Họa sĩ Hà Hùng: Hành trình nghệ thuật từ 'đa đoan' đến 'tự tại'

27/02/2019 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Dưới trăng mây hồng của Hà Hùng đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến ngày 5/3/2019. Đây là triển lãm cá nhân thứ 3 của Hà Hùng, vẽ hoàn toàn khác biệt với triển lãm gần nhất - cũng tại Hội Mỹ thuật TP.HCM - vào năm 2008.

Triển lãm mỹ thuật khu vực Hà Nội: 'Nóng' nhờ biếm họa

Triển lãm mỹ thuật khu vực Hà Nội: 'Nóng' nhờ biếm họa

Cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực Hà Nội năm 2013 bỗng nhận về sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi những đề tài thời sự như tham nhũng, hối lộ, tranh chấp lợi ích nhóm, ô nhiễm môi trường.

Sau khi Hà Hùng xuất gia (pháp danh Thích Hoằng Toàn), anh vẽ tranh hoàn toàn khác mình trước đây. Đặc biệt là các bức phong cảnh, cây cối... luôn thể hiện sự tự tại và có năng lượng tích cực. Cho nên, nếu có điều gì đó đáng lưu luyến từ triển lãm này là tinh thần vô ngại và tự tại.

Một hành trình “đa đoan”

Giống như Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trần Kiến Quốc, Nguyễn Như Huy, Song Phạm..., của Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Hà Hùng cũng gắn bó với văn học rất lâu dài, đến tận ngày nay. Hà Hùng đã có những bài thơ, truyện và tiểu thuyết rất có nét.

Chú thích ảnh
Hoạ sĩ Hà Hùng hiện là tu sĩ Thích Hoằng Toàn

Tiểu thuyết Xóm Miếu Nổi của Hà Hùng có nhiều ý tưởng lạ, huyền ảo. Sách viết về đời mưu sinh của chàng sinh viên mỹ thuật, trọ học tại khu vực Miếu Nổi. Đọc tiểu thuyết này và nhiều bài tản mạn về tư tưởng, thẩm mỹ trên Facebook của Hà Hùng, có thể thấy sự trăn trở của tác giả này về nhân sinh và nghệ thuật.

“Theo tôi thấy, vì sống ở “thời đại cuối nguồn” nên nói rằng chúng ta sáng tạo ra một cái gì hoàn toàn mới là rất khó khăn. Tôi chưa thấy ai làm được điều nay cả. Thực tế, chúng ta cần tiếp nhận những cái của người khác, rồi cải tiến lại chút đỉnh, đưa cái của mình vào đó chừng 30% là xong, nếu thành công rồi thì cứ thế nhân bản ra hàng loạt luôn. Hiện giờ tôi thấy con người làm nghề của mình là vậy hết, nếu không như vậy thì người ta nói không có phong cách riêng”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Người say và con cò” (sơn dầu trên toan, 85cm x 110cm, 2018) của Hà Hùng

“Còn những ai sao chép y chang trường phái của người khác thì cũng tốt như thường. Vì bây giờ người ta không sống mỗi người một nhà nữa, mà người ta lại thích sống trong chung cư hơn. Tuy nhiên sống chung hàng trăm gia đình trong một tòa nhà như vậy, nhưng hoàn cảnh của mỗi gia đình đó thì không ai giống ai cả. Và nghệ thuật cũng vậy thôi” - Hà Hùng nêu quan điểm.

Hơn 20 năm cầm cọ, Hà Hùng đã trải qua nhiều tư duy và cách vẽ khác nhau. Đã có lúc anh theo đuổi lối vẽ diễn ý, với những tác phẩm đậm chất hiện sinh, phi lý, siêu thực.

Hà Hùng chia sẻ: “Sau nhiều năm lặn lội làm nghệ thuật đủ kiểu, theo các trường phái phương Tây, bây giờ tôi mới biết mình phải vẽ theo hướng tinh thần phương Đông, đó mới chính là con người thật của tôi. Có nghĩa là tôi đi tìm một hình thức mới trên một cái nội dung đã cũ. Bởi vì nếu chúng ta lấy hai cái trái ngược nhau mà kết hợp lại, thì sẽ cho ra một cái mới. Vì tôi cũng muốn dung hòa mọi mặt trong tác phẩm của tôi, ví dụ sau này tôi sẽ vẽ trang trí nhưng bằng bảng màu đơn sắc chẳng hạn”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Phố mùa Thu"

Phong cảnh tự tại

Triển lãm Dưới trăng mây hồng gồm nhiều bức tranh vẽ phong cảnh rất tự tại của Hà Hùng. Là tu sĩ Phật giáo nhưng Hà Hùng vẽ khá nhiều tranh về vẻ đẹp của các nhà thờ Thiên Chúa giáo, điều này phần nào cũng cho thấy tinh thần vô tư và vô ngại.

“Tôi vẽ loạt tranh này từ hai năm nay, bắt đầu với những bức tranh nhỏ bằng màu nước và màu bột. Và cứ thế tôi vẽ, rồi loại dần những cái cũ đi. Ví dụ như tôi đã vẽ phố không còn rong rêu u buồn cũ kĩ, cổ xưa nữa, mà nó là những khu nhà mới xây, khang trang sạch sẽ của thời đại mới, mang đầy tính tượng trưng. Tôi muốn có một cái nhìn mới về những cái gì đã cũ, do đó chúng ta sẽ thấy nó vừa lạ, vừa quen, thật gần gũi, dễ thương, dễ nhìn” - Hà Hùng.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Xóm đạo” (sơn dầu trên toan, 90cm x 120cm, 2018) của Hà Hùng

Anh nói thêm: “Phải nói rõ rằng, cái còn lại trong tinh thần tôi tới thời điểm bây giờ là sự trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống bềnh bồng của mình. Là sự thức tỉnh của hồn tôi trước một thực tại nhàm chán trôi qua mỗi ngày. Sau khi thức tỉnh, ta sẽ được sống trong một đời sống tinh thần hoàn toàn mới, với nhiều tình cảm gần gũi, thân thiết, mến thương với cuộc sống này hơn. Nó cho chúng ta có cái nhìn gần như ngây thơ, hồn nhiên, với nhiều tinh thần lạc quan, yêu đời. Và tôi vẽ tranh cũng với cái tâm thế nhẹ nhàng dễ thương như vậy”.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm