Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất: Đánh thức di sản thuyền cánh dơi vịnh Bắc Bộ

29/03/2021 20:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) - Một chiếc thuyền cánh dơi với kích thước lớn đang được hoàn thiện trong hồ nước khuôn viên Bảo tàng tàu thuyền của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (Kim Bôi, Hoà Bình) do TS Nguyễn Việt làm chủ sự. Đây chính là con thuyền 2 buồm cánh dơi được đóng tại Quảng Ninh mấy năm trước và được di chuyển về đây để phục vụ khách tham quan, nghiên cứu. Nó có chiều dài khoảng 11m, rộng 3,6m, mớn nước 1,2m, sức chứa khoảng 20 MT, được gắn tên “PHT-Bạch Đằng 01”.

Sau khi dọn dẹp, cọ rửa sàn thuyền, trương cánh buồm lên, TS Nguyễn Việt đã chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) bài viết về hành trình phục dựng con thuyền và ước mơ của ông:

1. Một trong những hình ảnh gây ấn tượng với người nước ngoài đến Việt Nam vào những thế kỷ trước là con thuyền buồm cánh dơi đóng theo kiểu tam bản (3 ván). Cho đến nay, số nghệ nhân giữ được bí quyết ngón nghề đóng thuyền cánh dơi 3 ván chỉ còn lác đác đếm trên đầu ngón tay, số thủy thủ lớn tuổi biết lèo lái loại buồm có thể đi trong chiều gió ngược cũng còn lại không nhiều. Nguy cơ thất truyền hoàn toàn nghề đóng thuyền cánh dơi 3 ván cổ truyền đã trở thành hiện hữu.

Trong cuốn sách lớn tổng hợp về thuyền buồm xứ Đông Dương của J. B. Pietri xuất bản từ những năm 40 của thế kỷ 20, ông đã nhiều lần giới thiệu kiểu thuyền buồm cánh dơi này với cái tên “Tonkin Junk”, ám chỉ sự xuất hiện phổ biến như một đặc sản kỹ thuật của vùng sông nước xứ Bắc Kỳ và vịnh Bắc Bộ.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Thuyền buồm Đông Dương”

Trong tiến trình phát triển kỹ thuật đóng thuyền ở Việt Nam nói riêng và Giao Châu nói chung thì từ những thuyền độc mộc Đông Sơn trước công nguyên đã xuất hiện chiều hướng tách ra 2 nhánh nhằm nâng cao mạn thuyền, tăng sức chứa: Nhánh 1: Sử dụng phần thuyền độc mộc như một phần đáy tựa khung cho 2 mạn thuyền. Nhánh này sau đó phát triển thành dạng thuyền có trục xương sống - long cốt (kiel). Nhánh 2: Dàn phần đáy độc mộc thành 1 ván phẳng với kiểu lượn chuẩn ở đầu đuôi khiến cho khi uốn cong sẽ bắt khớp với ván của 1 mạn ốp. Đây chính là cốt lõi của kỹ thuật đóng thuyền 3 ván (tam bản).

Các xưởng thuyền ở vùng Hà Nam, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) là một trong những nơi hiếm có hiện vẫn còn lưu giữ được cách đóng các con thuyền 3 ván dùng buồm cánh dơi truyền thống đó.

Động cơ quạt nước xuất hiện ồ ạt trong mấy thập kỷ gần đây đã dần thay cho sức gió căng buồm. Điều này dẫn đến việc các xưởng thuyền từ bỏ truyền thống làm thuyền buồm cánh dơi. Cho đến nay, số nghệ nhân giữ được bí quyết ngón nghề đóng thuyền cánh dơi 3 ván chỉ còn lác đác đếm trên đầu ngón tay, số thủy thủ lớn tuổi biết lèo lái loại buồm có thể đi trong chiều gió ngược cũng còn lại không nhiều. Nguy cơ thất truyền hoàn toàn nghề đóng thuyền cánh dơi 3 ván cổ truyền đã trở thành hiện hữu.

Chú thích ảnh
Thuyền mô hình (trái) và những bước đầu đặt ba ván + khung sườn

  

Chú thích ảnh
Thuyền cánh dơi đang được lắp đặt tại bảo tàng của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (Kim Bôi, Hòa Bình)

  

2. Để cứu vãn lại một di sản quý giá có liên quan đến truyền thống kỹ thuật chế tác, sử dụng cũng như cuộc sống trên sông nước của và công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của dân tộc, Bảo tàng Phạm Huy Thông thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã chủ trì, đầu tư và phối hợp với Hội Tàu thuyền Việt Nam, Phòng Văn thể thị xã Quảng Yên, xưởng thuyền của nghệ nhân Lê Đức Chắn tiến hành đóng và tư liệu hóa toàn bộ quá trình tạo dựng 1 con thuyền cánh dơi 3 ván truyền thống được đăng kiểm chính thức để có thể sử dụng lâu dài và góp phần phát huy truyền thống trên vùng sông nước Bạch Đằng truyền thống.

Con thuyền 2 buồm cánh dơi này có chiều dài khoảng 1.100 cm, rộng 360 cm, mớn nước 120cm, sức chứa khoảng 20 MT, được gắn tên PHT-Bạch Đằng 01, sẽ in hình chân dung giáo sư Phạm Huy Thông và biểu tượng logo của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á trên 2 cánh buồm đỏ thắm. Khoang thuyền chính trang hoàng các phù điêu khắc gỗ đời Trần, có bố trí ngăn tủ, bàn, ghế đủ chỗ cho 12 du khách với tiện nghi đầy đủ cho hành trình và sinh hoạt trên thuyền. Cạnh vách khoang chính có gắn biển đồng ghi nhận ngày tháng phát mộc, hạ thủy, tên chủ thuyền và nghệ nhân đóng thuyền. Thuyền có 2 cột buồm, xiếm lái lòng và lái mũi, 1 chèo nụ và 1 thuyền lái. Các thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu hỏa tuân thủ chặt chẽ quy định của đăng kiểm hằng hải.

Lễ phát mộc khởi công đóng thuyền PHT-Bạch Đằng 01 được tiến hành vào ngày 30/11/2016 (tức ngày 2/11 năm Bính Thân), dự kiến hạ thủy kỹ thuật vào khoảng cuối tháng Giêng năm Đinh Dậu. Lễ hạ thủy chính thức dự kiến tổ chức nhằm dịp chiến thắng Bạch Đằng , 9/3 Âm lịch, tức 5/4/2017, với hành trình mang tên “Hưng Đạo Vương” đi từ đền Kiếp Bạc theo sông Kinh Thầy qua Dương Nham, Kính Chủ, xuôi sông Giá đến miếu Vua Bà và đền Trần Hưng Đạo ở Bạch Đằng với ý tưởng phục hồi lại con đường mà Trần Hưng Đạo đã rời Vạn Kiếp về vùng sông Bạch Đằng để quan sát và chuẩn bị chiến trường cho trận Bạch Đằng năm 1288.

3. Hoạt động kể trên của nhóm đóng thuyền buồm cánh dơi 3 ván sẽ như 1 công trình pilot để có được hồ sơ tư liệu khoa học và hạch toán chuẩn, đi tới việc phát động các doanh nghiệp, tổ chức hảo tâm góp sức vào sự nghiệp cứu vãn một di sản kỹ thuật, làng nghề có nguy cơ thất truyền bằng cách ký hợp đồng với xưởng làng nghề để đóng thuyền cho chính doanh nghiệp, đơn vị mình theo khuôn mẫu Bạch Đằng 01. Hy vọng đội thuyền buồm cánh dơi 3 ván mang tên Bạch Đằng trong tương lai sẽ lên đến 9 chiếc.

Trên thực tế, đây là các con thuyền có thể sẽ được đăng kiểm, có biển số thuộc sở hữu của các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sẽ được chính quyền địa phương tạo điều kiện bến bãi, tham gia trông coi, bảo vệ, quản lý của đơn vị quản lý Di tích Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên). Các cánh buồm với diện tích gần trăm mét vuông trong mùa lễ hội là điều kiện quảng cáo cho doanh nghiệp, tổ chức chủ thuyền. Đơn vị chủ thuyền hoàn toàn có quyền sử dụng thuyền của mình hoặc của đơn vị bạn nếu được sự đồng ý của chủ thuyền đơn vị đó, phục vụ khách, cán bộ nhân viên đơn vị mình du lịch Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Hạ Long ...

Với hạch toán sơ bộ, hoàn thiện các con thuyền này (bao gồm cả gắn máy và hệ thống ánh sáng sinh hoạt, vệ sinh, nấu nướng đơn giản) vào khoảng 500 - 600 triệu đồng, sẽ là điều khả thi với cả ý nghĩa một nhà hảo tâm giúp cho bảo tồn di sản làng nghề, đồng thời tạo điều kiện quảng bá thương hiệu và hoạt động du lịch, giải trí cho bộ máy của đơn vị mình.

Nguyện vọng của nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất với ban quản lý di tích Bạch Đằng là sau khi chạy thử, kiểm định con thuyền đầu tiên và nhận thấy khả năng hiện thực của đội thuyền buồm cánh dơi sẽ chính thức đưa vào lễ hội nội dung Đua Thuyền buồm Cánh dơi Bạch Đằng bên cạnh Đua chèo chải vẫn tổ chức hàng năm, với hy vọng sẽ dần phát triển thành một bộ môn thi đấu SEA Games.

Hội tàu thuyền Việt Nam đánh giá rất cao sáng kiến này với hy vọng sẽ mở rộng mô hình thuyền buồm cánh dơi truyền thống, như một biểu trưng tàu thuyền truyền thống Việt Nam ra các vùng du lịch sông nước khác của cả nước, như Huế, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc... cũng như các vùng hồ nước ngọt trong nội địa như Sông Đà, Ba Bể... Đây cũng là một cơ hội quảng bá thương hiệu rất tốt cho các doanh nghiệp.

Cho tới thời điểm hiện tại, khi Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á chuyển về Kim Bôi (Hoà Bình) thì chiếc thuyền cũng được chuyển theo, trở thành hiện vật trưng bày trong hồ nước, phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu... Hy vọng rằng, từ con thuyền này, sẽ sớm sản sinh ra những đội thuyền cánh dơi lộng lẫy trên các vũng vịnh, đầm hồ.

(Còn tiếp)

TS Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm