Harold Edgerton, người 'đóng băng' thời gian

30/07/2014 07:45 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi khi dùng đèn flash gắn trên máy ảnh hoặc điện thoại thông minh của mình, bạn nên im lặng tưởng nhớ tới Harold Eugene Edgerton. Ở thời đại mà những chiếc đài thu thanh còn to bằng cả cái bàn, ông chính là người sáng chế ra cây đèn flash, đã giúp ghi lại mọi chuyển động của thế giới.

Nhìn những hình ảnh do Edgerton chụp như một viên đạn bắn xuyên qua một quả táo; một cầu thủ bóng đá chạm chân vào một quả bóng; một giọt sữa rơi xuống và bắn tóe lên như vương miện..., người ta có thể thấy chúng rất bình thường.

Kỳ tích đầu thế kỷ 20

Ngày hôm nay ai cũng có thể tạo ra được những bức ảnh như thế nếu họ có thiết bị phù hợp. Nhưng thời điểm Edgerton đang sống thì đó là một kỳ tích. Ông chỉ dùng một chiếc máy ảnh cơ qua chỉnh sửa tăng tốc độ chụp lên cực cao, kết hợp với một chiếc đèn flash chạy điện do bản thân tự chế, để “đóng băng” thời gian.  

Kết quả là ông có được nhiều bức ảnh đáng kinh ngạc, ghi lại khoảnh khắc của những sự việc diễn ra quá nhanh mà mắt thường không thể nhìn thấy được. “Ông đã thu được các bức ảnh tuyệt vời, đầy hấp lực, đã xóa nhòa các lằn ranh giữa khoa học, nghệ thuật và giải trí" - Colin Harding, một curator tại Bảo tàng truyền thông quốc gia Anh cho biết.


Cha đẻ đèn flash hiện đại, Harold Edgerton

Edgerton sinh năm 1903 ở Nebraska, Mỹ. Ông lớn lên cùng 2 niềm đam mê là nhiếp ảnh và điện. Ông được chính chú của mình dạy dùng máy ảnh, và từng làm việc cho một công ty điện ở địa phương, trước khi theo học ở Viện nghiên cứu công nghệ Massachusetts (MIT), rồi trở thành giáo sư tại đây.

Trong một lần làm thí nghiệm trên một chiếc máy tính cổ, Edgerton thấy rằng các bóng đèn báo quá nhiệt của máy tính (nhấp nháy với tốc độ 60 lần mỗi giây) thường tạo cảm giác: các phần đang chuyển động nằm ngay phía sau nó giống như đang đứng yên. Hiện tượng này mang tới cho Edgerton ý tưởng rằng một nguồn sáng lớn, phát ra trong thời gian cực ngắn, có thể giúp chiếu sáng một thế giới đang chuyển động với tốc độ cao.

Cần biết rằng ở thời của Edgerton, người ta hoàn toàn không có các loại phim chuyên dụng phục vụ việc chụp ảnh tốc độ cao như thời hiện đại. Do độ nhạy sáng của phim ảnh rất thấp, người ta thường phải đứng yên dưới ánh sáng ban ngày trong vài giây để máy ảnh thu được hình. Đèn flash do Edgerton tạo ra đã mang tới lượng ánh sáng lớn cần thiết, giúp các loại phim kém nhạy chụp được hình ảnh chuyển động mà không bị nhòe, mờ.


Bức "Mauser and Bullet" (Súng Mauser và viên đạn) được Edgerton chụp năm 1938

Cách mạng hóa nhiếp ảnh

Cho tới trước đó, đèn flash trong nhiếp ảnh vẫn không phải là một sản phẩm chạy điện. Để tạo nguồn sáng lớn giúp thu được hình ảnh động, người ta phải dùng "bột flash", thực tế là hỗn hợp magnesium và kali. Khi được kích cháy, hỗn hợp này sẽ tạo ra một nguồn sáng chói mắt.

Chiếc đèn của Edgerton không như thế. Nó gồm một bóng đèn chứa đầy khí trơ, ban đầu là khí thủy ngân. Bóng đèn này được nối với một cục pin và dòng điện do nó tạo ra sẽ tác động vào các phân tử khí bên trong, khiến chúng tạo ra nguồn ánh sáng chói lòa. Thời gian phát sáng của đèn flash mới cũng rất dễ điều chỉnh, khiến nó trở nên vô cùng linh hoạt. Ngoài ra, do đèn dùng pin, người ta có thể sạc lại pin và dùng đèn nhiều lần, thay vì dùng một lần như các bóng flash có thành phần hóa học. Edgerton gọi sản phẩm của ông là đèn chớp (stroboscope).


Bức ảnh "Milk Drop Coronet" (Vương miện giọt sữa) chụp năm 1934

Đèn của Edgerton có thể tạo ra một luồng sáng mạnh kéo dài chỉ 10 micro giây hay 1/100.000 giây. Ông đã thay khí thủy ngân ban đầu bằng khí xenon, khiến bóng đèn trở nên nhỏ hơn. Với thiết bị này, Edgerton đã có khả năng “đóng băng” ngay cả một viên đạn bay với tốc độ lớn nhất hay một con chim ruồi có khả năng vỗ cánh khỏe nhất.

Tuy nhiên gã khổng lồ về nhiếp ảnh khi đó là Kodak đã "chê" phát minh của Edgerton, nghĩ rằng sản phẩm của ông khó bán. Bực mình, Edgerton đã sắp xếp một cuộc đấu đấm bốc vào buổi tối, chụp ảnh toàn bộ diễn biến của trận đấu rồi chuyển ảnh tới cho nhiều tờ báo lớn trong nước để thể hiện quan điểm. Sau thời điểm này, đèn flash điện chính thức soán ngôi của đèn flash hóa học và hàng triệu cây đèn đã ra lò.

“Tôi đuổi theo sự thực. Chỉ sự thực mà thôi"

Nhưng theo lời Tiến sĩ Michael Pritchard, lãnh đạo Hội nhiếp ảnh Hoàng gia Anh (RPS), di sản lớn nhất của Edgerton không chỉ có cây đèn mà còn cả các công việc liên quan tới nó. Đèn flash không chỉ là công cụ nhiếp ảnh mà còn được ông dùng để chẩn đoán hoạt động của máy móc.

Thời thế chiến thứ 2, Edgerton tạo ra một chiếc đèn flash cỡ lớn, để trong khoang chứa bom của một chiếc máy bay ném bom hiện đại và giúp quân đội chụp nhiều bức ảnh tình báo mặt đất vào ban đêm. Sau Thế chiến thứ 2 là thời kỳ Edgerton tạo ra các bức ảnh ấn tượng nhất của ông. Một trong số đó ghi lại được một vụ nổ hạt nhân, nhờ chiếc máy ảnh đặc biệt mang tên Rapatronic mà ông chế ra.

Tới năm 1950, đội kỹ thuật của Edgerton đã tạo ra được một chiếc máy ảnh có tốc độ cửa chập lên tới 1/4 triệu của 1 giây. Ông còn thực hiện nhiều hoạt động thử nghiệm khác liên quan tới nhiếp ảnh, trong suốt sự nghiệp nghiên cứu và phát minh của mình.

Các bức ảnh của ông đã được ca ngợi là không chỉ chứa bằng chứng về sức mạnh công nghệ mà còn có các giá trị nghệ thuật hiện đại. Tuy nhiên cá nhân Edgerton luôn từ chối gọi mình là nghệ sĩ. "Đừng biến tôi thành một nghệ sĩ. Tôi là một kỹ sư. Tôi đuổi theo sự thực. Chỉ sự thực mà thôi"  - ông từng nói.

Triển lãm các tác phẩm của Edgerton

Triển lãm Dr. Harold Edgerton: Abstractions đang được tổ chức tại Gallery Michael Hoppen (London, Anh), trưng bày hàng ngàn bức ảnh tốc độ cao được Harold Edgerton chụp vào những năm 1930. Nhiều bức ảnh của Edgerton giờ đã trở thành biểu tượng, đơn cử như ảnh chụp một giọt sữa bắn lên. Tác phẩm của ông được đánh giá là có ảnh hưởng rất mạnh tới cả khoa học và nghệ thuật nhiếp ảnh. Edgerton đã qua đời vì tuổi cao vào năm 1990.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm