Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (kỳ 6): Phạm An Hải mở lối đi riêng với tranh trừu tượng

27/11/2019 19:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khoảng 10 họa sĩ triệu đô hiện nay của Việt Nam - theo tiêu chí của chuyên đề này, dường như chỉ có mỗi Phạm An Hải tập trung chủ yếu với dòng tranh trừu tượng, tạo ra được phong cách riêng. Xét về giá bán, tranh trừu tượng của Phạm An Hải thuộc nhóm cao giá của Việt Nam từ xưa đến nay.

Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (kỳ 4): Nguyễn Lâm - bậc thầy về sơn mài

Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (kỳ 4): Nguyễn Lâm - bậc thầy về sơn mài

Họa sĩ Nguyễn Lâm (tên đầy đủ: Lâm Huỳnh Long, sinh năm 1941 tại Cần Thơ) gần như thành công ngay từ lúc bước chân vào con đường hội họa chuyên nghiệp đầu thập niên 1960.

Phạm An Hải (sinh 1967 tại Hà Nội) vẽ bức trừu tượng đầu tiên vào năm 1992, tính đến nay đã có gần 30 năm theo đuổi thể loại này, kinh qua vài giai đoạn tư duy và bút pháp. Bức trừu tượng đầu tiên ấy lấy cảm hứng từ những vạt áo thổ cẩm của người miền núi, thiên nhiều về tính trang trí. Giai đoạn này anh thường vẽ trừu tượng trên bìa duplex khổ A4 và tranh khổ nhỏ, chừng 60cm x 80cm.

Những bức trừu tượng thực sự đánh dấu quá trình chuyên nghiệp của Phạm An Hải ra đời vào năm 1998, ví dụ như bức sơn dầu Trong và ngoài, với khổ tranh là 80cm x 100cm.

Từ một tai nạn…

Năm 1990, khi đang là giảng viên cao đẳng nhạc họa, Phạm An Hải nghỉ dạy để toàn tâm học mỹ thuật cho tới năm 1995. Ngay khi ra trường, anh được nhận về làm thiết kế tại báo Vietnam Economic đến giữa năm 1998 thì xin nghỉ hẳn, dù báo không muốn cho nghỉ, do khó kiếm người thay thế.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Phạm An Hải

Với hơn 6 triệu đồng/1 tháng, khá hấp dẫn so với mặt bằng thu nhập thời bấy giờ tại Hà Nội, nhưng do bắt đầu chán việc làm thiết kế, lại muốn dành toàn thời gian để vẽ tranh, nên anh cứ muốn nghỉ. Như gián tiếp góp vào cái quyết tâm nghỉ hẳn của anh là một cột mốc có tính định mệnh - ngày 21/8/1997 - anh bị một kẻ xấu hãm hại, tấn công trọng thương mắt bên phải, mất mấy tháng điều trị. Sau khi trở lại với công việc thiết kế, khi mắt bên phải chỉ còn hơn 20% thị lực, anh có thêm lý do để nghỉ làm, dù cơ quan có đồng ý hay không. 1998 cũng là năm mà vợ anh nghỉ làm để ở nhà chăm con và lo việc nội trợ, con trai đầu của họ sinh năm 1993 - là diễn viên Huyme hiện nay, con gái thứ hai sinh năm 1995.

Đến cuối năm 1998, Phạm An Hải triển lãm Cấu trúc cùng với người bạn tại Nam Sơn Gallery (Hà Nội), một người Nhật đã mua cùng lúc 3 bức trừu tượng khổ 80cm x 100cm, mỗi bức giá 800 USD. Đây cũng là người đầu tiên sưu tập tranh trừu tượng của Phạm An Hải, mở thêm cho anh một cánh cửa vào chọn lựa của mình.

Trong một bài phỏng vấn của Vietnam+ năm 2015, Phạm An Hải nói: “Tôi vẽ vì cảm thấy thích. Hội họa trừu tượng đến và ở lại với tôi như một cái nghiệp. Mặc dù suốt 11 năm học mỹ thuật, tôi học kinh điển hoàn toàn. Trong suốt thời gian đó, tôi cũng vẽ theo lối hiện thực như những họa sĩ khác, thậm chí được đánh giá là vẽ tốt. Thế nhưng tôi lại thấy nếu cứ vẽ hiện thực thì mình luôn bị gò bó, o ép bởi cái vỏ của hình thể”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Serenade #2 - Hoàng hôn trên cầu Long Biên” (acrylic trên bố, 200cm x 300cm, 2014) của Phạm An Hải

Họa sĩ Phan Thiết nhận định: “Phạm An Hải liên tục trải nghiệm về nghề bằng những chuyến đi quốc tế để học hỏi, cũng như khả năng tự sàng lọc, tìm kiếm bút pháp. Tranh trừu tượng của Hải dễ xem, dễ cảm, dễ rung động, vì nó không thiên về lý tính, cũng không thiên về cảm tính, mà là khơi gợi một cách cảm, nên nhiều người xem thấy nó gần với họ. Hải khéo léo trong việc gắn chủ đề cho tranh, pha trộn Đông Tây khá tinh tế, nên vừa có tính phổ quát, vừa có nét riêng khi so với trừu tượng thế giới hiện nay”.

Phạm An Hải nói rằng, trừu tượng khó nhất là tạo được cảm xúc với người xem, nếu không thì chỉ là sự nguệch ngoạc vô nghĩa. Anh gọi trừu tượng là “hiện thực của cảm xúc”. Anh khẳng định: “Trừu tượng là hội họa nhất, vì nó dùng tất cả các yếu tố cơ bản của hội họa, nhưng lại không ràng buộc người vẽ và người xem vào vỏ ngoài của hình thể, mà đi vào trạng thái bên trong”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Sớm lạnh” (acrylic trên bố, 136cm x 254cm, 2015) của Phạm An Hải

Khi hỏi một câu tưởng chừng chạm vào nỗi đau, rằng vẽ tranh với một mắt sáng và một mắt mờ có khó không? Phạm An Hải trả lời: “Khi tai nạn xảy ra, tôi buồn người tấn công mình chỉ một, mà buồn lo sẽ không còn vẽ tranh được là mười. Nhưng rồi tôi nhận ra trời không lấy đi tất cả, cửa sinh đã mở ra, tôi bước đó và tìm ra lối đi cho mình”.

Đến một “thế giá” trên thị trường

Họa sĩ Phan Thiết cho rằng: “Xét về xuất phát điểm và quá trình sáng tạo thì Phạm An Hải như có sẵn sở thích, bản năng với trừu tượng - biểu hiện. Từ sở thích đó, cộng với sự kiên trì theo đuổi đam mê, sự hứng khởi cao độ khi vẽ, cộng với cái duyên kết nối được với thị trường, nên Phạm An Hải đã thành công. Nên nhớ, trừu tượng là một thể loại rất kén nhà sưu tập, thành công không hề dễ dàng”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Giới hạn mong manh #2” (sơn dầu trên bố, 85cm x 125cm, 2019) của Phạm An Hải

Còn theo nhà nghiên cứu Phạm Long thì: “Bảng màu của Phạm An Hải “ngon”, bố cục vững vàng, bút pháp điêu luyện, vẽ kỹ lưỡng và tình cảm, tranh có chiều sâu không gian, cách đặt tên cũng rất khơi gợi… nên dễ thu hút người xem, giới sưu tập”.

“Xét trong tương quan với vô số họa sĩ vẽ trừu tượng còn ở dạng nguệch ngoạc, dễ dãi của Việt Nam, thì tranh của Phạm An Hải nổi trội là điều dễ hiểu. Khả năng làm chủ không gian ở các bức tranh khổ lớn cũng là một ưu thế, chính vì vậy mà dễ đi vào các đại sảnh, không gian công cộng, đây là những kênh sưu tập lớn. Một lưu ý nữa - cũng giống Lê Kinh Tài - vật liệu/họa phẩm mà Phạm An Hải dùng khá xịn, cho nên tranh có độ tươi sáng và bền màu, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những nhà sưu tập chuyên nghiệp, khó tính” - Phạm Long phân tích.

Từ năm 2009, tranh trừu tượng của Phạm An Hải đã được Asian Art de Vivre ở Hong Kong (Trung Quốc) chào đón, mở cánh cửa đến với nhiều bộ sưu tập trên thế giới. Năm 2001, anh cộng tác với Thavibu Art Gallery (Thái Lan), đây là một kênh bán hàng hiệu quả tại khu vực và châu lục. Năm 2013, International Modern Art Gallery (Mỹ) tìm đến, mở thêm một thị trường rộng lớn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Giao hòa” (sơn dầu trên bố, 120cm x 200cm, 2018) của Phạm An Hải

Trong nước, Phạm An Hải từng cộng tác với Nam Sơn Gallery, Apricot Gallery, Thăng Long Gallery, Hanoi Art Gallery... Sau này, anh chỉ còn cộng tác với Green Palm Gallery. Thị trường quốc tế và các Fanpage đang là kênh bán hàng chính. Năm 2013, bức Mùa Thu vàng được nhà Sotheby's bán thành công giá 18.000 USD. Khoảng 10 năm gần đây, nhà đấu giá Sotheby's đã có thỏa thuận hợp tác với Phạm An Hải, đưa nhiều tác phẩm lên sàn đấu và đến các cuộc trưng bày.

“Khi tôi mới bắt đầu đến với nghệ thuật trừu tượng đầu thập niên 1990, ở Hà Nội gần như không có ai chuyên tâm theo trường phái này. Thế nhưng, bây giờ thì phần lớn người trẻ vững nghề đều dành nhiều công phu cho việc vẽ trừu tượng, hoặc ngả theo hẳn việc vẽ trừu tượng” - Phạm An Hải chia sẻ.

Những giao dịch thứ cấp, nghĩa là mua đi bán lại, cho thấy vài bức trừu tượng của Phạm An Hải đã đạt giá trên dưới 100 ngàn USD. Với ý thức làm việc chuyên nghiệp, có mặt bằng rộng về giới sưu tập, thế giá của Phạm An Hải trên thị trường sẽ còn lên cao nhiều hơn nữa.

(Hỏi đáp về nghề nghiệp – nghệ thuật – thị trường

Người mua tranh đúng nghĩa sẽ khích lệ sáng tạo

* Anh quan niệm thế nào về “tranh nghệ thuật” và “tranh thị trường”?

- Thật ra sự phân biệt này là sai, nó chỉ là sự khác nhau về cấp độ nghệ thuật và cho từng mục đích khác nhau mà thôi.

* Anh xem việc vẽ là nghề hay là nghiệp?

- Việc sáng tác tranh nó đòi hỏi cả hai yếu tố nghề và nghiệp, nếu thiếu một trong hai yếu tố sẽ không thể thành sáng tác chuyên nghiệp được.

* Vậy anh có khi nào phải vẽ chiều thị hiếu không?

- Chiều theo thị hiếu của người mua tức là không còn sự sáng tạo, nó đã là lối mòn, đã “quen tay”. Họa sĩ, ở một góc độ khác, là người dẫn dắt người xem đến với những giá trị của cái đẹp mới, nên phần lớn các sáng tác chiều theo thị hiếu, theo ý khách hàng sẽ không có được giá trị sáng tạo.

* Vai trò của người mua tranh với nghệ thuật, sáng tạo?

- Người mua tranh đúng nghĩa thì sẽ khích lệ rất tốt cho sáng tạo, nếu không, thì sẽ có tác dụng ngược lại.

(Còn nữa)

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm