Họa sĩ Dũng Zunk: Quá dễ dãi với graffiti mới vẽ bôi bẩn đường phố!

16/09/2016 11:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chương trình triển lãm và biểu diễn nghệ thuật đường phố Graffiti Festival 2016 vừa diễn ra tại Hanoi Creative City (số 1 - Lương Yên, Hà Nội) với sự góp mặt của các nghệ sĩ graffiti trong và ngoài nước như Knee Jerk, Phed (Anh), Bows (Thái Lan), Linkfish và Dũng Zunk (Việt Nam)…

Tại sự kiện, các nghệ sĩ đã sáng tác trực tiếp lên một chiếc ô tô, một vài chiếc xe máy..., qua đó giới thiệu về graffiti và giao lưu với công chúng.

Họa sĩ graffiti Dũng Zunk (Trần Tiến Dũng) - người đã gắn bó với graffiti suốt 10 năm qua, đồng thời còn đang điều hành một tạp chí online về đời sống hiphop tại Việt Nam.

Dũng Zunk chia sẻ với Thể thao & Văn hóa:

-  Ban đầu, graffiti được sử dụng với mục đích cá nhân, tuy nhiên, hiện nó đang trở thành một phương tiện làm đẹp và tái tạo đô thị.

* Anh đến với graffiti từ bao giờ?

- Tôi bắt đầu vẽ graffiti từ 2006, sau khi đọc một bài bài trên báo Sinh viên Việt Nam về các hoạt động của nền văn hóa hiphop. Tôi nhận ra từ bé mình đã thích vẽ và khi tìm hiểu về văn hóa hiphop, tôi bắt đầu đam mê sáng tác, đồng thời giao lưu với bạn bè cùng lĩnh vực trên mạng internet.

Rồi tôi đỗ Đại học Kinh tế Quốc dân và có mặt ở Hà Nội. Qua internet, tôi quen một bạn người Đức học mỹ thuật, bạn đó chọn Việt Nam để tìm hiểu về nghệ thuật sơn mài.


Họa sĩ Dũng Zunk

Khi đến Việt Nam, tôi có cho bạn ấy ở cùng nhà và sau này thân quen, chúng tôi đã cùng nhau thực hiện dự án mang tên Quang cảnh Hà Nội (cao 3,5m, dài 30 ở gần chùa Bồ Đề, Long Biên) tái hiện lại quang cảnh Hà Nội với phố xá, nhà cổ, dây điện...

Rồi sau đó, chúng tôi lập nhóp hiphop mang tên là Hưởng gồm 11 người với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, không chỉ mỗi người một việc, không chỉ chơi nhảy mà cả đi vẽ, làm DJ... với mong muốn tuyên truyền cho cộng đồng Việt về nền văn hóa hiphop.

* Cùng với trào lưu văn hoá hip-hop, graffiti dần được giới trẻ ưa thích, tuy nhiên, trên đường phố thường xuyên xuất hiện cảnh “vẽ trộm”...

- Vẽ trộm hay không đều là hình thức đi sáng tác trên tường của người khác với mục đích để nhiều người biết tên của mình. Mình vẽ tên của mình thật đẹp, như viết chữ đẹp trên giấy để nhiều người nhìn thấy hơn. Mình làm chữ phong phú hơn về màu sắc, sáng tạo hơn về đường nét....

Do vậy, mục đích của việc vẽ trộm, hay chính xác là vẽ không xin phép, cũng là mong muốn cho cảnh quan đường phố đẹp mắt hơn...

Trước đây, vào năm 2009, nhóm tôi gồm 10 người đã tổ chức “vẽ trộm” bức tranh lớn dài 40m về chủ đề năm mới trên đường đê Trần Khánh Dư.


Vẽ graffiti lên ô tô

* Quá trình vẽ bức tranh dài như vậy chắc mất nhiều thời gian và có thể bị các cơ quan chức năng hỏi thăm?

- Vâng,12h trưa chúng tôi ra đó lăn tường cho sạch sẽ để vẽ, thì các chú công an phường đi qua nhắc nhở. Chúng tôi phải tạm dừng. Một tiếng sau đó, chúng tôi quay lại và bắt đầu vẽ đến từ chiều đến tối. Đầu bức tranh có chữ Chúc mừng năm mới, trong bức tranh có quang cảnh ngày Tết Việt, thần tài, con giáp... Suốt mấy tiếng vẽ bức tranh, chúng tôi không gặp rắc rối gì nữa.

Khi đi vẽ ngoài đương phố, chúng tôi phải quan sát, chọn chỗ nào phù hợp, vắng vẻ, hợp lý thì mới vẽ...

Từ một mảng tường nhàm chán, một bức tranh tường lớn xuất hiện với màu sắc vui tươi, nội dung phong phú... sẽ làm cho tâm hồn chúng ta tươi mới hơn. Đó là điều nhóm chúng tôi luôn tâm niệm khi vẽ ngoài đường phố.

Khi nhìn vào những bức tranh trên đường phố, người ta cứ nghĩ "vẽ trộm" là vi phạm, nhưng nếu bức tranh đó có nội dung phù hợp với cộng đồng thì hẳn sẽ làm cho thành phố đẹp hơn.

Tuy vậy, thành phố cũng muốn giữ gìn cảnh quan công cộng sạch sẽ, do đó, từ năm 2010 trở lại đây, chúng tôi ít vẽ ngoài đường hơn mà vẽ ở những nơi đã được sự đồng ý.


Tác phẩm "Chúc mừng năm mới" do nhóm Hưởng "vẽ trộm"  trên đường đê Trần Khánh Dư năm 2009

Dũng Zunk tham gia vẽ graffiti về Hạ Long năm 2011

Tuy nhiên, cũng xuất hiện những nhóm vẽ những bức hình bậy bạ khiến mọi người khó chịu. Đấy là những người mới vào nghề, chưa có tư duy nghệ thuật và không phải là những người theo đuổi nghiệp sáng tác.

Chính vì thế, từ lâu, nhóm chúng tôi đã thúc đẩy nhau làm những tác phẩm dễ hiểu để được đón nhận và công việc sáng tác cũng được thoải mái hơn. Chúng tôi muốn làm đẹp chứ không phải có ý đồ phá hoại cảnh quan!

* Đi vẽ như thế vừa tốn tiền vừa tốn công sức, các bạn lấy đâu tiền để đầu tư?

"Với graffiti, tôi có đam mê sưu tầm những họa tiết của nước mình từ hàng nghìn năm trước để đưa vào tác phẩm, ví dụ những hoa văn trên trống đồng" (Phát biểu của Dũng Zunk)

- Chúng tôi phải tự xoay xở, vì đó là đam mê mà. Khi được công chúng thừa nhận, yêu mến, chúng tôi sẽ được họ mời đến nhà để vẽ trang trí. Bản thân tôi từng được sang Đức 3 tuần để sáng tác một bức tranh về Hà Nội trên một bức tường lớn ở đường phố Đức. Tôi đã vẽ Quốc kỳ Việt Nam trên bức tranh với cảm giác rất tự hào.

Hay vào năm 2011, tôi cùng nhiều nghệ sĩ graffiti cũng được mời ra Hạ Long vẽ một bức tranh tường dài về Hạ Long rất đẹp với thuyền, cá, núi non, hang động...

* Tuy nhiên, cho đến giờ này, graffiti vẫn chỉ là trào lưu của giới trẻ, nhiều người vẫn dị ứng với những hình vẽ graffiti tràn lan trên đường phố vì đa phần là bôi bẩn các con đường?

- Tôi mới đi Thái Lan về, thấy rất nhiều loại hình nghệ thuật đường phố với màu sắc bắt mắt. Có thể đất nước Thái Lan cởi mở hơn.

Còn những hình vẽ tràn lan, bôi bẩn các con đường ở Hà Nội, thì như tôi đã đề cập, thường là của những bạn trẻ mới vào nghề, quá dễ dãi trong nghệ thuật. Nền văn hóa hiphop đặc biệt đề cao cái tôi cá nhân, đề cao sự khác biệt, việc copy rất dễ bị cộng đồng lên án. Chính vì thế mỗi lần vẽ graffiti là theo một kiểu và không ai thích kiểu của ai.

Với graffiti, tôi có đam mê sưu tầm những họa tiết của nước mình từ hàng nghìn năm trước để đưa vào tác phẩm, ví dụ những hoa văn trên trống đồng chẳng hạn, tôi đã chuyển hóa sang chất liệu phun sơn để mọi người cao hoa văn dân tộc mình. Hoa văn trống đồng đơn giản mà đẹp, truyền tải cuộc sống ngày xưa, nhưng hiệu úng phù hợp với nhiều thiết kế bây giờ.

Cuối cùng, tôi mong muốn mọi người có cái nhìn cởi mở hơn với công việc sáng tạo graffiti...

Hoài Thương (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm