu nhiều người cho rằng đó có thể là một bức tượng Phật Quan Âm bằng đồng thường được chủ tàu mang theo. Sau khi tẩy gỉ, chúng tôi đã xác định rõ đó là một quả cân với những đặc trưng của Nguyên Mông ở thế kỷ 13-14.

Chú thích ảnh
Hình 1 - Quả cân đồng (giữa) và các minh văn chữ Hán và chữ Mông Cổ (2 bên). Màu phấn trắng được tác giả bôi vào để dễ nhận biết minh văn

Hiện vật trông như một thỏi đồng dài khoảng 11-12cm, nặng 800gram. Hiện vật đúc thành hình khối liền, phân làm 3 phần: Phần tai quai hình khung gần chữ nhật ở trên cùng, sau đó là phần thân chính hình lục lăng dẹt với 2 mặt chính trước, sau rộng và 4 mặt đều ở bên cạnh hẹp hơn. Phần chân đế hình nón thang cụt, nối với thân bằng một khấc ngăn (Hình 1).

Trên phần quai đeo còn một khối gỉ sắt in hình vòng xích sắt. Quả cân này khi dùng sẽ được treo ở cán cân có đánh khấc để xác định độ nặng của vật treo ở đầu bên kia, như kiểu cân tiểu ly hiện vẫn được các hàng kim hoàn sử dụng.

Hình ảnh của cân và quả cân đã được lưu lại ở một bức vẽ trong một ngôi đền đời Minh ở Sơn Đông (Trung Quốc) (Hình 2). Quả cân hoàn toàn không liên quan đến hàng hóa trên tàu, đó là đồ gốm. Rõ ràng rằng thương lái đi trên con tàu này không phải chỉ là những người mang gốm đi buôn bán, trao đổi mà họ còn mua về những sản vật của địa phương ở những nơi họ đến. Quả cân đã được dùng trong những thương vụ mua bán những hàng tiêu dùng, nguyên vật liệu, lâm thổ sản với cư dân bản địa.

Cấu tạo phần thân hình lục lăng đã tạo ra tới 6 diện phẳng rất thuận tiện cho việc đúc hoặc khắc minh văn. Bước đầu tẩy gỉ mới chỉ nhận ra một số chữ Hán và chữ kiểu như chữ Ả Rập trên các mặt lục lăng đó. Để dễ mô tả, chúng tôi gọi 2 mặt lớn là mặt chính (trước và sau). Các mặt này rộng chừng 3cm, các diện cạnh ở 2 bên hẹp hơn, rộng chừng 1,8cm Chúng ta sẽ bắt đầu từ mặt chính trước, tức mặt có minh văn đúc nổi có thể đọc được ngay 3 chữ từ trên xuống dưới và từ trái qua phải : “…Nguyên lộ, … … phủ”.

Chú thích ảnh
Hình  2 - Tranh vẽ trên tường thời Minh cảnh cân cá ngoài chợ với quả cân rất giống quả cân đào được

Sau này, tôi (Nguyễn Việt) có tham dự khai quật ở Vân Nam (Trung Quốc). Tại đó, tác giả đã có dịp trao đổi với các nhà khoa học Trung Quốc đến từ Bắc Kinh và đã nhất trí đọc toàn văn phần biển hiệu chữ Hán trên mặt chính quả cân như sau (từ trên xuống dưới, từ phải sang trái: “Khánh Nguyên lộ, Tổng Quản phủ”. Khánh Nguyên là tên lộ đời Nguyên ở vùng Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) hiện nay, nơi có thành Ninh Ba kèm xưởng thuyền lớn vào loại nhất trải các đời Tống, Nguyên, Minh.

Tiếp theo, các mặt sẽ được lật như cách chúng ta lật trang sách, tức là theo hướng từ trái sang phải, là một diện cạnh dày đặc chữ Mông Cổ, đúc in lõm nằm dọc theo trục đứng của quả cân. Hiện chúng tôi chưa đọc được các chữ này. Liền đó là 1 diện cạnh tương tự được khắc vào sau 2 chữ : “Nhị … … tạo” (Hình 3). Mặt chính phía sau cũng được đức nổi nhiều chữ, nhưng hiện vẫn chưa làm rõ được. Tiếp theo là 1 cạnh diện không có chữ, rồi đến 1 cạnh diện có in lõm một con dấu hình chữ nhật, rộng khoảng 1,2cm dài 2cm. Chữ bên trong mờ chưa đọc được.

Chuyến đi buôn cuối cùng của con tàu đắm Bình Châu

Hiện nay có tới trên 200 quả cân có niên đại Mông Nguyên đã phát hiện trên toàn thế giới. Chúng được phân thành 2 loại chính dựa trên khác biệt của phần thân: Loại thân hình tròn bầu và thân hình lục lăng (Hình 4). Sự ưa chuộng của từng vùng đã khiến tạo nên tính địa phương tương đối của 2 loại quả cân này, mặc dầu về trọng lượng chúng gần như nhau vì được nhà nước Mông Nguyên quy định khá chặt chẽ.

Chú thích ảnh
Hình 3 - Hai chữ “nhị” và “tạo” (bên trái) và vết in lõm hình con dấu (bên phải)

Quả cân đào được ở tàu Bình Châu (Quảng Ngãi) thuộc loại thân hình lục lăng, mang đặc tính của loại cân ưa chuộng từ cuối thế kỷ 13 ở vùng các tỉnh duyên hải Hoa Nam.

Cách ghi minh văn trên mặt chính cho thấy thuộc loại chữ to đúc nổi gồm 6 chữ: (Địa danh) Khánh Nguyên “lộ” + Tổng quản phủ (慶元路,总管府). Tức là cân được nhà nước chính thức ban hành (Tổng quản phủ) của lộ “Khánh Nguyên”. Khánh Nguyên lộ là vùng Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) hiện nay. Thành cảng Ninh Ba có xưởng đóng tàu và là một trung tâm cảng thị và tàu thuyền quan trọng hàng đầu dưới thời Tống-Nguyên-Minh.

Chữ “phủ” có thể đọc được gợi ý 2 chữ trên có thể là 2 chữ “Tổng quản”. Chữ “tạo” (造) khá rõ ở cạnh bên khiến 2 vạch ngang tạm đọc là “nhị” (二) thiếu phần chắc chắn. Thông thường đó là vị trí của chữ “Quan” (官)-Quan tạo (官造). Con dấu hình chữ nhật ở 1 cạnh diện phụ có lẽ đã được đóng vào phôi sáp trước khi chế khuôn đúc quả cân, cho thấy tính chất quan xưởng của loại quả cân này. Các chữ còn lại có thể dựa vào minh văn ở các quả cân khác để đoán định rằng đó là ghi chú về danh xưng loại quả cân này bằng chữ Hán và chữ Mông Cổ hay chữ Ba Tư, chữ Bát Tư Ba hay chữ Hội Hồi… Theo hướng đi của con tàu này thì chủ tàu có thể sẽ tiếp xúc với những người đạo Hồi khi đó bắt đầu tràn sang buôn bán ở vùng biển Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia...).

Chú thích ảnh
Hình 4 - 2 loại quả cân kim loại thời Mông Nguyên (từ trái sang phải: Kiểu thân lục lăng, kiểu thân tròn) và 2 quả cân khai quật ở Quảng Tây và Thẩm Quyến (Trung Quốc)

Về kích thước và trọng lượng thì quả cân này thuộc loại hình phổ biến nhất trong thời Nguyên, với chiều cao trên dưới 10cm và trọng lượng trong khoảng 700-900 gram. Chúng rất phổ biến dưới thời Chí Nguyên (1264-1294), Nguyên Trinh, Đại Đức (1295-1307), Diên Hữu, Trí Trị (1314-1323) và Chí Chính (1341-1368). So sánh kỹ với những quả cân cùng kiểu dáng, nhất là với những quả cân đào được ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang thì thấy nhiều khả năng quả cân này được đúc dưới thời Đại Đức hoặc Chí Chính, tức ở những năm cuối thế kỷ 13 và nửa đầu đến giữa thế kỷ 14.

Xét thêm về trọng lượng cân ở trong phạm vi 700-900 gram là loại trọng lượng quả cân chiếm ưu thế của thời kỳ đầu nhà Nguyên. Vì thế chúng tôi nghiêng về ý kiến cho rằng chuyến đi buôn cuối cùng của con tàu đắm Bình Châu có lẽ rơi vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14. Hy vọng sau khi cạo gỉ xuất lộ thêm minh văn ghi về địa danh sẽ giúp chúng ta làm rõ hơn vấn đề này.

(Còn tiếp)

Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm