Hội thảo quốc tế về bài chòi: Khởi động cho giấc mơ lớn

14/01/2015 08:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện, Bộ VH,TT&DL, Viện Âm nhạc… đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO vinh danh bài chòi. Trong bối cảnh đó, hội thảo quốc tế với hơn 100 chuyên gia trong và ngoài nước về ''Nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới'' ngày 13/1 tại Quy Nhơn, Bình Định, thật sự có ý nghĩa đặc biệt.

Hội thảo do Viện Âm nhạc (thuộc Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức. Mục đích chính của hội thảo là giới thiệu đặc điểm lịch sử và văn hóa của miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; giới thiệu nghệ thuật hô biểu diễn bài chòi; nghệ thuật biểu diễn của “anh Hiệu”, “chị Hiệu” trong bài chòi; âm nhạc trong nghệ thuật hô bài chòi; các biện pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản bài chòi… hướng đến hoàn thành hồ sơ để trình UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam là Di sản Văn hóa thế giới.

Bài chòi chiếu là đỉnh cao nghệ thuật đích thực

Từ nhiều thế kỷ trước, người dân miền Trung, Việt Nam từ Quảng Bình đến Khánh Hòa đã quá quen thuộc với bài chòi. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, bài chòi gắn liền với danh nhân Đào Duy Từ (1571 - 1643). Nhiều thuyết nhận định rằng, cụ Đào là người khai khẩn đất Bình Định đã truyền dạy cho người dân cách chơi bài chòi trong lúc đang ở trên chòi canh giữ thú rừng. Sau, cũng chính cụ truyền dạy cho người dân vùng Quảng Bình khi chỉ huy xây dựng công trình trị thủy Lũy Thầy ở đây. Bài chòi được lan truyền dần dần khắp các tỉnh từ Quảng Bình cho đến Khánh Hòa. Hiện nay, Bình Định là địa phương còn hiển hiện nghệ thuật bài chòi đậm đặc nhất. Cả tỉnh có hàng trăm đoàn bài chòi không chuyên ở khắp các địa phương.


Hội thảo hướng đến hoàn thành hồ sơ để trình UNESCO công nhận Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam là Di sản Văn hóa thế giới.

Tại Hội thảo, nghệ nhân - nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm đã biểu diễn trích đoạn vở bài chòi chiếu Ông xã trưởng mê gái trẻ khiến cả khán phòng đã thực sự biến thành không gian diễn xướng của bài chòi. Dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn rất đam mê bài chòi. Ông nói: Nhạc bài chòi nằm trong óc người nghệ sĩ chứ không nằm trên giấy. Điều thú vị là nó hết sức linh hoạt và tiếp cận người hát một cách chặt chẽ, người nghe một cách nhanh chóng.

Theo cụ Kiểm, khi bài chòi phát triển hình thức bài chòi chiếu là đỉnh cao của nghệ thuật bài chòi đích thực. Chỉ cần một chiếc chiếu với những khán thính giả (hoặc người chơi bài chòi) ngồi xung quanh, anh Hiệu (tên chỉ người diễn xướng trong bài chòi) đã có thể trình diễn. Một mình anh Hiệu có thể trình diễn nhiều vai khác nhau và tất cả các nội dung bài chòi khác nhau từ bài chòi cổ đến bài chòi dân gian.

Một trong những nét độc đáo nhất của bài chòi là tức hứng và độc diễn. Tức hứng là ứng khẩu thành lời hát ngay tại chỗ; còn độc diễn, là người nghệ sĩ đóng nhiều vai khác nhau, lúc tướng, lúc quân, lúc ông, lúc cháu… và diễn nhiều cảnh khác nhau. Người trình diễn không cần về sân khấu, hóa trang, trang phục… Nói chung, về hình thức biểu diễn không cần những đạo cụ phức tạp; những nhân vật trong chuyện kể thì bình đẳng; lời thơ, câu hát phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của người diễn xướng.


Vở Ông xã trưởng mê gái trẻ biến khán phòng hội thảo thành không gian diễn xướng, khiến mọi người rất thích thú

Bài chòi có nhiều nét tương đồng với dân ca nước ngoài

Theo lịch sử, Bài chòi trở thành hội đánh bài chòi của người dân mỗi độ Xuân về. Bộ bài chòi có 30 thẻ, thường có 9 chòi được dựng lên. Anh Hiệu bốc trúng thẻ bài nào sẽ hát câu thai kể một câu chuyện vui để đưa đến đích là tên thẻ bài đó. Ai trúng được cả 3 thẻ bài sẽ là người thắng cuộc, được nhận bao lì xì, chúc rượu xuân… Sau, bài chòi được hình thành các hình thức bài chòi sân khấu, bài chòi chiếu, bài chòi ghế… và cả độc diễn bài chòi ở nơi công cộng.

Ở nhiều nước trên thế giới, có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian có nhiều nét tương đồng với bài chòi như pansori (Hàn Quốc), cổ từ (Trung Quốc), hát nói (Angieri và Ấn Độ)… nhưng những lời thơ, làn điệu, âm nhạc, từ ngữ, cấu trúc… trong bài chòi là độc nhất. Bởi thế, bài chòi khá thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian nước ngoài.

Sau những chuyến đi, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Ebsjorn Watermark đúc kết: “Đối với tôi, một điểm cần chú ý trong bài chòi là phần âm nhạc và điều này có thể giúp các nhà nghiên cứu ngoại quốc hiểu về bài chòi cũng như hiểu về những vai trò và những kỹ năng quan trọng của phần nhạc đệm. Đối với tôi, âm thanh của bài chòi được vào bằng giai điệu và nhịp điệu hơn là lời ca”.

Cùng với các loại hình nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử Nam bộ… đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại, Bộ VH,TT&DL, Viện Âm nhạc… đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO vinh danh bài chòi. TS Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết: Hồ sơ bài chòi đã được viết lần thứ nhất và xin ý kiến Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Hiện đang tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thành và trình UNESCO trước ngày 31/3/2015.

Ly Kha
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm