Họa sĩ Bùi Thanh Tâm dát vàng lên tranh trong triển lãm 'Không có gì ở đằng sau'

21/10/2020 20:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Không có gì ở đằng sau - Nothing Behind của họa sĩ đương đại Việt Nam Bùi Thanh Tâm sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 26/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. 

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm: Tôi vẽ về "những người điên"

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm: Tôi vẽ về "những người điên"

Một triển lãm kết hợp thú vị cùng cái tên độc đáo: "Chào anh Tuấn - Chào anh Tâm" từ ngày 3/11 đến ngày 10/11/2011 tại Viet Art Centre, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

Hơn 20 tác phẩm trong triển lãm chia thành 3 mảng chủ đề: Chiến tranh, Tình yêu, Đức tin được Bùi Thanh Tâm thể hiện qua chất liệu tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ, Hàng Trống và tranh thờ nhưng theo một góc nhìn, một cách thức rất đương đại. Trong đó, có nhiều tác phẩm được dát vàng ta với lượng lớn, không chỉ mang hiệu ứng về màu sắc, mà còn thể hiện sự quyền quý, linh thiêng.

Vẫn tôn vinh những chất liệu dân gian mang tính dân tộc biểu trưng, đan xen hoài niệm về nghệ thuật truyền thống, tuy nhiên Không có gì ở đằng sau - Nothing Behind của Bùi Thanh Tâm lần này, từ đề tài, nội dung tác phẩm, đến đặc điểm tạo hình đều đã hoàn toàn đổi khác. 

Chú thích ảnh
Tác phẩm: Cõi nhân gian. Chất liệu: vàng lá, bạc lá tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng trên toan

Tất cả các vật thể tranh, thay vì được nghệ sĩ đặt trong một cấu hình đơn giản như trước đây, mà ở đó, con người luôn chiếm lấy không gian trung tâm, thì giờ đây, chúng hoặc đã bị biến mất hoàn toàn vào bề mặt của bức tranh, hoặc bị ẩn giấu, bị trộn lẫn vào vô số các vật thể, nhân vật khác. Con người đã không còn là trung tâm quan sát của nghệ sĩ mà chỉ là một yếu tố nhỏ bé nằm trong cấu hình vô cùng phức tạp tập trung vô số yếu tố khác nữa. 

Trong Không có gì ở đằng sau, các nhân vật tràn ngập trong các tác phẩm làm nên tên tuổi của Bùi Thanh Tâm trước đây - búp bê u buồn ba chiều đen tối đã biết mất, thay vào đó là vô số hình ảnh lấy ra từ kho dữ liệu dân gian. Những tâm trạng u buồn, cô độc và giễu nhại được thay thế bằng các hình ảnh ngồn ngộn ngợp mắt, đầy khoa trương. Không gian kiểu sân khấu tự sự và độc thoại được thay thế bằng không gian đại hí viện của các màn trình diễn tập thể. Và, thao tác vẽ, tô màu, được thay thế bằng thao tác cắt dán collage, tạo nên những tác phẩm siêu bề mặt tập hợp đa dạng các chất liệu, kỹ thuật dân gian. 

Chú thích ảnh
Tác phẩm: Chiến tranh I, II, III. Chất liệu: vàng lá, bạc lá tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng trên toan

Lựa chọn của Bùi Thanh Tâm đối với các chất liệu dân gian giờ đây không còn đơn giản chỉ là sự hoài niệm về nghệ thuật truyền thống hay niềm khích lệ cho sự giữ gìn, phát triển nghệ thuật dân gian nữa.

Anh nói: "Những làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ Kim Hoàng - còn gọi là tranh đồ họa in khắc, hay các làng nghề thủ công truyền thống làm vàng, bạc… đã có từ lâu đời trong dòng chảy văn hóa Việt, trở thành những biểu tượng văn hoá dân gian của người Việt.

Tôi thực hành việc chắp ghép tất cả những tinh tuý, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ, phát triển, đưa chúng vào "một định dạng mới" trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại Việt".

Chú thích ảnh
"Nothing Behind" là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của họa sĩ Bùi Thanh Tâm

Cảm hứng chất liệu dân gian trong Không có gì ở đằng sau gợi nhớ câu chuyện của những đối tượng đại chúng quen thuộc trong đời sống người Mỹ được họa sĩ Andy Warhol - cha đẻ của trường phái Pop Art kể lại bằng thủ pháp in ấn (đồ họa), những tác phẩm mang dấu ấn đặc biệt, ám ảnh toàn thế giới trong những năm 60 của thế kỷ trước. Hay Takashi Murakami đem những hình tượng nghệ thuật văn hóa cổ, tranh khắc gỗ Nhật Bản - một sự tiêu biểu của tranh đồ họa (in khắc) nổi tiếng thế giới - thực hành trên máy tính bằng công nghệ đồ hoạ số, và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc hàng đầu thế giới, chuyển biến song song cùng nghệ thuật Á và Âu từ thế kỷ 20 đến nay.

Bùi Thanh Tâm phát triển việc thực hành cảm hứng từ các dòng tranh dân gian truyền thống Việt Nam bằng cách cũng làm tranh bằng các phương pháp thủ công. Sử dụng, phát huy tính thủ công của nghệ nhân vàng bạc, nghệ nhân dân gian in khắc vẽ tay... kết hợp tất cả lại với nhau, biến những kỹ thuật vốn chỉ là dân gian cổ xưa trở thành nghệ thuật đương đại.

Nghệ sĩ xem các buớc thực hành nghệ thuật là mấu chốt của cái gọi là nghệ thuật. Ý niệm trong nghệ thuật vượt ra khỏi những suy nghĩ đơn thuần của nghệ thuật hàn lâm với các chất liệu hội hoạ đã được định dạng.

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm chia sẻ, họa sĩ Andy Warhol từng tuyên bố: "Nếu ai muốn hiểu Warhol, chỉ cần nhìn vào bề mặt của các bức tranh, của các bộ phim, và của chính Warhol. Bề mặt ấy chính là tôi đó. Chẳng có gì ở phía sau chúng đâu".

Warhol không phải là người đầu tiên đưa ra tuyên bố này trong không gian mỹ học cũng như triết học Âu Mỹ. Trước Warhol gần 300 năm, Goethe - đại thi hào nước Đức nói điều tương tự: "Người ta không nên tìm gì phía sau hiện tượng. Bản thân chúng chính là thông điệp". Cuộc sống nằm nơi bề mặt của nó, phía sau bề mặt hoàn toàn không có gì, đó cũng là điều họa sĩ Bùi Thanh Tâm muốn nhắn gửi qua triển lãm Nothing Behind

Chú thích ảnh
Tác phẩm: Vũ trụ

Bà Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm Việt, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian chia sẻ: "Tâm sử dụng kỹ thuật thếp vàng trên tranh Hàng Trống vào những tác phẩm này. Thực ra, hiện tại tranh Hàng Trống chỉ dùng nhũ thôi, nhưng Tâm làm đúng theo kiểu truyền thống và phải đặt hàng riêng. Đây cũng là điều nên cần tạo thành trào lưu để mọi người quay lại chất liệu truyền thống hơn là sử dụng chất hóa học, công nghiệp.

Không thể kể hết ra biết bao nhiêu bức tranh mà Tâm đã đặt các nghệ nhân, tính ra tiền cũng phải đến cả trăm triệu, trong khi một bức có giá vài chục nghìn thôi, là thấy số lượng tranh nhiều như thế nào. Nhưng những tác phẩm của Tâm là tiếp cận truyền thống theo đương đại, cái truyền thống đã được nâng lên một tầm mới".

"Theo tôi, triển lãm Không có gì ở đằng sau của Bùi Thanh Tâm chính là một bước ngoặt rất lớn trong con đường nghệ thuật của anh, bởi tất cả các tác phẩm trong đó đều hoàn toàn khác các tác phẩm trước đây. Một sự khác không ở góc độ hình ảnh, mà còn ở góc độ bản thể học" - nhà giám tuyển, phê bình nghệ thuật Như Huy nhận xét.

Chú thích ảnh
Tác phẩm: Xứ An Nam I, II, III

Nếu như coi giai đoạn nghệ thuật trước đây của Bùi Thanh Tâm là chịu sự chi phối của cấu trúc logic, thì ở Không có gì ở đằng sau tư tưởng nghệ thuật về thế giới của Bùi Thanh Tâm đã có sự chuyển đổi: không gian không có chiều sâu. Không gian giờ đây chỉ có các bề mặt: phi lịch sử, phi ký ức, đặc biệt là có thể dung chứa tất cả mọi nghịch lý và mâu thuẫn.

Bùi Thanh Tâm sinh năm 1979 tại Thái Bình, hiện sống và sáng tác tại Hà Nội. Bùi Thanh Tâm tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2009, đã tham dự nhiều triển lãm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các triển lãm quốc tế tại Hà Lan, Malaysia, Trung Quốc.

Tranh của anh đã được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật đương đại châu Á (ACAS) và tại Hội chợ mỹ thuật bình dân (Affordable art fair) tổ chức ở Hong Kong (Trung Quốc).

Bảo Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm