Hòa nhạc 'Thư Hà Nội': Một cảm thức 'xuyên không' đầy chất thơ

02/12/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Được xem là chương trình kết của Liên hoan âm nhạc châu Âu 2019 tại Việt Nam từ ngày 18 đến 30/11, hòa nhạc đa phương tiện Thư Hà Nội nổi trội ở nhiều khía cạnh, đặc biệt ở cách liên nối lịch sử hiện tại với quá khứ, ngôn ngữ truyền thống với đương đại. Bao trùm toàn bộ như là một trường ca “xuyên không” từ đầu thế kỷ 20 đến hiện tại, nơi khoảng cách giữa Việt Nam và Pháp đã được rút ngắn.

Trí Minh và Thanh Lam mở màn Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2017

Trí Minh và Thanh Lam mở màn Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2017

Trở lại với mùa thứ 16 tại Việt Nam, Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2017 sẽ có sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia: Đan mạch, Ba lan, Thụy điển, Áo, Ý, Bỉ (Wallonia-Brussels), Pháp, Hungary, Đức và Việt Nam từ 17/11 – 2/12 tại Hà Nội và TP.HCM.

Hai nhà soạn nhạc đương đại Lương Huệ Trinh (Việt Nam) và Jean-David Caillouet (Pháp) đã dựa vào hai lá thư từ Hà Nội của thi sĩ Jean Tardieu (1903-1995), khi ông này đi lính tại Việt Nam vào năm 1927-1928 để chuyển soạn.

Buổi hòa nhạc khơi gợi khán thính giả nghĩ về Hà Nội của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”, nơi phong thổ, con người như vừa bí ẩn như vừa cởi mở, vừa quyến rũ vừa giữ khoảng cách. Tác phẩm âm nhạc này như tái khám phá lại lịch sử và mối quan hệ vừa phức tạp vừa hữu cơ giữa hai quốc gia.

Từ hai lá thư đầy chất thi ca

Jean Tardieu là con trai của họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937), đồng sáng lập Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1924. Khi Jean đến Việt Nam, dù đi lính, nhưng vẫn có dịp gần gũi với cha mình, những biến chuyển về nhận thức thế sự thông qua hai lá thư cho thấy một ít dấu vết, tầm nhìn của Jean Tardieu.

Chú thích ảnh
Sân khấu của “Thư Hà Nội”. Ảnh: Lương Hữu Hải

Lá thư đầu tiên Jean gửi cho Roger Martin du Gard (Nobel văn học 1937), nhà tiểu thuyết Pháp này nổi danh với việc chống chủ nghĩa thực dân thời bấy giờ. Lá thư thứ hai gửi cho giáo sư dạy văn minh La-tinh Jacques Heurgon ở Đại học Sorbonne, một người bạn vong niên, có nhiều đồng cảm về tư tưởng.

Hai lá thư tiếng Pháp này chỉ được phép xuất bản thành cuốn Lettre de Hanoï (NXB Gallimard, 1997) khi tác giả qua đời. Năm 2001, hai lá thư này có bản dịch tiếng Việt, được xuất bản ở hải ngoại. Ngày 16/5/2006, hai lá thư này được xuất bản và ra mắt tại Hà Nội.

Ví dụ như đoạn mà Jean Tardieu viết về đôi guốc: “Tôi nghĩ rằng tiếng nhạc guốc này chắc là một kiểu làm đỏm cố tình của dân chúng. Chỉ cần năm hoặc sáu khách bộ hành mang guốc cùng đi trên một vỉa hè, là cả phố bắt đầu vang lên như hát”. “Trong mỗi đôi guốc, tất nhiên từng chiếc lại có tiếng vang riêng: không có gì thú vị bằng nhìn thấy một thiếu nữ lao động người Việt xinh xắn, đoan trang, đi rất thẳng để giữ cho chiếc nón mênh mông của mình không bị chòng chành; bước đi đều đều và mềm mại, cô lần lượt gõ trên nền đất nốt ré thăng và nốt sol giáng của mình”.

Chất thơ, chất nhạc, chất tạo hình bàng bạc trong hai lá thư của Jean Tardieu và cả trong chương trình hòa nhạc của Lương Huệ Trinh và Jean-David Caillouet.

Từ chất thơ dạt dào này, cũng như từ chính các câu chuyện về Hà Nội mà hai nhạc sĩ chia sẻ được, họ đã mang lại cho khán thính giả một sự pha trộn thi vị. Nó hài hòa từ màu sắc và thể loại âm nhạc cho tới các loại nhạc cụ như bộ gõ phương Tây, bộ gõ truyền thống Việt Nam, cello, hát truyền thống, guitar, âm nhạc điện tử…. Sự hài hòa còn đến từ các bài thơ mới được viết bởi một tác giả người Pháp là Emmanuel Labrande, kèm những hình ảnh phụ trợ trên màn hình. Tổng thể của Thư Hà Nội giống như một trường ca vừa có chất sử thi bi tráng, vừa có chất lãng mạn, gần gũi.

Giữa sân khấu là một màn hình lớn, chiếu các hình ảnh thể hiện mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam, giữa hiện tại và quá khứ, giữa hiện thực và trừu tượng, giữa đời thường và tưởng tượng. Bên cạnh những hình ảnh đẹp, đầy sức sống, vẫn còn có sự ám ảnh rơi rớt lại từ thời chiến tranh, nơi mà một số nhân vật và sự kiện đã thành lịch sử, văn hóa, biểu tượng...

Chú thích ảnh
Các nghệ sĩ của “Thư Hà Nội”, từ trái sang: Pablo Tognan, Nguyễn Xuân Sơn, Minh-Tâm Nguyen, Đoàn Thanh Bình, Lương Huệ Trinh, Jean-David Caillouët. Ảnh: Lương Hữu Hải

Đến sự tài tình của tinh thần đương đại

Thành công của Thư Hà Nội đầu tiên là nhờ sự kết hợp tài tình của các nghệ sĩ tuyệt vời, có nhiều kinh nghiệm trong thể loại nhạc mới và nhạc truyền thống. Họ là Nguyễn Xuân Sơn từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (Hà Nội), Minh-Tâm Nguyen từ dàn bộ gõ Les Percussions de Strasbourg, Pablo Tognant từ Ensemble Multilateral (Paris) và Nhạc viện Romainville, Jean-David Caillouët từ Viện Âm nhạc Princess Galyani Vadhana (Bangkok), Emmanuel Labrande viết thơ, Đoàn Thanh Bình và Lương Huệ Trinh (Hà Nội).

Linh hồn của Thư Hà Nội là Lương Huệ Trinh và Jean-David Caillouet, họ không chỉ giỏi về soạn nhạc, mà còn giỏi quy tụ, điều phối được những cá tính dị biệt như vừa kể.

Toàn bộ chương trình có 8 chương, phương tiện biểu hiện gồm: Bộ gõ (Tây phương và Việt Nam), cello, guitar điện, giọng hát, thơ. Cấu trúc của chương trình cũng cho thấy sự thi vị và phức thể.

Chương 1 (tạm gọi thế) là Ánh sáng xiên, do Lương Huệ Trinh chuyển soạn, viết cho bộ gõ, cello, giọng hát chèo truyền thống, nhạc điện tử và thơ.

Chương 2 là Biển ở bên trong, do Jean-David Caillouet chuyển soạn, dành cho cello, guitar điện và nhạc điện tử.

Chương 3 là Gió và giờ, độc diễn nhạc điện tử của Lương Huệ Trinh, với video tương tác trực tiếp của Jean-David Caillouet.

Chương 4 là Vé khứ hồi 1: Người lính số 560 của Jean-David Caillouët, viết cho hai bộ gõ phương Tây và truyền thống Việt.

Chương 5 là Các nguyên tố thất thường áp đảo của tất cả nghệ sĩ, họ cùng phô diễn kỹ thuật và bản sắc.

Chương 6 là Vé khứ hồi 2: Máy đánh chữ của Jean-David Caillouët, viết cho 2 bộ gõ.

Chương 7 là Mạng lưới trí tưởng tượng của Lương Huệ Trinh, viết cho giọng hát truyền thống, cello và nhạc điện tử.

Chương 8 là Những suy nghĩ đổi màu của Jean-David Caillouët, viết cho bộ gõ, cello, giọng hát truyền thống và guitar điện.

Nhiều chương trình nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm và nhạc đương đại thường chọn lối “buông xả” để phô bày hết cái cảm xúc và cảm giác, Thư Hà Nội không làm vậy. Họ chọn lối hài hòa, nơi khán thính giả vẫn nhận thấy được hầu hết các yếu tố đương đại và thể nghiệm, nhưng vẫn cân đối được trong cấu trúc kiểu hàn lâm, các “chương” có sự nối tiếp, chuyển biến và hồi đáp hợp lý. Tách riêng từng “chương” thì đây là những bài có thể đứng độc lập, nhưng ráp lại thì thành một tổng thể có quy tắc chương hồi, hài hòa khúc thức.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm