Họa sĩ Trần Thanh Cảnh: Phòng tranh và họa sĩ cùng tạo dựng môi trường chuyên nghiệp

11/11/2016 20:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp - VIETART Today 2016 đã khởi động và kêu gọi tất cả họa sĩ Việt Nam từ 40 tuổi trở lại (sinh 1976) gởi tác phẩm dự thi, với giải Nhất tổng cộng hơn 2,6 tỷ đồng, giải Nhì hơn 1,5 tỷ đồng, giải Ba hơn 1 tỷ đồng.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với họa sĩ Trần Thanh Cảnh, Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ thuộc Hội Mỹ thuật TP.HCM và là thành viên BGK.

Họa sĩ Trần Thanh Cảnh cho biết: “Tôi thấy tại Việt Nam, nơi mà chưa có một thị trường tranh đúng nghĩa, nơi mà giữa đào tạo và thực tiễn còn quá lệch nhau… thì một họa sĩ trẻ để trở thành chuyên nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Thuận lợi có chăng, theo tôi đó là nghị lực cá nhân mỗi nghệ sĩ được hun đúc từ gian nan tìm đường; những trải nghiệm đau thương có khi là những bài học đắt giá.

Chính hoàn cảnh đó sẽ như một mảnh đất cằn, mà cây đời phải tự cắm sâu rễ vào lòng đất. Và điều đáng mừng là có nhiều dấu hiệu lạc quan về các cơ hội mát lành đang mở ra, nghệ sĩ trẻ nào đã chuẩn bị sẵn sàng thì nhanh chóng đón gió để cất cánh”.


Họa sĩ Trần Thanh Cảnh, thành viên BGK

* Lâu nay chúng ta hay nói “họa sĩ tự sáng tạo nên mình”, nhưng sáng tạo một mình có dễ không? Và môi trường để những sáng tạo đó được chia sẻ, nhận diện, quảng bá… theo anh có đầy đủ, chuyên nghiệp tại Việt Nam chưa?

- Họa sĩ ở Việt Nam (nói chung) có lẽ quen với lối làm việc cá nhân, chưa nhiều người có được tinh thần và tư duy làm việc nhóm.

Môi trường để những sáng tạo (nhất là đối với họa sĩ trẻ), chia sẻ, nhận diện, quảng bá… tại Việt Nam là chưa đầy đủ. Một phần vì chúng ta chưa có thị trường tranh đúng nghĩa, lực lượng nhà sưu tập tầm cỡ và tâm huyết rất ít, các phòng tranh và họa sĩ không tin nhau… Nói chung, hệ sinh thái mỹ thuật của chúng ta đang yếu và lủng nhiều mảng.

* Mối quan hệ giữa họa sĩ và các phòng tranh, và ngược lại, nên xây dựng như thế nào cho hợp lý?

- Họa sĩ và phòng tranh nên tôn trọng nhau khi cùng ngồi lại định vị những giá trị bền vững lâu dài. Cả hai cần can đảm gạt qua những lợi nhuận tức thời, để tin tưởng nhau với một phương thức gìn giữ tính độc nhất - hợp đồng độc quyền là một điển hình.

Khi làm việc như vậy, các tác phẩm nghệ thuật sẽ dần được nâng giá qua tay các nhà sưu tập, các hãng đấu giá… Cộng với quy trình, chiến lược xây dựng hình ảnh từ ê-kíp của phòng tranh thì tên tuổi người nghệ sĩ cũng sẽ được nâng tầm. Theo thời gian, đôi bên đều có lợi mà mặt bằng mỹ thuật cũng được nâng cao.


Tác phẩm “Lò mổ”, sơn dầu trên bố, 160cm x 160cm, 2014) của Nguyễn Văn Đủ gởi dự thi

* Từ những lý do như vậy, anh hy vọng hoặc tìm kiếm những điều gì từ cuộc thi Vietart Today 2016?

- Với Vietart Today 2016, tôi mong muốn đây là cơ hội bằng mười để phòng tranh (đơn vị tài trợ chính) và họa sĩ trẻ tìm thấy nhau, cho nhau niềm tin và cho nhau cơ hội thực hiện “tham vọng” tạo dựng một môi trường mỹ thuật chuyên nghiệp.

* Anh có lo việc mình là “giám khảo trẻ”, phải ngồi chấm tác phẩm của các đồng nghiệp, có khi cùng trang lứa?

- Theo tôi được biết, phía tổ chức đã bố trí mời 5 vị giám khảo đến từ nhiều quốc gia, từ những môi trường hoạt động khác nhau, nhưng đều vòng quanh tâm điểm là mỹ thuật.

Và tôi thấy rằng, điều này là một “kỹ thuật” tốt mà phía tổ chức mang lại, cho thí sinh có được sự đánh giá khách quan, đa chiều nhất và có thể là những kinh nghiệm quý để họa sĩ có dịp được nhìn thấy phần nào tính thực tiễn (giữa yếu tố nghệ thuật và tính thương mại) thông qua kết quả cuộc thi.

Cá nhân tôi tham gia giám khảo với trách nhiệm và vai trò chủ nhiệm của CLB Họa sĩ trẻ; ngoài yếu tố chuyên môn còn là tâm thế của một người làm công tác giảng dạy mỹ thuật. Tôi nghĩ rằng các bạn họa sĩ trẻ đừng vội phán xét, vì có thể trong đó, tôi sẽ nhận vai “phản biện”, thay mặt các bạn nói lên tâm tư của một người trẻ khi thực hiện tác phẩm; giúp các bạn trình bày mạch lạc hơn dự án nghệ thuật trước nhiều nhà sưu tập khác khi đến với việc bình chọn kết quả chung cuộc.

Ngoài Trần Thanh Cảnh, BGK còn có tiến sĩ nghệ thuật Ildegarda E. Scheidegger (nguyên là giám đốc phụ trách mảng mỹ thuật châu Á của nhà đấu giá Sotheby’s), giám tuyển Thanh Kiều Moeller, nhà sưu tập Julie Lâm, nhà sưu tập Olivier Do Ngoc. Chi tiết về Vietart Today 2016 có thể tham khảo tại website: http://thevart.com/vn. Cuộc thi do The V Art và CLB Họa sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật TP.HCM) phối hợp tổ chức, với sự tài trợ chính của Galerie Nguyen (TP.HCM).

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm