Hang của người tiền sử tại Đắk Nông cần được quy hoạch thành bảo tàng

19/09/2018 22:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là khẳng định của TS La Thế Phúc, chủ nhiệm đề án Điều tra tìm kiếm di chỉ khảo cổ trong Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, Đắk Nông tại Hội nghị công bố kết quả đợt 1 về đề án này trong sáng 18/9.

Trước đó, như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã thông tin, đợt khảo sát và khai quật khảo cổ do các chuyên gia Việt Nam tiến hành tại khu vực hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) trong năm 2017 đã thu về nhiều kết quả đặc biệt quan trọng. Các di vật khảo cổ vừa được phát hiện rất nhiều và đa dạng gồm đồ đá, đồ gốm và xương răng động vật, trong đó có di cốt người tiền sử có niên đại cách ngày nay khoảng 7 ngàn năm.

Chú thích ảnh
PGS Nguyễn Lân Cường tiếp cận với sọ người tiền sử trong quá trình khai quật tại hang C6.1

Quá trình nghiên cứu cũng cho thấy, cư dân tiền sử ở đây đã lựa chọn một số hang động núi lửa phục vụ cho những mục đích khác nhau. Điển hình, hang C6.1 (một trong hai điểm có hố khai quật) được xác định là nơi người tiền sử cư trú lâu dài, với tầng văn hóa dày 1,85 m, kèm theo nhiều vết tích văn hóa về xương răng động vật hoang dã, bếp lửa, các mảnh tước rìu đá.

"Dựa trên những kết quả đã thu về, cũng như những nghiên cứu sắp hoàn thành, chúng tôi hy vọng sẽ có đủ thông tin để tái hiện môi trường sinh cảnh của người tiền sử trong hang động tại chính nơi này" - TS La Thế Phúc cho biết - "Có nghĩa, chúng ta sẽ từng bước xây dựng một bảo tàng tại chỗ để phục vụ công tác bảo tồn cũng như khai thác du lịch, thay cho việc di dời hiện vật về các bảo tàng phân tán như cách làm hiện nay”.

Theo TS Phúc, qua trao đổi với các chuyên gia, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cũng rất tâm đắc với ý tưởng này. Tuy nhiên, để ý tưởng trên thành hiện thực, chắc chắn kinh phí xây dựng bảo tàng này sẽ là một vấn đề phức tạp.

"Chúng ta sẽ phải đầu tư rất nhiều hạng mục để có một bảo tàng hiện đại và hấp dẫn. Chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí bao cấp từ Nhà nước thì không ổn" - ông nói - "Do vậy, nếu quyết tâm triển khai, các cơ quan chức năng cũng phải tính đến việc xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội hóa".

Cúc Đường

Chuyên gia khảo cổ nói về việc 'tìm thấy mộ Trạng Trình'

Chuyên gia khảo cổ nói về việc 'tìm thấy mộ Trạng Trình'

Một thông tin đang được dư luận quan tâm đặc biệt: có khả năng, ngôi mộ cổ được phát hiện tại Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chính là nơi an táng danh nhân Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm